Quay lại Dân trí
Dân sinh
  1. Diễn đàn Dân sinh

Mẹ Việt Nam Anh Hùng Y Nía- Niềm tự hào của Kon Tum

Nhắc đến tên mẹ Y Nía, ở Kon Tum là đồng bào nơi đây nghĩ ngay tới người có trái tim nhân hậu cao cả, có sức lay động mãnh liệt lòng người. Cùng với thời gian, mẹ giờ đã 107 tuổi, mái đầu bạc trắng, nhưng sự hy sinh mà mẹ dành cho cách mạng, cho dân tộc thì không thể nào quên.

 

Cả cuộc đời dành cho đất nước

Mẹ Việt Nam Anh hùng Y Nía, ở thôn 6, xã Đăk Ui, (huyện Đắk Hà, Kon Tum). Năm nay đã bước sang tuổi 107, mẹ không còn minh mẫn lắm và mắt đã mờ. Mẹ Y Nía có 11 người con, thì có đến 4 người con là liệt sỹ. Những người con còn lại cũng có nhiều đóng góp cho cách mạng và sự đổi mới của đất nước. Trong căn nhà tình nghĩa tại thôn 6, xã Đắk Ui do Công ty Cao su Kon Tum trao tặng, giờ mẹ sống cùng cô con gái út. Trong căn nhà không có gì đáng giá hơn là những tấm bằng Tổ quốc ghi công, Huân chương, Bằng khen ghi tên những đứa con của mẹ đã hy sinh và cả những đóng góp của mẹ cho cách mạng những năm tháng chiến tranh.

Mẹ Việt Nam Anh Hùng Y Nía

Trong những ngày tháng Bảy thiêng liêng này, chúng tôi có dịp đến thăm mẹ. Dù lúc nhớ lúc quên nhưng hỏi chuyện về các con mình mẹ vẫn rành rọt kể: “Thằng Nhí, thằng Ning, thằng Né, con Mơi nó đi đánh giặc rồi hy sinh trong chiến tranh không về với mẹ nữa rồi…”. Mẹ Nía chỉ nhớ được bấy nhiêu đó thôi, còn ngày trước – cách đây 2 năm – chúng tôi ghé về thăm mẹ, nhắc đến từng cái tên của các anh, các chị đã hy sinh mẹ lại không kiềm được nước mắt.Nước mắt của một người mẹ dứt ruột đẻ con ra đó là nước mắt sâu thẳm của tình phụ tử. Mẹ đau vì các con mẹ đã hi sinh nhưng niềm vui vì các con mẹ đã ngã xuống cho độc lập dân tộc, cho đất nước hòa bình.

Mẹ đã kể cho chúng tôi nghe, những năm tháng kháng chiến chống Mỹ, làng Vang Tó quê mẹ ngày trước (chưa dời xuống làng mới như bây giờ). Đây là căn cứ cách mạng, phong trào đánh giặc Mỹ sôi sục khí thế, không phân biệt già, trẻ, gái, trai ai cũng đều tham gia hoạt động cách mạng. Bản thân mẹ Y Nía là hậu phương vững chắc, hạt gạo làm ra chẳng dám ăn chỉ để dành nuôi bộ đội. Người chồng của mẹ Nía – ông A Thêng, cũng tham gia hoạt động cách mạng và làm liên lạc. Khi  nhắc đến những năm tháng hào hùng đó mẹ như sôi nổi hẳn lên.

 4 người con là liệt sĩ

Trong thời gian cả dân tộc đang sục sôi ngọn lửa căm hờn với kẻ thù, cảnh làng xóm bị quân giặc giày xéo, ở độ tuổi 15 A Nhí – con trai thứ 2 của mẹ đã theo các anh, các chị trong làng tập tành đánh trận giả, rồi tập làm du kích để đánh giặc. Các em trai, em gái của A Nhí là A Né, A Ning, Y Mơi cũng đã học theo anh. Năm 19 tuổi, A Nhí lập gia đình và khi người vợ mang bầu chưa đầy 1 tháng, anh xin đi bộ đội. Ở nhà các em của A Nhí cũng lần lượt xin đi du kích thôn, riêng cô em gái Y Mơi đi dân công hỏa tuyến cõng lương thực, tải đạn cho bộ đội đánh giặc.

Bằng khen của UBND tỉnh Kon Tum tặng cho mẹ

Vào năm 1965, trong một lần làm nhiệm vụ, cô gái Y Mơi mới 17 tuổi con của mẹ Y Nía đã bị bom đạn oanh tạc dữ dội và đã hy sinh. Nỗi đau mất đứa con này chưa nguôi thì liên tiếp sau hai người con trai của mẹ là A Ninh, A Né cũng lần lượt hy sinh. Nhưng nỗi đau lớn nhất trong cuộc đời mẹ, đó là 3 lần mẹ đã nhìn thấy xác các con A Ning, A Né, Y Moi bị giặc Mỹ bắn hy sinh ở đồi Ngọc La (Đăk Ui, huyện Đắk Hà). Người con trai đầu của mẹ là A Nhí, kể từ ngày đi bộ đội biền biệt nhiều năm liền mẹ không gặp được, thì mãi đến năm 1972, nghe tin anh hy sinh trên đường 14 thuộc địa phận tỉnh Gia Lai. Nỗi đau của người mẹ mất 4 người con chưa nguôi, thì sau giải phóng ông A Thêng – chồng mẹ Nía cũng qua đời.

Chia sẻ  với chúng tôi, Chị Y Nong (con gái út của mẹ Y Nía) tâm sự: “Những lúc thấy bộ đội về làng, mẹ ở trong nhà chạy ùa ra ngõ nhìn theo mà nước mắt chảy ròng, mẹ nói mẹ nhớ các anh, chị. Trước đây, còn sức khỏe cứ đến dịp 27/7, mẹ còn tự tay nấu nướng các món ăn đặt lên bàn thờ để cúng các anh, chị. Nay mẹ già yếu rồi, không tự tay nấu nướng được nữa và mắt cũng không còn nhìn thấy. Dù vậy, mỗi lúc nhân dịp này mẹ cứ lục lọi tìm kiếm những tấm bằng Tổ quốc ghi công của các con mình ra ngắm nhìn…”

Chúng tôi xin phép ra về nhưng trong lòng luôn kính trọng, biết ơn mẹ vì mẹ đã hiến dâng những người thân yêu nhất của mình ra chiến trường và đã vĩnh viễn không ngày trở lại. Mong sao cho mẹ Y Nía sẽ sống mãi với thời gian.

Nỗi đau của  mẹ không có gì có thể bù đắp được. Ghi danh sự hy sinh lớn lao của mẹ, danh hiệu mà Đảng và Nhà nước đã phong tặng cho mẹ - “Bà mẹ Việt Nam Anh hùng”  - thật thiêng liêng, đó là tất cả tấm lòng của bao lớp người con đất Việt gọi mẹ.