Đắng lòng với những “người mẹ” trẻ.
“Chồng” ơi!
Như người Dao đeo tiền ở các nơi khác, người Dao đeo tiền ở Sinh Tàn (Thanh Sơn, Phú Thọ) cũng có tục ngủ thăm (có nơi gọi là ngủ ngửi). Thế nhưng tại bản Sinh Tàn, tập tục này đang ngân lên những tiếng cảnh báo.
Tôi tìm đến Sinh Tàn, vào nhà T. lúc gần trưa mà ngôi nhà im lặng đến đáng ngờ. Chiếc bếp củi leo lét, trong đống tro nóng là những củ sắn còi đang được vùi, chờ chín để làm bữa trưa cho bốn mẹ con. Ba đứa bé trứng gà trứng vịt. Điều lạ ở đây: chúng đều là con của những người đàn ông khác nhau. T. cũng không biết những người đàn ông ấy ở đâu.
T. hồn nhiên kể không giấu diếm khiến tôi cảm thấy thương người mẹ trẻ này quá. T. kể cho tôi mối tình đầu. Khoảng 10 năm về trước, trái tim thiếu nữ của cô gái bản nghèo này rung động trong một lần đi chơi và bắt gặp một người đàn ông. Thế rồi cả tin, T. cho người đàn ông ấy địa chỉ nhà mình. Rồi hẹn hò và trao gửi thân phận. Trái tim thiếu nữ của T. đang ngất ngây thì anh ta lặng lẽ bỏ đi khi cái thai bắt đầu phát triển trong người T. Nhà anh ta T. không biết, địa chỉ cũng không, T. đành ôm sầu một mình vượt cạn, thêm cho bản Sinh Tàn nghèo khó một đứa trẻ không cha.
Nỗi sầu nguôi ngoai thì T. lại gặp người đàn ông nữa. Lại cả tin, lại cho họ là người tử tế, T. lại trao thân lần hai. Lần này, T. đầy hy vọng vì anh ta cũng là người nghèo khó và thật thà hơn người cha của đứa con đầu. Thế rồi, hy vọng của T. cũng lại nhanh chóng tan vỡ. Người đàn ông này cũng lại lặng lẽ bỏ đi giữa đêm vắng đại ngàn, để lại cho T. và bản Sinh Tàn thêm một đứa trẻ nữa. Cứ lặng lẽ, chấp nhận và hy vọng, vì sự kém hiểu biết của T. đã làm cô có thêm đứa con thứ 3 mà không biết bố nó tên cụ thể là gì, ở đâu.
Bản Sinh Tàn ngoài nghèo đói nay lại đang gánh thêm áp lực về những đứa trẻ không cha, những người phụ nữ không chồng đang phải nuôi con một mình.
Vợ chồng trẻ con
Khi tập tục bị lạm dụng, rất nhiều thiếu nữ vùng cao đã mất đi tuổi hồn nhiên của mình.
Cũng như các bộ phận người Mông khác ở Tây Bắc, người Mông Hoa ở Hang Kia cũng có tập tục "bắt vợ". Bản chất của tập tục "bắt vợ" là nét văn hóa của người Mông, thế nhưng, hiện tại, tập tục này lại đang bị lạm dụng. Nhiều thiếu nữ ở xã, trong thời gian gần đây đã vô tình bị mất tuổi hồn nhiên của mình khi tập tục này bị lạm dụng, biến tướng. Xót xa nhất là trường hợp những bé gái chỉ mới 12 - 13 tuổi đã bị thanh niên các thôn bản bắt về làm vợ.
Ngồi đối diện với tôi trong quán ven đường là S. và Y. Thú thực, nhìn S. và Y., tôi cứ nghĩ họ là… anh em. Không ngờ, họ lại là vợ chồng, vừa cưới nhau vào dịp Tết của người Mông. Theo tuổi, S. có vợ từ khi tròn 14, còn Y. "bị" làm vợ từ lúc em mới 13.
Ngồi nói chuyện cùng S., tôi thấy S. có vẻ rất tự hào khi mình bắt được người vợ trẻ này. Theo lời kể, gần Tết năm trước, S. đã gặp Y. ở một bãi ném còn. Lời qua lời lại, S. đã theo Y. về nhà, rồi tìm đến lớp học của Y. Vài tuần sau, khi Y. còn đang ngồi trên lớp, sắp sửa kết thúc buổi học cuối năm thì ào một cái, S. cùng mấy người bạn đến, xông thẳng vào lớp, bắt Y. đi trước sự sững sờ của cô giáo.
Từ một cô gái còn đang tuổi hồn nhiên, Y. đã bắt đầu phải làm vợ. Gánh nặng của một người vợ đã được đặt lên vai Y. và tôi không thể hình dung được cuộc sống của họ sẽ như thế nào.
Số lượng trẻ em gái ở Hang Kia và các xã lân cận bị trai Mông "bắt" về làm vợ tăng lên thêm mỗi năm. Người ta đã quá quen và không có biện pháp nào để ngăn chặn tình trạng những đứa trẻ con lấy nhau. Các lớp học, các gia đình có các bé gái cứ bất chợt lại mất người. Và họ cũng không phải lo lắng, không phải đi tìm vì biết rằng họ mất người chỉ do tập tục “bắt vợ”. Cuốn sổ tay ghi chép những vụ tảo hôn của xã cứ ngày một dày thêm.
Trong 25 hộ gia đình có trẻ con lấy trẻ con vì tập tục "bắt vợ" ở Hang Kia đã thống kê được thì "vợ chồng" K. và G. được các cặp vợ chồng trẻ "khen" nhiều nhất. Họ khen K. vì anh ta đã "bắt" được vợ ở ngay cùng xã. Tôi tìm vào nhà vợ chồng K. thì thấy hai người ngồi ủ dột, mỗi người một góc nhà. K. thì phì phèo thuốc lá còn cô vợ trẻ đang tranh thủ khâu quần áo cho con.
Tôi cũng chẳng biết rồi cuộc sống và sức khỏe họ thế nào. Thế nhưng, tôi vẫn ám ảnh bởi câu chuyện của một nữ hộ sinh ở trạm y tế xã khi chị cho biết: Tôi rất sợ khi chứng kiến nhiều bé gái chỉ 12 tuổi đã phải vào phòng sản. Nhìn cơ thể của các em chưa kịp phát triển đã phải mang thai và chịu những cơn đau vì sinh nở mà tôi chẳng thể khuyên được điều gì.
Những cô gái người Mông, người Dao ở đây là thế, bị người ta “bắt", "kéo" là phải lấy người ta thôi… Những câu lý giải hết sức đơn giản và đáng thương của những thiếu nữ vùng cao làm lòng tôi trĩu nặng nỗi buồn, vì nó tựa như “định mệnh” đầy nghiệt ngã!
Đức Tuyền/GĐ&TE