Tác giả, nhà báo Phan Tùng Sơn (giữa) tại buổi lễ ra mắt sách
Đồng chí Phan Kiệm (bí danh Đào Tấn Xuân, Năm Thành, Năm Vân, Năm Xuân) tham gia cách mạng từ rất sớm. 16 tuổi đã được kết nạp vào Đảng. 19 tuổi đã là Huyện ủy viên huyện Triệu Phong. Năm 1940, lúc vừa tròn 20 tuổi, đồng chí được cách mạng tin tưởng giao trọng trách Phó Bí thư Huyện ủy Triệu Phong. Năm đó, đồng chí bị địch bắt giam ở nhà tù Lao Bảo rồi chuyển sang lưu đày ở nhà lao Buôn Mê Thuột cho đến năm 1945.
Sau Hiệp định Geneva 1954 đến năm 1957, đồng chí được phân công ở lại miền Nam, tiếp tục nhiệm vụ Khu ủy viên Đặc khu Sài Gòn - Chợ Lớn, phụ trách Bí thư liên quận 1-4; Ủy viên Thường vụ Khu ủy và sau đó là Phó Bí thư Khu ủy Sài Gòn - Chợ Lớn. Đồng chí Phan Kiệm đã bộc lộ rõ khí chất thông minh, tài thao lược và bản lĩnh của nhà lãnh đạo, chỉ huy chiến lược với nhiều sáng kiến, tham mưu sáng suốt, nhạy bén, cùng những quyết định táo bạo, xây dựng cơ sở cách mạng ngay trong lòng địch, tổ chức phát triển nghệ thuật tác chiến đặc công, biệt động, lập nhiều chiến công vang dội.
Cuối năm 1957, lần thứ hai đồng chí Phan Kiệm bị địch bắt và bị đày ra Côn Đảo. Năm 1961, đồng chí vượt ngục trở về với cách mạng. Từ năm 1961 đến năm 1975, đồng chí được phân công làm Phó trưởng Tiểu ban Tuyên truyền kiêm Tổ trưởng Nghiên cứu tổng hợp Ban Tuyên huấn Trung ương Cục miền Nam, Trưởng Tiểu ban Nghiên cứu tổng hợp kiêm Trưởng Tiểu ban Đô thị Ban Công vận Trung ương Cục miền Nam. Sau ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng, đồng chí về công tác tại Văn phòng Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh và qua đời năm 1998.
Với 8 chương, gần 300 trang, tác giả Phan Tùng Sơn đã khắc họa cuộc đời của nhà cách mạng quá cố Phan Kiệm bằng những trang viết chân thực, sinh động, hấp dẫn, giúp bạn đọc thấy rõ bản lĩnh, dũng khí, tài thao lược, trí thông minh, quyết đoán của nhân vật cùng những góc nhìn cận cảnh về cuộc đấu tranh gian khổ, cam go giữa ta và địch trong những năm tháng nước sôi lửa bỏng của cách mạng.
Chia sẻ về cuốn sách tại buổi ra mắt, Thượng tá, nhà báo Phan Tùng Sơn cho biết: “Tôi dành thời gian 4 năm để về quê hương đồng chí Phan Kiệm, đến những địa danh đồng chí Phan Kiệm đã từng hoạt động cách mạng tìm gặp nhân chứng, nghiên cứu tư liệu lịch sử. Tôi muốn chuyển đến bạn đọc những tư liệu quý báu về một chiến sĩ cách mạng đã dành trọn cuộc đời cách mạng”.