Trong chương trình Điều con muốn nói, cô bé 8 tuổi thổ lộ: “Ước mơ của con là trở thành cô giáo tiếng Anh vì vậy con xem clip tiếng Anh trên Ipad rất nhiều. Mẹ sợ con bị cận khi xem nhiều sẽ phải đeo mắt kính. Trước đây, mẹ để con chơi Ipad và xem điện thoại, không chơi với con. Đến khi con vào lớp 1, con bị cận 3 độ nên mẹ cấm con chơi Ipad, thỉnh thoảng mẹ cho giải lao 5 phút để xem Ipad”.
Cô bé còn tiết lộ, mẹ làm việc nội trợ, đưa đón em đi học, đến lớp tập nhảy. Ba em đi làm từ sáng sớm đến tối khuya, và hầu như em ít gặp mặt, nói chuyện cùng ba. Cuối tuần, ba mẹ sẽ thay phiên dẫn em đi chơi nhưng em muốn được cả ba và mẹ đưa đi chơi: “Con rủ ba mẹ nhưng hai người không đi chơi, có thể ba mẹ không thích đi cùng nhau vì trước đây, con từng thấy ba mẹ cãi nhau. Con mong gia đình mình hãy vui vẻ, ba mẹ đừng cãi nhau và cùng đưa con đi chơi”.
Lắng nghe những điều con tâm sự, chị Thùy Trang thổ lộ con gái chị có tính cách ngang bướng nên bản thân người làm mẹ luôn phải cứng với con. Ngày trước, những ngày đi làm về mệt, chị để con xem Ipad thoải mái. Con chỉ vào app học học tiếng Anh và xem phim hoạt hình. Một thời gian dài, chị phát hiện con bị cận 3 độ.
Vì thế, chị đặt quy tắc con không được sử dụng Ipad như trước, đi học về xem bài vở hôm sau và đi ngủ. Nếu cô bé ngoan, chị cho con xem máy khoảng 1 giờ tối thứ sáu. Khi Phương Hân học nhiều, chị để cô bé giải lao 5 phút với máy. “Tôi cứng rắn với con, tôi cũng đau nhưng phải làm như vậy. Trong nhà, ba chiều con. Nếu anh ấy ở nhà, hai người sẽ cãi nhau vì con”, chị nói.
Chị cho biết, chị cấm Phương Hân chơi Ipad cũng là để hạn chế con chơi game, xem những nội dung, nhưng chuyên mục không phù hợp với tuổi. Chị muốn con dành thời gian học nhiều hơn. Sau khi nghe những lời con gái tâm sự,chị Trang sẽ cân nhắc lại thời gian chơi với con nhiều hơn.
Chị giải thích việc con “tố” ba mẹ cãi nhau xảy ra cách đây rất lâu nhưng đã ảnh hưởng rất lớn đến con. Sau này, anh chị thông nhất khi bất đồng sẽ nhịn, không lớn tiếng trước mặt con. “Giờ ba mẹ không cãi nhau nữa nhưng vì công việc của ba bận. Ba đi làm về khuya, không có thời gian nhiều dành gia đình. Không phải sau lần cãi nhau đó, ba mẹ không còn yêu thương nhaunữa. Ba mẹ có những vấn đề chưa giải quyết được, Hân hãy cho ba mẹ thêm thời gian”, chị giải thích với con gái.
Sau khi lắng nghe câu chuyện, nghệ sĩ Hoàng Mèo tiết lộ chiếc Ipad là cứu cánh những khi con anh - bé Bún Gạo khóc, không chịu ăn cơm. Nếu là anh, anh sẽ cho các con xem thiết bị điện tử nhưng đặt để trong phạm vi an toàn cho mắt, tránh bị cận thị. Nếu anh thấy con chơi game không phù hợp thì sẽ nhắc nhở con. “Mỗi gia đình sẽ có những cách quản lý con nhưng khi ngồi nói chuyện với bé Phương Hân, tôi cảm thấy con bị cấm đoánquá nhiềucũng không tốt. Tuy nhiên sau chương trình tôi sẽ xem xét lại việc cho con sử dụng thiết bị điện tử ít hơn”, anh nói.
Tiến sĩ tâm lý Bùi Hồng Quân tiếp lời: “Trên các thiết bị điện tử, có những chương trình thiết kế dành riêng cho con nít, thông qua chơi, con có thể học. Phụ huynh phải giúp con hiểu chương trình nào là phù hợp, cấm tuyệt đối không phải cách hay, cho con sử dụng và sử dụng như thế nào thì mẹ và con phải cùng nhau trao đổi. Con còn nhỏ, ba mẹ phải có những cách kiểm soát hợp lý thay vì cấm con chơi Ipad, liệu ba mẹ có dành thời gian để chơi với con hay không?”
MC Ốc Thanh Vân ủng hộ cách mẹ của Phương Hân kỷ luật với con hơn là “thả” cho con tự do nhưng khi quá cứng nhắc sẽ tội các con. Mẹ là người cá tính, xây dựng nề nếp, kỉ luật khắt khe,trong khi con gái nhạy cảm, tình cảm, nhẹ nhàng. Nữ MC nhận xét: “Vì mẹ không có cùng cá tính, sở thích như Phương Hân nên mẹ phải linh hoạt, điều chỉnh. Hy vọng những ông bố bà mẹ sẽ linh hoạt hơn trong việc đưa ra kỷ luật dành cho con, để các con cảm thấy ba mẹ luôn bên cạnh, bảo vệ mình, để con được sống trong một không gian bình yên nhất”