Quay lại Dân trí
Dân sinh
  1. Diễn đàn Dân sinh

Mẹ già lặng lẽ bên di ảnh 5 con chết vì ung thư

Mỗi năm đưa tang một đứa con, bà Nguyễn Thị Tuất (làng Lũng Vị, xã Đông Phương Yên, huyện Chương Mỹ, Hà Nội) kiệt sức trong căn nhà nhỏ cấp 4 khi lần lượt 5 người con trai đều chết vì ung thư.

Đến làng Lũng Vị, hỏi thăm bà Nguyễn Thị Tuất thì không ai không biết. Bà được mệnh danh là “người mẹ khổ nhất thế gian” vì đã trải qua nỗi đau tột cùng khi cả 5 người con trai đều qua đời vì bệnh ung thư. 

Bà Tuất buồn bã thắp nén hương cho cậu con trai út 

Chúng tôi đến đúng vào khoảng thời gian người con trai của bà, anh Đỗ Văn Bốn vừa mất được một tuần. Tiếp chuyện trong không gian tang tóc, đôi mắt người mẹ già đỏ hoe vì khóc quá nhiều.

Ngồi lọt thỏm giữa căn nhà vắng lạnh, bà Tuất ngậm ngùi: “Vợ chồng tôi sinh được 8 người con, 5 trai, 3 gái. Từ ngày chồng tôi mất (năm 1997) do viêm tủy, tôi sống dựa vào các con. Vậy mà chỉ vài năm thôi, lần lượt 5 thằng con vì ung thư mà bỏ tôi đi mãi... để kẻ đầu bạc tiễn người đầu xanh”

Bà Nguyễn Thị Tuất buồn rầu trong căn nhà vắng lặng

Năm 2011, con trai út của bà  anh Đỗ Văn Hảo (1983), một thanh niên khỏe mạnh bỗng dưng lên cơn đau ngực dữ dội, có triệu chứng ho ra máu nhiều. Sau khi đến bệnh viện khám mới biết mắc bệnh ung thư phổi giai đoạn cuối. Sau vài tháng thuốc men cầm cự anh Hảo đã qua đời.

Dường như nỗi đau cùng kéo nhau đến đổ ập xuống người mẹ già khi lần lượt các con bà anh Đỗ Văn Luyện (1970) bị ung thư gan mất năm 2012, anh Đỗ Văn Quy (1972) bị ung thư gan mất năm 2013, anh Đỗ Văn Huấn (1966) bị ung thư tuyến tụy mất vào năm 2014. Để rồi đến người con trai cuối cùng của bà, anh Đỗ Văn Bốn (1974) cũng bỏ bà mà đi.

Mỗi ngày bà Tuất đan được khoảng 10 nan tre, mỗi cái bán ra với giá 2 nghìn đồng để có tiền mua rau, mua cá

Bà tâm sự: “Giờ đã ngoài 70 tuổi, cái tuổi cũng gần đất xa trời mà tôi chẳng biết làm gì để có thể trả hết số nợ. Ngày ngày tôi cùng con dâu làm thêm nghề chẻ nan thuê, mỗi cái lạt nan được 3.000 đồng, may ra ngày kiếm được 10.000 đồng cũng đủ tiền ăn uống”.

Dân Lũng Vị chao đảo vì ung thư

Ông Văn, người dân thôn Lũng Vị cho biết, do địa hình thôn thấp trũng, thấp hơn hẳn so với khu vực nên nước trong vùng ứ đọng hết về đây. 

Từ hơn 10 năm nay, trên địa bàn có nhiều nhà máy mọc lên nên sau mỗi trận mưa nước nhuộm màu từ nhà máy sản xuất mây tre đan, nước xả thải của nhà máy sữa đều dồn đọng hết về đây. Con kênh bao quanh làng luôn phủ một màu đỏ của hóa chất.

Ông Đỗ Văn Viên, cán bộ tư pháp xã cho biết: “So với các thôn khác, Lũng Vị có số lượng người chết vì ung thư cao đột biến”. 

Ông Đỗ Văn Viên thống kê số người chết vì ung thư tại thôn Lũng Vị

Ông lục lại tập hồ sơ khai báo sinh tử của các hộ dân thì được biết từ năm 2010 đến nay đã có đến 22 người chết vì ung thư. Riêng năm 2014 có 10 người bị bệnh này chết. 

Bà Tuất kể, vì gia đình bà có nhiều người chết vì ung thư nhất vùng nên các đoàn về quan trắc đều lấy mẫu nước của gia đình để đem đi xét nghiệm. Thế nhưng gia đình bà chưa nhận được bất kì phản hồi nào về chất lượng nguồn nước mà gia đình đang sử dụng.

Nhiều công ty xí nghiệp mọc lên 

Trao đổi với VietNamNet, ông Lã Văn Tùng, Phó trưởng Phòng Tài nguyên & Môi trường huyện Chương Mỹ cho biết: Năm 2015, Trung tâm y tế dự phòng TP Hà Nội có về tại thôn Lũng Vị để tiến hành quan trắc mẫu nước. Sau khi xét nghiệm 7 mẫu thì chỉ có 3 mẫu đạt tiêu chuẩn, còn lại các mẫu có các chỉ số vượt mức cho phép.

Phó chủ tịch xã Đông Phương Yên Phạm Văn Quyền cho hay: Riêng thôn Lũng Vị có hơn 400 hộ dân sinh sống, theo số liệu thống kê năm 2014 cả làng có 8 người chết được xác định nguyên nhân là do ung thư.

Cách đây khoảng 9 - 10 năm trên địa bàn xã có một số nhà máy thép, nhà máy hoạt động và xả thải ra các dòng kênh khiến nguồn nước bị ô nhiễm nặng nề, đời sống bà con bị đảo lộn. 

Hiện tại, công ty Bia đã dừng hoạt động còn công ty Gang thép PHP đã chuyển giao mặt bằng cho công ty sản xuất sữa - ông Quyền thông tin.

Rất nhiều hộ dân phải mua bình lọc nước phục vụ sinh hoạt. Nước sau khi bơm từ giếng khơi lên, qua bình lọc sau đó được đưa vào sinh hoạt trong gia đình. Tuy nhiên, ông Quyền cũng cho biết, vì vị trí giếng nằm cách khá xa các hộ dân nên chỉ mới một số hộ gần giếng có điều kiện tiếp cận và sử dụng, còn những hộ ở xa giếng vì gánh nước bất tiện nên dùng giếng khoan trong gia đình.

Giếng làng được chính quyền đầu tư nhưng không mang lại hiệu quả vì nguồn nước vẫn bị ô nhiễm nặng

Qua tìm hiểu được biết, nguồn nước sinh hoạt ở đây chủ yếu là dựa vào nước mưa, nhưng có khi cả tháng trời không có lấy một giọt mưa nào nên mỗi năm cả thôn có tới 4-5 tháng thiếu nước. 

Để khắc phục, người dân phải chủ động xây bể chứa nước mưa để lấy nước sinh hoạt, riêng nước uống các gia đình chọn giải pháp mua nước đóng bình 20 lít.

Người dân tự chế bình lọc nước 

Nhiều hộ dân làng Lũng Vị chia sẻ, mặc dù được xã đầu tư đào một giếng nhưng nguồn nước này vẫn bị ô nhiễm.