Quay lại Dân trí
Dân sinh
  1. Diễn đàn Dân sinh

Mẹ Phúc - người phụ nữ 20 năm vun vén cho những bước đi "khuyết tật"

Với trái tim nhân hậu, hơn 20 năm qua, nghệ sĩ Phan Phúc, người hay được gọi bằng cụm từ thân thương "Mẹ Phúc" đã dành trọn những ngày cuối tuần đề đồng hành và dạy văn nghệ cho các em nhỏ khuyết tật sinh hoạt ở Câu lạc bộ trẻ em khuyết tật Hà Nội.

Mẹ Phúc - người phụ nữ 20 năm vun vén cho những bước đi "khuyết tật" - Ảnh 1.

Nhà báo Hà Sơn: Tuổi thơ của bà đã trải qua như thế nào?

Mẹ Phúc: Tuổi thơ của tôi rất hạnh phúc, trong một gia đình tri thức có 9 anh chị em hòa thuận. Bố mẹ tôi tuy không theo nghệ thuật nhưng văn minh, cho tất cả các con học đàn, riêng tôi lại thích múa hát, kịch. Cấp 3 tôi học Trưng Vương, sau đó thi vào trường Kịch khóa 1. Lúc ấy gia đình muốn tôi thi vào Y vì bố tôi là người rất giỏi về Y, cụ là võ sư, người dạy về thể dục thể thao nên tôi học được ở ông nhiều điều.

Nhưng tôi thích kịch, nên cùng với chị Tuyết Mai anh Cao Khương ở đội kịch trường Trưng Vương rủ nhau trốn hai tiết học cuối của một buổi chiều đi thi vào trường kịch. May mắn 3 chúng tôi đều đỗ và học với nhau 4 năm. Ra trường, các anh các chị lại được về Nhà hát Kịch Trung ương, tôi là đoàn viên thanh niên lúc ấy có khẩu hiệu "đi bất cứ miền nào tổ quốc cần". Tôi xung phong đi Hải Phòng và ở đây 15 năm làm diễn viên, cũng tham gia chiến đấu tự vệ, trực chiến và đây cũng là cái nôi tạo cho tôi nên người.

Mẹ Phúc - người phụ nữ 20 năm vun vén cho những bước đi "khuyết tật" - Ảnh 2.

Nhà báo Hà Sơn: Bà có 15 năm hoạt động ở Nhà hát Tuổi Trẻ, nơi đây để lại cho bà những kỷ niệm gì?

Mẹ Phúc: Tôi học xong đạo diễn về công tác bộ phận khán giả trẻ của Nhà hát Tuổi trẻ. Công việc của tôi là chiều chiều khi thấy số lượng vé không như mong muốn sẽ đạp xe mang vé đến các trường đại học hoặc các trường trung học mời các em đi xem. Vì vậy nhà hát tôi bao giờ cũng đông khán giả. Sau này chúng tôi lấy được một lượng khán giả gắn bó, tạo nguồn từ lúc đầu, họ xem hiểu mê cách diễn của Nhà hát Tuổi Trẻ vì nó gần với giới trẻ, những kịch bản cũng như cách diễn đều rất gần.

Nhà báo Hà Sơn: CLB trẻ em khuyết tật Hà Nội bà và các cộng sự theo đuổi có gì đặc biệt?

Mẹ Phúc: Khi làm việc ở Nhà hát Tuổi trẻ tôi phát hiện ra một đối tượng học sinh khuyết tật, có những em bán báo, đánh giày muốn vào xem nhưng không có tiền. Tôi có dịp đi xuống những cơ sở có các em khuyết tật, thương lắm. Đến năm 1995 tôi mới quyết định thành lập một CLB trẻ em khuyết tật Hà Nội. Tôi làm việc với cô Liên, cô Dung Hiệu trưởng trường Trung Tự lúc ấy để xin một gian cho CLB hoạt động.

Lúc đầu chúng tôi dạy các em múa, kịch câm, sau khi các em phát triển dạy hát. Ngoài CLB tôi có đến các trường Nguyễn Đình Chiểu, Xã Đàn để dựng tiết mục và đưa các em đi diễn, tham gia hội diễn với trẻ em tàn tật. Các em đến CLB của chúng tôi không phải đóng học phí gì cả. Ngoài dạy múa dạy hát, CLB còn dạy nghề và kỹ năng sống. CLB tôi đã dạy được nghề chụp ảnh, vẽ, đàn, may, móc. Các em nam khuyết tật chân tôi mời thầy dạy để học sửa chữa điện dân dụng hướng dẫn.

Mẹ Phúc - người phụ nữ 20 năm vun vén cho những bước đi "khuyết tật" - Ảnh 3.

Nhà báo Hà Sơn: Việc mời các giảng viên đến giảng dạy nơi này có khi nào bà bị từ chối hay gặp những khó khăn?

