Quay lại Dân trí
Dân sinh
  1. Diễn đàn Dân sinh

Mẹ rơi nước mắt tự trách bản thân khi bỏ qua những mong ước nhỏ nhoi của con

(Dân sinh) - Đằng sau chiếc khăn quàng đỏ là một câu chuyện tưởng nhỏ nhưng lại không nhỏ. Đó là ước mong đơn giản của cậu bé 10 tuổi là được ba mẹ quan tâm nhiều hơn.

Trong chương trình Điều con muốn nói, cậu bé Bảo Long đặt vào Chiếc hộp bí mật một chiếc khăn quàng đỏ do chính em tự mua. Cậu bé 10 tuổi kể lại: “Đây chính là chiếc khăn quàng do con tự mua bằng tiền để dành. Mẹ nói nhà có nhiều khăn quàng của chị, con có thể sử dụng lại nhưng trường bắt buộc phải mua khăn quàng mới, nếu không có con sẽ không được vào Đội. Khăn quàng của chị con dài hơn, con không đeo vừa. Vì thế, mỗi ngày mẹ cho 10 ngàn đồng ăn vặt, con để dành tiền mua khăn quàng”.

Ngoài ra, Bảo Long vô tình nghe ba mẹ cãi nhau trong đêm khuya: “Khi ngủ, con tỉnh dậy thì nghe ba mẹ cãi nhau, mẹ la con ngủ đi. Sáng mai, con lên lớp hỏi bạn ở nhà ba mẹ có cãi nhau không? Bạn nói ba mẹ bạn thì không. Bạn hỏi nhà con có giàu không bởi nhà giàu thường không có hạnh phúc, bởi ai cũng đi làm nhiều, không có thường gặp nhau”.

Mẹ rơi nước mắt tự trách bản thân khi bỏ qua những mong ước nhỏ nhoi của con - Ảnh 1.

Cậu bé Bảo Long đặt vào Chiếc hộp bí mật một chiếc khăn quàng đỏ do chính em tự mua.

Vì thế, Bảo Long mong ước ba mẹ quan tâm, dành thời gian để chơi, nói chuyện nhiều hơn. Vì ba mẹ bận rộn, đi làm tối muộn mới về, mẹ cũng loay hoay với nhiều việc khác. Bé nói: “Con thấy nhiều hôm mẹ nấu cơm, đợi ba về, cơm canh đã nguội hết. Con ít tâm sự với ba mẹ. Con muốn cả gia đình quay quần, ba mẹ, anh chị em và con chơi cùng nhau như ngày xưa”.

Lắng nghe những điều con trai tâm sự, chị Kim Huệ phân trần bởi chị của Bảo Long học hơn bé 2 lớp có rất nhiều khăn quàng. Cô bé hay vứt lung tung, nên chị nói Bảo Long sử dụng của chị: “Chiếc khăn quàng chỉ 15 ngàn đồng, tôi không biết đây lại là một vấn đề lớn trong lòng con. Tôi không biết là ở trường họ yêu cầu bắt buộc phải mua, con cũng không muốn sử dụng khăn cũ của chị. Tôi vô tình nghe câu chuyện, tôi giật mình, rơm rớm nước mắt”. 

Mẹ rơi nước mắt tự trách bản thân khi bỏ qua những mong ước nhỏ nhoi của con - Ảnh 2.

Việc Bảo Long tâm sự với bạn, chị Kim Huệ khá bất ngờ với suy nghĩ của những đứa trẻ lớp 3.

Chị quay sang xin lỗi và nói Bảo Long: “Mẹ vô tình áp đặt con. Khi mẹ biết, con tiết kiệm tiền ăn vặt mỗi ngày để mua khăn quàng, mẹ buồn, trách bản thân mình tại sao mình lại vô tâm đến vậy. Sau này có những điều gì, con cứ mạnh dạn nói với mẹ”.

Việc Bảo Long tâm sự với bạn, chị Kim Huệ khá bất ngờ với suy nghĩ của những đứa trẻ lớp 3. Chị biết vợ chồng không nên cự cãi trước mặt con cái nhưng vẫn không tránh được, vô tình để con chứng kiến. Chị cảm nhận con bất an trong lòng, con cũng không còn tâm sự cùng ba mẹ. Chị khuyên chồng dành thời gian gần gũi với các con: “Sau khi sinh con, tôi dành thời gian 10 năm ở nhà chăm sóc các con. Các  con quen với việc luôn có mẹ bên cạnh. Hai năm gần đây, tôi đi làm trở lại, không có nhiều thời gian cho các con. Hai vợ chồng thường căng thẳng, cảm nhận được là các con đang sống trong một môi trường bất an, mang tâm sự buồn nhưng lại không tâm sự với ba mẹ. Các con luôn hào hứng, ba mẹ thì không dành tình cảm và thời gian cho con nhiều”.

Lắng nghe câu chuyện, MC Ốc Thanh Vân bất ngờ trước vấn đề Bảo Long ở trường bị bạn ăn hiếp nhưng lại không dám nói với thầy cô bảo vệ hơn. Con thiếu những cuộc trao đổi với ba mẹ và thời gian gia đình dành cho nhau: “Vợ chồng khi ai cũng bận rộn với  những bữa ăn ngoài, việc cãi nhau do thiếu sự kết nối. Khi cả hai yêu thương nhau, dành thời gian có ích cho nhau thì sẽ dễ lắng nghe người bạn đời của mình”.

Mẹ rơi nước mắt tự trách bản thân khi bỏ qua những mong ước nhỏ nhoi của con - Ảnh 3.

Tiến sĩ Tô Nhi A khẳng định những vấn đề tuy nhỏ như “chiếc khăn quàng” sẽ khiến trẻ cho rằng ba mẹ không thấu cảm đến nguyện vọng

Tiến sĩ Tô Nhi A khẳng định những vấn đề tuy nhỏ như “chiếc khăn quàng” sẽ khiến trẻ cho rằng ba mẹ không thấu cảm đến nguyện vọng. Làm cha mẹ có lẽ là công việc khó nhất trên đời này. Đây là công việc đòi hỏi sự chuyên tâm, thời gian. Cha mẹ nào cũng muốn những điều tốt đẹp cho con nên nghĩ những chuyện mình áp đặt cho con là đúng, phù hợp mà không lắng nghe những điều con nói. 

Đặc biệt, khi trẻ ngày nay có sự mẫn cảm nhất định, con quan sát vẻ mặt, hành động của người lớn. Trong cách hiểu của trẻ con, những chuyện tuy nhỏ nhưng lại nghiêm trọng, để lại những vết hằn rất sâu: “Chuyện chiếc khăn quàng cũng là chuyện áp lực học đường, trẻ dễ bị phân biệt trong cách cư xử của thầy cô về những gì là nội quy, khiến con áp lực, tự ti. Với một cậu bé tình cảm như Bảo Long, cần ba mẹ từng chút lắng nghe, thấu hiểu cảm xúc, chấp nhận thay đổi để lớn lên con”.