Quay lại Dân trí
Dân sinh
  1. Diễn đàn Dân sinh

Mẹ Việt Nam anh hùng cả đời hy sinh hạnh phúc vì người khác

Tám năm trời đằng đẵng ngoài chiến trường, anh Thích chưa một lần được về quê thăm gia đình. Mọi nhớ nhung, mong chờ đều được gửi vào những trang thư viết vội gửi trao tay qua những đồng đội khi trung đoàn dừng chân nghỉ ngơi. Người mẹ ôm thư con vào lòng, chỉ mong đất nước hoàn toàn giải phóng để đến ngày đoàn tụ nhưng tin mừng chiến thắng đã phát đi mà người con vẫn chưa trở về.

 

Bà Xích mong khỏe mạnh để lo hương khói cho người con liệt sĩ.


Sinh được người con trai duy nhất nhưng người mẹ anh hùng đã chấp nhận để con ra chiến trường dù nằm trong diện miễn giảm. Ngày tiễn con lên đường cũng là ngày cuối bà gặp con.

Để rồi nhiều năm sau, người mẹ lặng lẽ khăn gói vào Nam đi tìm phần mộ con trai liệt sĩ. Lại thương chồng không có con nối dõi tông đường, bà âm thầm mang trầu cau đi hỏi vợ lẽ cho chồng, chấp nhận cuộc sống “một ông, hai bà”.

Lặn lội tìm hài cốt con

Người phụ nữ đặc biệt đó là Mẹ Việt Nam anh hùng Hồ Thị Xích (SN 1926, ngụ thôn Thân Ái, phường Quỳnh Phương, thị xã Hoàng Mai, tỉnh Nghệ An). Bà là mẹ liệt sỹ Nguyễn Ngọc Thích (SN 1948), hy sinh ở chiến trường miền Nam trước khi đất nước thống nhất chưa đầy chục ngày.

Dù đã 90 tuổi, sức yếu, hai chân đi lại khó khăn, đôi mắt bị mờ, nhưng mỗi khi nhắc đến con trai, ký ức trong cụ bà lại trỗi dậy. Bà khóc nhiều khi nhắc đến người con liệt sỹ.

Bà Xích nhớ lại, năm 1965, mảnh đất nơi gia đình bà sinh sống bị máy bay địch bắn phá ác liệt. Bom đạn đã vùi nát nhiều mái nhà và người dân. Trong số đó có người anh và người em của bà.

Năm đó, đứng trước di ảnh hai người thân, anh Thích lúc đó 17 tuổi tự tuyên thệ: “Con sẽ đi giết giặc để báo thù cho hai cậu và người dân trong làng”- bà Xích rưng rưng nước mắt nhớ lại.

Sau đó, Thích tình nguyện viết đơn xin gia nhập quân đội, dù anh thuộc diện miễn đi nghĩa vụ quân sự vì là con duy nhất trong gia đình. “Nhìn con van xin khẩn thiết, đất nước lại đang đau thương, tôi đành nuốt nước mắt chấp nhận. Lúc đó, con chỉ xin đi 3 năm, thế mà…”- cụ bà nghẹn lời, nước mắt rơi lã chã trên gò má nhăn nheo nhớ lại thời điểm ấy.

Tám năm trời đằng đẵng ngoài chiến trường, anh Thích chưa một lần được về quê thăm gia đình, người thân. Mọi nhớ nhung, mong chờ đều được gửi vào những trang thư viết vội gửi trao tay qua những đồng đội khi trung đoàn dừng chân nghỉ ngơi.

Trong mỗi lá thư, anh Thích đều kể rõ về cuộc sống quân ngũ, chiến trường, những khó khăn khi chinh chiến, nhưng cũng không ít niềm vui về đồng chí, tình anh em. Người mẹ đọc được những bức thư do con gửi về chỉ thầm cầu nguyện cho con được bình an trở về đoàn tụ.