Mẹ Phúc: Những lúc thiếu thầy tôi là người lấp chỗ trống, múa cũng tôi, hát cũng tôi chỉ có đàn thầy của trường nhưng cũng may tôi là cán bộ nghệ thuật lâu nên uy tín của mình khi mời những bạn đồng niên cũng dễ. Ai cũng thích làm việc thiện, cũng muốn đóng góp vào những công việc nhân đạo chỉ sợ không có lòng tin người ta từ chối, còn tôi mời được hết, chưa ai từ chối, nếu chị này bận đi công tác tôi mời chị khác. Chỗ tôi không bao giờ có chỗ trống.

Nhà báo Hà Sơn: Trong quá trình dạy các em khuyết tật, có câu chuyện nào xúc động không, thưa bà?

Mẹ Phúc: Y học chữa bệnh còn chúng tôi chữa về tinh thần, các em đến đây được sự yêu thương thật sự. Chúng tôi chưa bao giờ đánh hay quát mắng trẻ con, chỉ có "dạy" và "dỗ" thôi. Nhiều phụ huynh bảo ở nhà không dạy con sao các cô, các bà ở CLB lại dạy được. Ví dụ em Hoàng, trước ở nhà bố cứ đi làm phải nhanh chóng về thổi cơm cho con ăn kịp đi học buổi chiều nhưng một hôm về nhà ngỡ ngàng vì thấy có trứng tráng, cơm đã cắm. Bố em ấy đến kể với tôi mà rơm rớm nước mắt.

Mẹ Phúc - người phụ nữ 20 năm vun vén cho những bước đi "khuyết tật" - Ảnh 4.

Nhà báo Hà Sơn: CLB của bà có nhiều em khuyết tật theo học, vậy đó là những đối tượng nào? Các em ở xa đến học sẽ được hỗ trợ ra sao?

Mẹ Phúc: Chỗ tôi lúc đâu mới thành lập chỉ có hai đối tượng câm điếc và khiếm thị, sau toàn các em chân tay không lành lặn, cũng may lớp hệ vận động các cháu gái học được may và ra trường xin được hết việc làm ở các công ty, đến nay các cháu cũng có gia đình.

Với các em ở xa, tôi có chị bạn cũ làm công tác buôn bán nhà cửa có căn nhà ở Lê Trọng Tấn 90m cho mượn 2 năm, lúc ấy tôi nuôi được 11 em ăn ở đấy và cho học móc thành nghề. Tôi dạo ấy hay đi xe ôm nên tâm sự với ông xe ôm quen và được ông giới thiệu cho các em nam thuê ở cùng để ban ngày đến CLB học, tối về chỗ ông xe ôm ngủ. Các em nam ở tỉnh khác về học 3 tháng là biết việc.

Nhà báo Hà Sơn: Những em bị khiếm khuyết dạy sẽ khó khăn hơn các trẻ em bình thường. Bà có khi nào rơi vào trạng thái bất lực trước sự khó bảo của các em khuyết tật?

Mẹ Phúc: Muốn giao lưu với trẻ em câm điếc, tôi cũng phải học ngôn ngữ của các em ấy. Lúc ấy tôi rất thạo nói bằng ngón tay. Có lần đi với các em tôi diện áo dài và bị một người khác bảo: "Trông cô kia như Việt Kiều mà lại câm điếc". Họ nhầm tưởng tôi bị khuyết tật nhưng đâu biết tôi hoàn toàn bình thường chỉ là vì tôi nói chuyện với các em may mắn hơn mình.

Khi làm việc các em nhìn ánh mắt giao lưu, biểu cảm khuôn mặt mình có thể hiểu được. Ví dụ có năm em gái nói với tôi: "Mẹ ơi chúng con lớn bị câm điếc ai lấy chúng con. Chúng con muốn nói được". Câu nói của các em ghim vào tim tôi. Và tôi tự nhủ mình phải tìm ra cách, đầu tiên là dạy hát cho các con.

Tôi nhớ kỷ niệm đầu tiên dạy em Ngọc Ngà hát. Khi ấy kỷ niệm 100 năm sinh nhật Bác Hồ, em hát bài "Đêm qua em mơ gặp Bác Hồ" ở Cung thiếu nhi trong một cuộc thi mà tất cả đều khóc. Các giám khảo khóc, khán giả khóc và người khóc nhiều nhất là tôi, xúc động vô cùng bạn ạ!

Mẹ Phúc - người phụ nữ 20 năm vun vén cho những bước đi "khuyết tật" - Ảnh 5.

Bạn có biết tôi phải làm thế nào để dạy em ấy hát không?... Nhà tôi có cái bảng viết chữ, tôi và em Ngọc Ngà để tay vào cổ họng nhau, chúng tôi giao lưu bằng mắt, em nhìn khẩu hình tôi và cứ thế học đến khi thuộc và bật ra. Quá trình mẹ con học với nhau ngại lắm, hỏng ngày này qua ngày khác, nhưng mưa lâu thấm dần và tôi luôn gieo vào con niềm tin làm sẽ được, học sẽ thành công. Bởi vậy lúc nào tôi cũng chỉ khen và động viên. Mình động viên đúng lúc để chúng nó không trễ nải, tất nhiên đến mình cũng có những lúc trễ nải...

