Quay lại Dân trí
Dân sinh
  1. Diễn đàn Dân sinh

Mẹ kế

Vẫn cứ là quan niệm “mấy đời bánh đúc có xương, mấy đời dì ghẻ lại thương con chồng”, rồi thì họ có đẻ ra đứa trẻ đâu mà thương, “khác máu tanh lòng”. Cuộc sống muôn màu, con người có kẻ xấu, người tốt, mẹ kế cũng có mẹ kế xấu, mẹ kế tốt, thậm chí có người còn tốt hơn rất nhiều những bà mẹ đẻ khác. Đừng vì một số người mẹ kế không tốt mà chúng ta đánh đồng buông những lời nhận xét cay độc. 
 
 
Bà Trần Thị Vân Cậy – mẹ kế của tôi.
 
Hãy “tin ở hoa hồng”
Mẹ kế tôi là kế toán của bố, bà lấy ông là lần đầu, khi đã 40 tuổi. Nhiều người kháo “may quá, gái ế lấy được chồng lại là người đàn ông tử tế”, nhưng nhiều người cũng e ngại “ông ấy vợ chết hai con thơ, cô này gái tân lấy anh này kiểu gì cũng khổ”. Biết là khổ, nhưng người phụ nữ nhỏ bé ấy vẫn bước chân vào gia đình chúng tôi. Năm ấy anh trai tôi 13, tôi 11 tuổi. Một năm sau, chúng tôi đón thêm một cô em gái chào đời.
 
Hiếm có bà mẹ kế nào được sung sướng lắm, tôi nghĩ vậy, hoặc có chăng lúc được hưởng sung sướng thì đã toan về già. Nào chăm chồng, chăm con chồng, con mình, lo phụ kinh tế, rồi đối nội, đối ngoại, cư xử thế nào với gia đình người vợ đầu cho phải phép…
 
Trời Hà Nội đang rét ngọt. Cái thời tiết này làm tôi lại nhớ những ngày cuối năm khi còn ở nhà. Tầm này, mẹ bắt đầu sắp đồ cho bố con tôi về quê gửi quà Tết trước. Là dâu trưởng, bà lo cho đáo quà cáp cho ông bà, cô chú ở quê và đặc biệt, chưa năm nào bà quên sắp quà biếu gia đình bên mẹ đẻ tôi dù rằng ông bà ngoại tôi đã mất lâu rồi. Nào bánh kẹo, chè thuốc, đến chai nước mắm, gói mì chính, cân đường bà cũng mua đủ. Nhiều khi bố con tôi phàn nàn sao mẹ cứ “chở củi về rừng” thế, bà bảo ở quê có cả đấy, nhưng hàng giả nhiều, hàng kém chất lượng, với lại có khi tiếc tiền mọi người chắc gì đã mua. Cứ thế, những ngày đông giá rét, bố con tôi chở cả cái Tết về quê.
 
Và khi ông bà nội tôi ốm, ông huyết áp cao bị tai biến nằm liệt giường, bà thì bệnh gan bị bệnh viện giả về, cứ cuối tuần được nghỉ làm, bà lại cùng bố tôi về quê. Từ trung tâm thành phố Hải Phòng về Vĩnh Bảo cũng ngót nghét 40km, đôi vợ chồng già với con xe Future cũ cứ đi đi về về miệt mài. Nhờ được các con chăm sóc tốt ông nội tôi đã thượng thọ ở tuổi gần 90.
 
 
Ông bà nội và cháu.
 
Người luôn dõi theo đàn con
Mẹ kế đã lo cho chúng tôi từ bữa cơm, chiếc áo, lo chuyện học hành, và sau này là công việc, rồi dựng vợ, gả chồng. Ngay cả khi chúng tôi đã lập gia đình, ra ở riêng bà vẫn chưa thể ngừng lo lắng.
 