Lá thư cuối cùng gia đình bà nhận được vào ngày 13/3/1975, trong thư có đoạn: “Mẹ ơi, con đang ngồi trên chiếc xe tăng của quân giải phóng, đoàn xe của chúng con hơn 30 chiếc đang tiến về thành phố để đánh vào dinh thự kẻ thù. Chiến thắng đang đến gần, con sắp sửa được về với mẹ…!”.

Hiện lá thư này vẫn đang được bà Xích cất giữ cẩn thận. Cũng căn cứ bức thư quý giá này mà hàng năm, gia đình đã chọn ngày 13/3 để làm lễ giỗ cho liệt sỹ Nguyễn Ngọc Thích.

Bà Xích nhớ lại, ngày ấy ôm lá thư vào lòng, bà chỉ mong đất nước hoàn toàn giải phóng để mẹ con được đoàn tụ. Mang theo hy vọng đó, nên khi nghe tin đài phát thanh phát đi tin mừng chiến thắng, mấy đêm liền bà Xích không ngủ, chờ mong tin con thắng trận trở về.

Thế nhưng, đợi mãi bà vẫn không hay tin con. Linh tính người mẹ mách bảo điều chẳng lành, bà liền đi dò hỏi tung tích những người bạn chiến đấu cùng con, nhưng vẫn bặt vô âm tín.

Chờ đợi suốt hơn một tháng, bà bủn rủn chân tay khi nhận tin báo tử của con trai. Nỗi đau trong bà càng lớn hơn khi biết rằng anh đã hy sinh ngay cửa ngõ Sài Gòn trước khi giải phóng hoàn toàn miền Nam đúng 8 ngày.

Mọi hy vọng trong bà như bị dập tắt. Nén nỗi đau, bà Xích lập bàn thờ con. Một thời gian sau, với mong muốn con trai được thanh thản ra đi, người mẹ đã âm thầm lặn lội khắp nơi dò hỏi tin tức về hài cốt người con duy nhất của mình.

May mắn thay, ngay tại thôn Thân Ái (xã Quỳnh Phương) có người cùng làng cũng là bạn chiến đấu với liệt sĩ Thích năm xưa biết địa điểm liệt sĩ đã nằm xuống. Năm 2000, gia đình lần tìm theo địa chỉ đến được xã Đôn Thuận (tỉnh Tây Ninh) và tìm ra phần mộ liệt sỹ Nguyễn Ngọc Thích, khi phát hiện ra viên đá được đồng đội năm xưa đánh dấu.

Ngày 7/9/2012, người em trai cùng cha khác mẹ đã thay mặt gia đình đưa hài cốt liệt sỹ Nguyễn Ngọc Thích về quê. Nhắc đến hành trình dài đi tìm nơi con yên nghỉ, bà Xích tâm sự: “Tôi không bao giờ quên công ơn của bà Nguyễn Thị Rôn, người đã lo hương khói, trông giữ phần mộ cho con tôi suốt gần 40 năm trời ở mảnh đất xa lạ. Món nợ ân tình này, tôi luôn khắc ghi”.

Trong thời gian chiến đấu, liệt sỹ Thích đã quen và đem lòng yêu thương cô con gái xinh đẹp của bà Rôn. Hai người đã hẹn ước chuyện trăm năm khi hòa bình lập lại. Nhưng chàng trai đã ra đi nơi chiến trường.

Sau khi biết tin, vì thương nhớ người chiến sỹ đã anh dũng hy sinh cho Tổ quốc nằm lạnh lẽo một mình, gia đình bà Rôn tình nguyện đưa thi hài liệt sỹ về chôn trong phần đất nhà mình. Hàng ngày, họ lo hương khói cho liệt sỹ cho đến khi người thân tìm được.

