Quay lại Dân trí
Dân sinh
  1. Diễn đàn Dân sinh

Mẹ tôi làm dâu trưởng

 
Nhà ông bà nội tôi có 7 người con, 6 trai 1 gái. Bố tôi là con cả, sau đó là một cô và liên tiếp đằng sau là 5 chú. Đông con, ông bà lại làm công nhân nên thời bao cấp kinh tế nhà ông bà nội tôi rất khó khăn. Bố tôi đi bộ đội rồi ra quân về làm địa chính ở xã. Lúc bố mẹ tôi kết hôn thì các chú còn đang đi học cấp ba, cấp hai, chú út đang học cấp một. 
 
Ngày mẹ tôi quyết đinh lấy bố, bà ngoại không ngăn cản nhưng chỉ nhắc mẹ nghĩ cho kỹ, bởi làm dâu trưởng sẽ vất vả, hơn nữa, đằng sau bố tôi là 1 em gái, 5 em trai, sau này mẹ sẽ phải cùng bố mẹ chồng lo dựng vợ gả chồng cho các em. Bây giờ, có những khi mẹ con tâm sự, mẹ bảo với tôi rằng, ngày đó mẹ chả nghĩ gì, chỉ nghĩ một điều là yêu bố, mẹ sẽ vượt qua tất cả. Thế nhưng, đúng là mẹ không lường trước được những phức tạp và vất vả khi về làm dâu trưởng trong một gia đình đông anh em. Đặc biệt nhà ông bà nội còn là trưởng họ.
 
Có những chuyện nếu không phải do mẹ kể thì tôi cứ nghĩ đó là chuyện đùa. Ví như chuyện mẹ rất nhiều lần nhịn đói vì là chị dâu cả thường ngồi đầu nồi để lấy cơm cho cả nhà. Các chú đang tuổi ăn tuổi lớn nên mỗi người ăn 5, 7 bát. Mẹ cứ ngồi lấy cơm cho cả nhà, xong khi nhìn xuống thì mâm không còn gì để ăn, nồi cơm có còn chăng cũng chỉ là miếng cháy. Mẹ làm ở trạm y tế, nhưng nhà đông người nên nhiều ruộng nương. Vậy là ngoài thời gian làm ở trạm, mẹ phải ra đồng làm việc quần quật. Về nhà lại cơm nước, xếp dọn, giặt giũ… Ngày nào mẹ cũng làm việc không biết mệt mỏi, chỉ được ngả lưng khi đã 11h. 


 Có rất nhiều phụ nữ mệt mỏi vì phải đảm trách nhiệm vụ dâu trưởng. Ảnh minh họa
 
Bố mẹ lấy nhau 8 năm mới sinh được tôi nên mẹ phải chịu không ít áp lực, lời ra tiếng vào. Với cái chức dâu trưởng mà còn là dâu trưởng của họ thì việc một năm chưa sinh con đã bị nói ra nói vào, huống hồ 8 năm như mẹ tôi. Bà nội tôi khó tính nổi tiếng trong làng, vì vậy, việc mẹ tôi 8 năm chưa sinh con mà sống được cùng bà thì quả là ai cũng nể. Mẹ kể, suốt những năm mẹ chưa sinh được con, thỉnh thoảng đi thăm nhà ai mới sinh con, bà lại về nói bóng nói gió, rằng nhà này “giống chuẩn” sinh 7 lần được cả 7, lại còn được 6 thằng con trai, chắc tại ai đó chứ không phải tại con bà. Nghe bà bóng gió suốt nên mẹ cũng buồn một thời gian dài. Được cái, bố luôn đứng về phía mẹ, luôn bênh vực mẹ và tích cực tìm nơi chạy chữa. Sau nhiều nỗ lực, cố gắng, cuối cùng bố mẹ cũng có được mụn con đầu là tôi. 
 
Vừa thoát được cái tiếng “gái độc không con” thì mẹ lại phải đối diện với việc lo lắng kinh tế để cưới vợ cho các chú. Từ ngày về hưu, ông bà giao toàn quyền chi tiêu, lo những công to việc lớn, kể cả chuyện lo cưới vợ các chú cho mẹ tôi - con dâu trưởng trong nhà. Vậy là mẹ tôi lại còng lưng làm việc, có khi phải đi vay nặng lãi để lo chuyện trăm năm cho các chú. Ông bà còn tuyên bố rằng, vì bố tôi là con trưởng nên bố mẹ không được ở riêng mà sẽ ở cùng với ông bà. Khi các chú cưới vợ ra ở riêng, bố mẹ tôi phải có trách nhiệm đưa mỗi chú một khoản tiền để mua đất xây nhà. Thế là, với trách nhiệm con trưởng, sau khi lo cho 5 chú yên bề gia thất, bố mẹ tôi phải “cõng” một khoản nợ kha khá trong ngân hàng.
 
