Ảnh minh họa. Nguồn: Internet
Họ đăng đàn để vênh vang, cao đạo, phô trương thân thế của mình là chính, còn cái tốt đẹp, tính xây dựng bị xếp vào thứ yếu, thậm chí họ không đoái hoài tới. Như vừa rồi, một số người hốt hoảng kêu toáng lên, cho rằng trong đề văn của kỳ thi phổ thông trung học quốc gia, Bộ GD&ĐT đã trích nhầm câu thơ của thi sĩ Lưu Quang Vũ. Theo họ là: “Ôi tiếng Việt như đất cày, như lụa”, chứ không phải “Ôi tiếng Việt như bùn và như lụa”. Nhưng té ra những người ra đề không nhầm, mà chính những người cứ tưởng mình “phát hiện ra hành tinh mới” lại bé cái nhầm!. Họ nhầm là bởi khoe khoang, vênh váo, chơi trội, nhưng thiển cận, bộp chộp, thiếu khoa học. Nếu khi phát hiện câu thơ khác với văn bản mình đã biết, họ trấn tĩnh vài giây, tìm các văn bản khác để tham chiếu, thì đâu có cái phản ánh nông choẹt và nhảm nhí trên. Dẫu sao, trong cái rủi có cái may, nhờ cái “trí tuệ” lởm khởm, hợm hĩnh ấy, những người yêu văn chương hiểu thêm về chuyện “bếp núc” của nghề văn.
Còn nhớ mấy tháng trước, có nữ đại biểu Quốc hội đề xuất việc xây dựng dự án luật về hành chính công, ngay lập tức một số người đăng đàn, nêu ý tưởng về cá nhân xây dựng luật.
Đúng. Về lý thuyết, cá nhân hoặc nhóm người có thể xây dựng được luật, hay các văn bản dưới luật, sau đó trình Quốc hội, cơ quan có thẩm quyền xem xét thông qua. Nhưng thực tiễn phát triển như vũ bão hiện nay của đời sống xã hội, nhất là sự phát triển của khoa học công nghệ, rất khó cho cá nhân, hay nhóm người nào xây dựng được một bộ luật, đạo luật phù hợp với thực tiễn và có sức sống lâu bền.
Thử ngó vào các bộ, các ngành, các cấp chính quyền bao nhiêu cơ quan còn “nợ” bao nhiêu văn bản luật? Ngay như Bộ luật Hình sự vừa mới được Quốc hội thông qua đã vướng hàng chục lỗi, phải tạm dừng thi hành để sửa đổi. Nên nhớ trí tuệ của loài người là vô hạn, nhưng trí tuệ của một người là có giới hạn. Người xưa từng nói: “Một cây làm chẳng nên non”. Xin đừng hợm hĩnh đề cao cái tôi cá nhân.
Nhiều người cứ phát ngôn văng mạng, nói mà không biết mình nói cái gì. Như chuyện khi bàn đến việc xây dựng Luật Phòng, chống tham nhũng sửa đổi, để lấy ý kiến các ngành, các giới và nhân dân, có ông trong ban biên tập dự luật trên ví von cho rằng, sửa luật để “hổ có răng và cắn đau”.
Thưa với quan ông, có răng và cắn đau chỉ là mèo thôi, chứ không phải hổ. Mà mèo già họa hoằm lắm cũng chỉ hóa thành cáo. Còn hổ ư ?. Bản chất của nó đâu chỉ cắn đau, mà xé xác, ăn tươi nuốt sống. Sự so sánh, hoán dụ cũng phản ánh thước đo văn hóa, đừng thấy đỏ cho là chín, trông gà hóa quốc, phải phân biệt mèo ra mèo, hổ ra hổ. Làm luật không phải là trò đùa, đừng phán nhăng, phán cuội.