Ngân hàng Nhà nước vừa ban hành Thông tư 30, bổ sung các quy định hướng dẫn xử lý tra soát khiếu nại, hướng dẫn về dịch vụ trung gian thanh toán và quản lý vận hành đảm bảo an toàn của ATM.
Các ngân hàng phải cho phép khách được khiếu nại, tra soát trong thời gian nhiều hơn 2 tháng kể từ xảy ra sự cố. Ảnh: A.Q.
Riêng về việc tra soát khiếu nại cho khách hàng, Thông tư 30 quy định rõ thời gian tối đa phải xử lý khi khách hàng gặp sự cố. Ví dụ nếu những tổn thất không do lỗi chủ thẻ hoặc không thuộc các trường hợp bất khả kháng thoả thuận tại hợp đồng, ngân hàng phải bồi hoàn tối đa trong 5 ngày làm việc.
Nếu hết thời hạn xử lý đề nghị tra soát, khiếu nại theo thỏa thuận tại hợp đồng mà vẫn chưa xác định được nguyên nhân hay lỗi thuộc bên nào thì trong vòng 15 ngày làm việc tiếp theo, tổ chức phát hành thẻ phải thỏa thuận với chủ thẻ về phương án xử lý hoặc tạm thời bồi hoàn tổn thất cho đến khi có kết luận cuối cùng của cơ quan có thẩm quyền phân định rõ lỗi và trách nhiệm của các bên.
Với các trường hợp có dấu hiệu tội phạm, Ngân hàng Nhà nước quy định việc xử lý kết quả tra soát, khiếu nại thuộc trách nhiệm giải quyết của cơ quan nhà nước có thẩm quyền. Nếu xác định không có yếu tố tội phạm, tổ chức phát hành thẻ thỏa thuận với chủ thẻ về phương án xử lý kết quả tra soát, khiếu nại trong 15 ngày làm việc.
Bên cạnh đó, Thông tư lần này cũng nêu rõ thời gian khách hàng được đề nghị tra soát, khiếu nại không ít hơn 60 ngày từ khi phát sinh giao dịch cần tra soát. Trước đó, khi xảy ra những sự cố mất tiền trong tài khoản hay tranh chấp giữa ngân hàng và khách hàng, các nhà băng thường đưa ra lý do camera giám sát chỉ có thể lưu trữ trong thời gian 30 ngày nên không thể cung cấp thêm bằng chứng tra soát.
Ngoài ra, Ngân hàng Nhà nước yêu cầu các nhà băng phải có tối thiểu đồng thời 2 phương thức tiếp nhận xử lý khiếu nại với khách hàng, gồm qua hệ thống hotline 24/7 và khiếu nại trực tiếp tại chi nhánh, phòng giao dịch.
Thông tư 30 có hiệu lực từ ngày mai 28/11. Thông tư này được đưa ra sau khi có hàng loạt sự cố về mất tiền trong tài khoản, sổ tiết kiệm của khách hàng. Bên cạnh đó, đầu tháng 9, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cũng chỉ đạo cần ghi rõ trong các hợp đồng cung ứng dịch vụ nội dung cụ thể về trách nhiệm trong việc tiếp nhận thông tin của khách hàng, thời gian xử lý, phương án đền bù đối với các trường hợp phát sinh rủi ro, sự cố trong hoạt động thanh toán.