Hay ví dụ tôi hướng dẫn các em tập một vở kịch, một em câm bị các bạn lấy hết đồ bán báo của mình, ức quá vì nghèo vì bố mẹ không còn, em gục xuống và lúc bật lên em gọi: "Mẹ!". Làm sao để nước mắt của em chảy ra khoảnh khắc ấy, cái đó tôi phải dùng kỹ thuật, làm sao để các em liên tưởng. Vì dụ bất thình lình tôi bấu mạnh một cái thật đau và em ấy hét lớn, tôi giải thích cái đau có thật này em phải cảm nhận để nó dồn nén thành cảm xúc bật ra chứ khi diễn kịch không phải khóc là bôi ớt vào mắt hay nhỏ thuốc vào mắt, tất cả phải có từ đầu, từ tim, phải nhập tâm để thấy mình khổ, cô đơn mọi người không tin mình, cứ diễn thật lòng. 

Nhà báo Hà Sơn: Dạy nhiều thế hệ học trò khuyết tật, kỷ niệm nào đáng nhớ nhất với bà?

Mẹ Phúc: Với tôi mỗi em có một mẩu chuyện riêng. Ví dụ một em tâm sự với tôi rằng: "Con căm thù mẹ con lắm!'', tôi hỏi cháu kể nhà mất chiếc điều khiển tivi và mẹ cứ đổ cho con và đánh con, bố vào can mẹ quật cả bố. Đứa hàng xóm thấy bạn bị đánh đau biết chuyện mang điều khiển sang giả. Đến kỳ họp phụ huynh tôi kể lại câu chuyện này và nêu vấn đề khi cha mẹ sai tại sao không xin lỗi con. Tự nhiên lúc đó có một phụ huynh khóc, tôi đoán đấy là mẹ cháu bé. Sau đó, người mẹ ấy chia sẻ: "Em quên không xin lỗi con, một tháng nó không hỏi không chào em". Tôi nghe và bảo: "Không sao, chốc đi họp phụ huynh về, chị xin lỗi, con sẽ bỏ qua". Đấy, cứ bảo trẻ con khuyết tật không biết. Nó không nói được và người lớn dùng quyền của mình áp chế không cho nó thanh minh.

Hay có mẩu chuyện vui khi tôi đưa các em đi tắm biển, tôi cẩn thận mua ruy băng buộc vào tay từng em và đứng vòng tròn không sợ đi xa và ngã. Các cháu bắt đầu lớn nên tôi mua tặng nam một bộ, nữ một bộ đồ lót. Phát cho các con xong tự nhiên có một cháu chạy ra rất vui: "Mẹ ơi con mặc thế này đúng không?", hóa ra anh ấy mặc quần lót ra ngoài quần đùi. Lúc ấy các bạn cười hết riêng tôi phải nín vì nếu mình cười con sẽ xấu hổ và có thể ngay lúc đó không xuống biển nữa. Tôi hướng dẫn con mặc lại với lời giải thích, chiếc quần bé con mặc vào trong, quần rộng mặc ra ngoài.

Mẹ Phúc - người phụ nữ 20 năm vun vén cho những bước đi "khuyết tật" - Ảnh 6.

Nhà báo Hà Sơn: Gần 80 tuổi, sức khỏe của bà đã yếu dần vậy việc tìm người kế nhiệm công việc ở CLB trẻ em khuyết tật Hà Nội bà đã tính đến?

Mẹ Phúc: Tôi kể với bạn câu chuyện, Tết các con đến chơi với tôi, như mình chúc nhau mạnh khỏe sống lâu, nhưng đây các con lại chúc: "Mẹ ơi, mẹ đừng chết để mẹ còn đảm bảo CLB cho chúng con có chỗ tập, có chỗ đến".

Về người thay thế, tôi vẫn đang đi tìm, hiện đang bồi dưỡng em Hải Ninh - cũng là một học sinh từ khóa 2 sinh hoạt từ lúc 13 tuổi, năm nay em 33 tuổi. Tuy nhiên vấn đề con người đào tạo và tìm không quá khó nhưng địa điểm để CLB chúng tôi hoạt động vẫn hạn chế và phụ thuộc bởi thực tế tôi mượn được nhà sinh hoạt cộng đồng nơi chung cư vợ chồng tôi ở để làm nơi dạy các em khuyết tật nhưng có hôm chung cư phải sinh hoạt riêng hay họp chi bộ cả thầy trò chúng tôi phải xuống sân dạy nhau. Do vậy, ước mong của tôi là được quan tâm và có một trung tâm tử tế đàng hoàng để dạy các em kém may mắn lâu dài.