Quay lại Dân trí
Dân sinh
  1. Diễn đàn Dân sinh

Mất tiền vì cú “nhá máy” từ nước ngoài

Các cuộc gọi lừa đảo có đầu số lạ khiến nhiều người dùng mất hàng trăm ngàn đồng khi gọi lại

Những ngày qua, nhiều bạn đọc dùng điện thoại di động (ĐTDĐ) tại TP HCM, Hà Nội cùng nhiều tỉnh, thành khác trong cả nước đã phản ánh về tình trạng bị “nhá máy” từ những số điện thoại lạ có đầu số +252xxx, +232xxx…

Bị “dựng dậy” lúc nửa đêm

Chị Võ Hoàng My (ngụ quận Tân Bình, TP HCM; chủ một thuê bao MobiFone) kể: “Cuối tuần rồi, khi tôi đang ngủ thì điện thoại reo, sau đó tắt. Tôi mở máy, thấy cuộc gọi nhỡ từ đầu số +252xxx, nghĩ là người nhà ở nước ngoài gọi về nên bấm gọi lại, nghe một tràng tiếng Anh không rõ nghĩa, tôi alô gần 1 phút, không thấy ai trả lời. Sáng hôm sau, kiểm tra lại tài khoản thì thấy bị trừ gần 80.000 đồng”. 

Nhiều người dùng phản ánh trên Facebook bị các đầu số nước ngoài liên tục “nhá máy” 

Trước đó, vào giữa tháng 10-2016, nhiều thuê bao di động tại Đà Nẵng và một số tỉnh miền Trung thường xuyên bị những đầu số +252 (Somali), +231 (Liberia), +232 (Sierra Leone), +224 (Guinea)… “dựng dậy” lúc nửa đêm, người dùng gọi lại thì bị trừ một số tiền lớn. Sau đó, tình trạng này tạm lắng xuống. Gần đây, các cuộc gọi lừa đảo bùng phát trở lại trên cả nước, trong đó đầu số +252xxx hoạt động mạnh nhất. Đã có nạn nhân bị trừ 500.000-700.000 đồng. Nhiều bạn đọc cho biết đa phần cuộc gọi đều tập trung vào các thuê bao MobiFone, còn thuê bao của các nhà mạng khác thì chỉ ghi nhận một vài trường hợp bị “nhá máy” kiểu này.

Theo một chuyên gia về viễn thông tại TP HCM, thủ đoạn của hacker (tin tặc) quốc tế là liên tục tạo nên hàng triệu cuộc gọi nhỡ bất kỳ thông qua dãy số ĐTDĐ (của các nhà mạng) của bất kỳ ai, sống tại bất kỳ quốc gia nào. Khi thuê bao di động gọi lại các số quốc tế đã gọi nhỡ sẽ bị hacker chuyển sang chế độ trả lời tự động để “câu giờ”, dụ người dùng nghe máy lâu hơn (thời gian chờ càng lâu, số tiền khách hàng bị mất càng lớn). Đó là lý do vì sao nhiều người dùng mới chỉ gọi lại, đợi chuông hoặc nghe máy chỉ vài chục giây nhưng tài khoản đã bị trừ hàng trăm ngàn đồng.

Trang bị công cụ bảo vệ

Liên quan đến vấn đề này, đại diện nhà mạng MobiFone cho hay thời gian gần đây, MobiFone đã tiếp nhận nhiều phản ánh của người dùng về tình trạng trên. Qua kiểm tra, MobiFone xác định đây có thể là các thủ đoạn nhằm gian lận cước viễn thông quốc tế nên đã chủ động phân loại, chặn toàn bộ các cuộc gọi đến tất cả thuê bao quốc tế có đầu số có dấu hiệu gian lận cước quốc tế. Riêng những cuộc gọi quốc tế đến các số thuê bao nước ngoài khác vẫn bảo đảm thông suốt, an toàn.

MobiFone đề nghị người dùng cân nhắc kỹ trước khi gọi lại những cuộc gọi nhỡ có đầu số lạ từ nước ngoài hoặc không nằm trong danh bạ quản lý. Khi phát hiện có các hiện tượng trên, người dùng nên phản ánh về tổng đài chăm sóc khách hàng 18001090 của MobiFone để được kịp thời giải quyết.

Theo các chuyên gia, các đầu số này có thể thuộc hệ thống vệ tinh di động toàn cầu, không trực thuộc sự quản lý của bất kỳ cơ quan, quốc gia nào nên khi người dùng bị “móc túi”, việc truy thu hoàn cước số tiền bị mất là bất khả thi. Để khắc phục, ngoài việc cảnh giác, người dùng nên đăng ký khóa chiều gọi đi quốc tế để tránh tình trạng mất cước; đồng thời nên cài các phần mềm như Kaspersky Antivirus & Security, Bkav Mobile Security, Laban Tool Box… vào smartphone. Các phần mềm này có tính năng chặn cuộc gọi, người dùng chỉ cần nhập vào các số điện thoại đã gọi nhỡ đến cho mình để chặn các số này tiếp tục gọi đến hoặc có thể nhập vào các đầu số gọi nhỡ lừa đảo trên để các phần mềm chặn luôn dù hacker có thay đổi sang số khác. Ngoài ra, khi thấy các đầu số gọi nhỡ này nên báo lên tổng đài của nhà mạng để chặn, khóa lại.

“Các hình thức lừa đảo trên ĐTDĐ sẽ ngày càng tinh vi hơn, tập trung vào việc khai thác trực tiếp tài khoản của người sử dụng. Chẳng hạn, lừa nhắn tin đến đầu số trả tiền, tự động gọi điện đến đầu số trả tiền hoặc giá cước cao… Người dùng hầu như không thể phân biệt được đâu là cuộc gọi thật, đâu là lừa đảo. Để bảo vệ mình, người dùng nên cảnh giác, tốt nhất là trang bị phần mềm bảo vệ smartphone có tính năng chặn cuộc gọi lừa đảo” - ông Vũ Ngọc Sơn, Giám đốc Bộ phận Nghiên cứu của Công ty An ninh mạng Bkav (Bkav R&D), khuyến cáo.

Quốc tế cũng “bó tay”

Theo nhiều chuyên gia, đây là một dạng lừa đảo xuất phát từ Nhật có tên Wangiri, gồm 2 loại: số điện thoại dịch vụ tổng đài; số điện thoại ảo tạo ra bằng máy tính. Những số này đã đăng ký với nhà mạng là khi nhận cuộc gọi đến sẽ nhận được tiền chuyển từ tài khoản của số máy gọi đến.

Được biết, trước đây ở nhiều quốc gia như Anh, Mỹ cũng đã gặp phải tình trạng tương tự. Hiện đây vẫn đang là một lỗ hổng lớn đối với ngành kinh doanh viễn thông và vẫn chưa có cách khắc phục triệt để.