 

Bằng Tổ quốc ghi công của liệt sỹ Nguyễn Ngọc Thích

Mang trầu cau hỏi vợ cho chồng

Nỗi đau mất con trai khiến bà Xích đứt từng khúc ruột, nhưng còn có nỗi day dứt khác là việc chứng kiến chồng sống trong buồn rầu vì không có con nối dõi tông đường. Chồng bà, ông Nguyễn Ngọc Mai, là tộc trưởng một dòng họ, áp lực càng nặng nề.

Sau nhiều đêm suy nghĩ, bà Xích đi đến một quyết định bất ngờ, âm thầm mang trầu cau đi hỏi vợ hai cho chồng mình. Mới đầu, ông Mai quyết liệt phản đối vì là cán bộ đang công tác tại trạm y tế địa phương, nhưng trước áp lực của dòng họ và chính người vợ, ông đành gật đầu. Năm 1976, bà Xích chính thức cưới vợ hai cho chồng.

Đó là một người phụ nữ góa bụa cùng làng, có hai con riêng. Khi về làm vợ ông Mai, người phụ nữ này sinh được thêm 3 người con. Điều đặc biệt là dù sống cảnh “một ông, hai bà” nhưng họ luôn hòa thuận nâng đỡ nhau trong cuộc sống.

Đối với 3 người con, hai người phụ nữ đều chung tay chăm sóc, người có công sinh thành, người có công dưỡng dục. Con cháu luôn tôn kính cả hai người mẹ.

Để cáng đáng cuộc sống của đại gia đình, hàng ngày bà Xích đi bán trầu cau, “bà hai” buôn cá ở chợ, cùng lo chi tiêu trong gia đình. Cuộc sống lặng lẽ trôi đi cho đến năm 2001, sau một trận ốm, ông Mai lâm bệnh qua đời. Từ khi chồng mất, hai người phụ nữ cùng nuôi các con khôn lớn. Họ sống với nhau rất hòa thuận, được nhiều người dân trong làng cảm mến.

Bà Xích yêu thương, chăm sóc những người con chồng như chính con mình sinh ra. Trải bao khó khăn vất vả, nay các con đã khôn lớn, hai bà đã có cháu nội, ngoại.

Năm 1994, bà Hồ Thị Xích được Nhà nước phong tặng danh hiệu Bà mẹ Việt Nam Anh hùng. Liệt sỹ Nguyễn Ngọc Thích được nhà nước tặng thưởng 2 Huân chương Giải phóng, một Huân chương Chiến sĩ vẻ vang.

Mấy năm trở lại đây, bà Xích sống cùng người con trai út của chồng trong căn nhà nhỏ ở cuối làng. Dù đã 90 tuổi, nhưng bà khá minh mẫn, hàng ngày năng đi lại thăm con cháu. Khoản tiền trợ cấp của nhà nước, bà đều đưa cho con lo chi tiêu trong gia đình, chỉ để lại phần nhỏ lo thuốc thang.

Hỏi về những chuyện đã qua, bà Xích cho hay bản thân không hề nuối tiếc điều gì. Niềm hạnh phúc lớn nhất của bà đến thời điểm hiện tại là có con cháu đề huề và giữ được tình cảm thân thiết với người vợ hai của chồng.

 

Tại xã Đôn Thuận (tỉnh Tây Ninh), phần mộ liệt sỹ Nguyễn Ngọc Thích được một gia đình địa phương là bà Nguyễn Thị Rôn trông nom hương khói gần 40 năm. Được biết, trong thời gian chiến đấu, liệt sỹ Thích đã quen và đem lòng yêu thương con gái bà Rôn. Hai người hẹn ước chuyện trăm năm khi hòa bình lập lại. Nhưng chàng trai đã hy sinh nơi chiến trường.

Vì thương nhớ người chiến sỹ đã anh dũng hy sinh nằm một mình nơi đất khách, gia đình bà Rôn tình nguyện đưa thi hài liệt sỹ về chôn trong phần đất nhà mình. Hàng ngày, họ lo hương khói cho liệt sỹ cho đến khi người thân tìm được.