Khi vừa lo trả nợ xong thì ông nội tôi lại tai biến nằm liệt giường. Suốt thời gian ông đổ bệnh, mẹ tôi gần như một tay cáng đáng việc chăm sóc, thuốc thang cho ông. Một phần mẹ có chuyên môn, nhưng một phần cũng do bà nội tuổi cao sức yếu nên không thể đỡ đần mẹ nhiều. Mẹ tôi vất vả như thế nhưng các cô chú cũng chỉ thỉnh thoảng mới ghé qua nhà, hỏi thăm ông nội vài câu rồi lại vội ra về. Ai cũng nghĩ trách nhiệm chăm lo ông bà nội là của mẹ tôi - dâu trưởng trong nhà. Thỉnh thoảng, cuối tuần, cô em gái liền sau bố tôi về thăm nhà cũng qua quýt, khen mẹ tôi vài câu xã giao, kiểu: “Chị đúng là dâu trưởng đảm đang của bố mẹ”, “Chị vừa khéo lại có chuyên môn nên chị chăm là bố ưng nhất”, “Không có chị, chúng em chả biết xoay sở thế nào”, “Chị vất vả quá rồi. Chúng em rất biết ơn chị”... Cô cũng chỉ nói vài câu xã giao thôi chứ cũng chả thấy xắn tay vào làm việc gì đỡ mẹ tôi cả. Có khi, cô về mẹ còn vất vả hơn vì lại phải lo chu toàn cơm canh, lại phải có món gì ngon ngon đãi vợ chồng con cái nhà cô. Có bận, bà nội mổ u phải nằm viện nửa tháng, người thức đêm thức hôm, chăm sóc bà trước, trong và sau khi nằm viện cũng là mẹ tôi.
 
Một năm, nhà tôi có khoảng gần chục cái giỗ. Việc lên món, đi chợ, nấu nướng hầu như cũng chỉ mình mẹ tôi lo lắng. Tôi nhớ rất rõ, cứ trước giỗ vài ngày là mẹ đã lo lên món ăn, làm trước những món để tủ đá, vì mỗi lần giỗ cũng phải dăm mâm là ít, nhiều phải chục mâm. Tối trước hôm giỗ, mẹ sẽ phải lôi hết đống bát đũa ra rửa, úp lên giá để hôm sau có thể dùng luôn. Ngày giỗ, mẹ dậy sớm, chợ búa mua sắm rồi về làm không ngưng tay đến tận chiều. Các chú thường lấy cớ đi làm, bận việc,  còn 5 cô em dâu của mẹ cũng nói rằng mình vụng về, không đảm đang, khéo léo như dâu trưởng nên gần như không tham gia. Chỉ tới chiều muộn, khi cỗ bàn đã sẵn sàng thì các cô chú mới lục tục kéo đến, góp giỗ bằng cái phong bì hoặc cân hoa quả. Ăn xong, họ thi nhau lấy phần và lại lấy cớ con bận học, nhà xa nên cũng chỉ rửa vài cái bát rồi lần lượt kéo nhau ra về. Mẹ tôi lại cặm cụi lau dọn nhà cửa, sắp xếp lại đồ dùng tới quá nửa đêm. 
 

Ảnh minh họa
 
Giờ quê tôi có nhiều đổi mới, dịch vụ làm cỗ khá nhiều với giá phải chăng mà chất lượng cũng được. Có lần, nhà chuẩn bị giỗ cụ, mẹ mệt nên nói ý định sẽ thuê người nấu rồi họ dọn rửa cho. Thế nhưng, ông bà nội tôi nhất quyết không đồng ý, cho rằng để thể hiện sự thành tâm thì con cháu phải tự nấu cỗ dâng lên các cụ. Mẹ tôi là dâu trưởng nên phải gương mẫu đảm trách nhiệm vụ này.
 
Chứng kiến mọi việc, tôi không có ý tỵ nạnh cho mẹ, hay muốn mẹ thoái thác trách nhiệm dâu trưởng. Thế nhưng, dâu trưởng không có nghĩa là lúc nào cũng phải đảm đương công việc một mình. Dâu trưởng cũng là con người, cũng cần có thời gian sống cho bản thân, cho gia đình nhỏ của mình. Mọi người trong gia đình thấu hiểu và chia sẻ công việc cùng nhau thì dâu trưởng hay dâu thứ cũng sẽ thấy thoải mái và hạnh phúc khi thực hiện chức trách của mình.  
 
 
 

 

Hồng Trần/GĐTE