Mẹ Việt Nam anh hùng Kiều Thị Nông vui mừng với con đường trước nhà sắp được hoàn thiện
Được Nhà nước phong tặng danh hiệu Bà mẹ Việt Nam anh hùng, đồng thời là thương binh 4/4, dù cuộc sống còn nhiều khó khăn, nhưng mẹ Kiều Thị Nông vẫn không ngại ngần hiến 800 m2 đất nhà và 1.700 m2 đất ruộng làm đường giao thông. Hành động của mẹ như tiếp thêm sức lan tỏa cho phong trào hiến đất làm đường được phát triển mạnh ở huyện Củ Chi (TP Hồ Chí Minh).
Vì những con đường to đẹp hơn
Ông Nguyễn Hữu Hoài Phú, Chủ tịch UBND huyện Củ Chi hãnh diện khoe, sau một thời gian vận động, đã có 100% hộ dân có đường giao thông ngang nhà đều đồng lòng hiến đất. Kết quả, đến nay Củ Chi đã có hơn 6.300 hộ hiến trên 750.000 m2 đất, trị giá trên 355 tỷ đồng để làm đường giao thông nông thôn.
Trao đổi với PV Báo Giao thông, ông Lê Thanh Hùng, Phó Bí thư thường trực Đảng ủy, Chủ tịch HĐND xã Trung Lập Thượng, huyện Củ Chi cho biết, toàn xã Trung Lập Thượng có 282 hộ dân hiến đất làm đường giao thông nông thôn, với tổng diện tích gần 25.000 m2. Phong trào hiến đất làm đường giao thông được người dân Trung Lập Thượng hưởng ứng sôi nổi, trong đó điển hình là gia đình Mẹ Việt Nam Anh hùng Kiều Thị Nông. Gia đình mẹ không chỉ có truyền thống cách mạng mà còn luôn là gia đình gương mẫu đi đầu trong các phong trào tại địa phương.
Tại ấp Đồng Lớn, xã Trung Lập Thượng, mẹ Kiều Thị Nông dẫn chúng tôi đi thăm con đường Trung Lập liên tỉnh, nối liền xã Trung Lập Thượng với tỉnh Bình Dương và Tây Ninh, qua trước cửa nhà đang thi công sắp hoàn thiện. Mẹ Nông vui vẻ: “Con đường này trước đây nhỏ lắm, nhưng nhờ phong trào hiến đất của bà con nên được mở rộng hơn 10m. Mình bớt đất nhà, đất ruộng để con cháu đời đời có đường to đẹp, an toàn để đi, làm ăn trong vùng thuận tiện, khấm khá hơn, chả phải việc rất nên làm đó sao?”.
Được biết, riêng con đường này, mẹ Nông đã tình nguyện hiến 800m2 đất nhà làm đường giao thông và hơn 1.700 m2 đất ruộng cho địa phương làm kênh mương kết hợp giao thông nội đồng. Từ hành động hiến đất cao cả của mẹ Nông đã lan tỏa từ ấp này tới ấp khác. Nhờ đó mà con đường sớm được thi công và Trung Lập Thượng là xã đi đầu trong huyện Củ Chi hoàn thành chương trình xây dựng nông thôn mới.
“Không chỉ bản thân hiến đất, mẹ Nông còn bỏ công vận động người thân, họ hàng và bà con trong ấp cùng nhau hiến đất. Hành động cao cả của mẹ Nông đã tạo nên sự đồng thuận giữa chính quyền địa phương và toàn dân; góp phần thắng lợi trong chương trình làm đường giao thông nông thôn”, ông Hùng nói.
Cả đời hy sinh cho quê hương
Tiếp chúng tôi trong ngôi nhà cũ được xây dựng hơn nửa thế kỷ trước, trên tường treo nhiều Bằng khen của Thủ tướng, của thành phố…và cũng từng là nơi nuôi dưỡng nhiều cán bộ cách mạng trong thời kỳ kháng chiến cứu nước, mẹ Nông năm nay 79 tuổi nhỏ nhẹ ôn lại những chuyện xưa.
Mẹ kể, nhà chỉ có hai chị em nhưng người em trai của mẹ đã hy sinh và mẹ tiếp tục theo cha hoạt động cách mạng từ nhỏ đến giờ. “Ngày mẹ làm trinh sát thông tin, thấy mẹ ngày nào cũng ra chợ rồi gặp mấy anh lính, má chồng của mẹ cũng nghi ngờ mẹ có người yêu là lính. Nhưng mẹ cũng không một lời thanh minh, vì công việc của mình cho Tổ quốc… Rồi đến người con gái duy nhất của mẹ là Nguyễn Thị Nắng cũng theo chân mẹ, 9 tuổi đã hiểu hết công việc của mẹ làm, 11 tuổi nó đã tham gia cách mạng cùng mẹ cho đến ngày nó hy sinh. Khi đó, con Nắng mới 16 tuổi”, mẹ nghẹn giọng.
Ông Lê Thanh Hùng cho hay, trong thời gian làm trinh sát, mẹ bị địch bắt, giam cầm hơn 3 năm trong tù. Trên người mẹ Nông giờ vẫn còn đầy thương tích từ những trận đòn tra tấn của kẻ thù. Mẹ đang là thương binh 4/4. “Do sức khỏe yếu nên mẹ cũng thường đau ốm. Nhưng mẹ luôn nghĩ cho mọi người, cho thế hệ mai sau, không nghĩ cho bản thân mình”, ông Hùng xúc động.
Thấy chúng tôi thắc mắc: “Nhà có mình mẹ, sao có nhiều giường như thế?”, mẹ Nông giải thích: “Mấy cái giường đó có từ xưa rồi đấy, các anh chị cán bộ, thanh niên xung phong dùng, giờ để đó cho sinh viên tình nguyện. Mẹ luôn giặt chăn màn sạch sẽ chờ tụi nhỏ…”.
Ông Nguyễn Ngọc Tường, Phó trưởng ban chuyên trách Ban ATGT TP Hồ Chí Minh đánh giá rất cao phong trào hiến đất làm đường giao thông của người dân Củ Chi “đất thép thành đồng”. “Chủ trương hiến đất làm đường giao thông của Trung ương và Thành ủy là hoàn toàn đúng đắn, cùng với truyền thống cách mạng tại địa phương, đã tạo nên sự đồng thuận của người dân. Ngoài ra, nhờ sự nỗ lực vận động của địa phương, các tấm gương hiến đất của cá nhân, đảng viên, của những người như mẹ Nông đã giúp cho các tuyến đường giao thông nông thôn ở huyện Củ Chi được mở mang, rộng đẹp”, ông Tường nhìn nhận.
“Trước đây, số vụ TNGT ở huyện Củ Chi rất cao do ý thức tham gia giao thông của người dân chưa tốt. Nhưng gần đây, nhờ hệ thống đường giao thông nông thôn dần được hoàn thiện, Ban ATGT và chính quyền địa phương tăng cường các giải pháp đảm bảo TTATGT, nên TNGT nơi đây đã giảm mạnh”. Ông Nguyễn Ngọc Tường |