Mỗi lần tôi về nhà, bà luôn nấu những món ăn các cháu thích: cánh gà rán, chả nem, các loại hải sản tươi ngon. Lúc tôi đi, bà sắp bọc lớn bọc nhỏ, gạo quê, trứng gà ta, cá thu một nắng, ít tôm bộp biển bóc sẵn, ít mực khô, bịch nước mắm Cát Hải, rau sạch… Nhiều khi ái ngại “sao mẹ cho con nhiều đồ thế”, bà bảo “ô tô nó chở mất gì đâu, thực phẩm sạch cố xách đi con”. Rồi bà còn dúi tôi ít tiền bảo trả tiền taxi, không nhận thì bà bảo gửi tiền mua đồ chơi cho các cháu. Người ta bảo quê hương là chùm khế ngọt, còn tôi thì thấy quê hương như cái kho mà những đứa sống xa nhà như tôi là những “người vận chuyển”.
 
 
Ông bà ngoại và cháu.
Rồi khi tôi không may bị sinh non lúc con mới hơn 6 tháng, bà vội vã bắt xe từ Hải Phòng lên Bắc Ninh chăm gái đẻ, rồi lại tất tả ra Hà Nội túc trực ở Viện Nhi Trung ương chăm cháu. Ngày 8-10 lần, tôi ngồi nhà vắt sữa, bà đưa sữa vô Viện. Khi con được ghép mẹ, bà lại trở thành người đưa cơm. Hơn 2 tháng sau con tôi mới được ra Viện, bà lại theo về Bắc Ninh chăm bẵm cả hai mẹ con, đến lúc cháu hoàn toàn khỏe mạnh, bà mới dám về nhà với bố tôi. Bình thường mẹ tôi rất yếu, nhưng những khi gia đình có người ốm, không hiểu bà lấy đâu ra sức khỏe phi thường để chăm sóc mọi người.
 
Sau đợt anh trai tôi ly hôn, bố mẹ tôi gầy rộc, nhiều khi người trong cuộc đã vượt qua được nỗi đau rồi mà người ngoài cuộc thì vẫn chưa hết bàng hoàng. Ông bà dồn hết tình yêu thương chăm sóc đứa cháu nội duy nhất để bù đắp phần nào những tổn thương khi gia đình cháu tan vỡ.

Mẹ kế tôi và em gái.
Mẹ kế tôi lấy bố tôi vất vả mấy chục năm trời, lúc về già tưởng sẽ được chồng con chăm sóc lại. Nhưng nhà có 3 anh em, không ai ở cùng bố mẹ. Bố tôi từ dạo về hưu sức khỏe đi xuống trông thấy, ông mắc đủ thứ bệnh, nào tiểu đường, huyết áp cao, mỡ máu, đau dạ dày, đỉnh điểm là cái lần ông bị bục dạ dày phải đi mổ cấp cứu nằm viện suốt mấy tuần. Lúc ông nằm truyền dịch, bà ở viện 24/24 chăm ông, lúc ông bắt đầu ăn được, bà chạy như con thoi, về nhà nấu cháo rồi mang vào viện bón từng thìa nhỏ cho ông. Sau khi ông ra viện, bà vẫn nấu cháo ngày 3 bữa cho ông, tuân thủ nghiêm ngặt theo hướng dẫn của bác sĩ. Nhìn ông ăn cháo hoài tôi bật cười thấy bố giống đứa trẻ đang thời kỳ ăn dặm. Sau mổ ông sút cả chục cân mà nhờ sự chăm sóc tận tình của bà, chỉ mấy tháng sau ông đã lại người, còn bà thì gầy đi trông thấy. Hai ông bà cứ thế mà chăm nhau mỗi ngày. Càng nghĩ càng thấy câu “con chăm cha không bằng bà chăm ông” sao mà đúng thế.
 
Gia đình tôi thật may mắn vì có mẹ.

Thanh Huyền/GĐ&TE