Chị Phương (Khâm Thiên, Hà Nội) rất sợ mỗi khi về quê chồng. Chẳng phải nhà chồng chị ghê gớm, hay quê chồng chị xa xôi gì đâu. Chị sợ bởi lẽ mỗi khi về quê, anh Minh - chồng chị bỗng dưng lại sinh tật thích “chém gió”, không biết bao nhiêu lần đặt chị vào thế chuyện đã rồi để sau đó chị phải gồng mình lên giải quyết hậu quả.
Chẳng là anh chị ở thành phố cũng có công việc tốt, lương kha khá. Gom góp bao năm xây được cái nhà, mua được cái xe ô tô tầm trung để mỗi lần về quê cho tiện. Cũng từ ngày có ô tô, anh hay “nổ” nhiệt tình. Có lần về quê, chị đang rửa bát ở sân thì nghe chồng khoe với mấy ông bác, ông chú họ: “Sang tháng cháu định đổi xe, cái xe này đi mấy tháng thấy chán rồi. Hồi ấy mua con xe này có gần tỷ, mua loại rẻ thôi để thi thoảng Vợ cháu còn lái, chứ tay lái cô ấy yếu mà mua xe mấy tỷ, xước tý sơn thôi cũng mất hàng trăm triệu rồi”. Thế là các ông bác, ông chú trầm trồ: “Xe gần tỷ bạc mà anh còn chê, anh chị lắm tiền thật đấy”. Được đà anh tiếp tục “chém gió”: “Có đáng bao nhiêu đâu ạ, cháu làm đôi ba tháng là kiếm được con xe ngon. Chứ Vợ cháu thì ăn thua gì, đi làm cho vui ấy mà. Tháng trước ở Hà Nội lạnh quá, cháu cho Vợ con vào Nam tránh rét một tuần, công nhận trong Nam lắm xe đẹp thật…”. Thế là mẹ chồng, các cô em chồng lại nhìn chị với ánh mắt ghen tị. Trong mắt gia đình nhà chồng, chị có số nhờ chồng “ngồi mát ăn bát vàng”.
Và cũng chính vì tính hay khoe khoang, tâng bốc của anh mà mọi người ở quê chồng cứ nghĩ gia đình chị giàu có lắm. Chị bức xúc kể: “Cứ thỉnh thoảng mẹ chồng mình lại gọi điện lên, nay thì chuyển cho mẹ mượn mấy triệu để lo việc, mai thì gửi cho mẹ một ít để thay cái xe ga cho đứa em… Một lần, hai lần cũng đủ chết rồi. Đằng này tháng nào cũng có dăm bảy lần gọi điện hỏi chuyện tiền nong như thế thì lấy gì mà sống nữa. Mình có nói với mẹ chồng là bọn con không có nhiều thế đâu thì bà vùng vằng giận dỗi, vì chồng mình lương tháng cả trăm triệu cơ mà. Vậy là trong mắt nhà chồng, mình trở thành con người ích kỷ, hẹp hòi, keo kiệt”.
Không chỉ mẹ chồng, mà những người trong họ, trong làng cũng thường xuyên vận động anh chị đóng góp cái này cái kia. Chị kể tiếp: “Nào đám giỗ họ, làm lại mộ tổ, xây lại cái trạm y tế xã, gây quỹ học bổng cho các em học sinh nghèo,… ở quê đều gọi điện cho Vợ chồng mình về đóng góp. Mỗi lần như vậy đều phải tính tiền triệu chứ ít ỏi gì đâu. Mình kêu ca thì chồng mình lại bảo thôi cứ coi đi… làm từ thiện. Rõ khổ, đến đồ đạc trong nhà, nhiều cái đang dùng cũng phải mang về quê làm 'từ thiện' vì chồng mình trót chém là nhà có cái này thừa, cái kia được biếu mà không dùng đến… ”. Chị Phương cho biết, vì cái tính thích "chém gió" của chồng mà không biết bao nhiêu lần anh chị chiến tranh lạnh rồi.
Vài ngày nữa, anh chị lại về quê chồng lo đám giỗ. Chị quyết tâm "quán triệt tư tưởng" với chồng: "Lần này về mà anh cứ thích 'võ mồm' thì em sẽ cho anh bẽ mặt trước tất cả mọi người đấy. Anh liệu mà giữ mồm giữ miệng cho vợ con được nhờ, không thì thôi, chẳng về quê nữa".
Tật thích “chém gió” của chồng khiến không biết bao nhiêu lần đặt chị vào thế chuyện đã rồi để sau đó chị phải gồng mình lên giải quyết hậu quả (Ảnh minh họa).
Cũng có tính thích khoe khoang, “chém gió”, anh Long (Hoàn Kiếm, Hà Nội) đã khiến chị Thanh - vợ anh nhiều phen méo mặt với bạn bè đồng nghiệp. Chẳng là anh Long rất hay thích khoe khoang trên facebook rồi tag facebook của Vợ vào. Có lần chị Thanh vừa xin phép sếp về sớm để đi đón con, ấy thế mà đùng một cái anh lại để status: “Chuẩn bị về đi đón con nào. Xong rồi bố con mình đi chợ, làm mấy món ngon chờ mẹ về nhé” và tag tên chị vào đó. Thế là chị bị sếp gọi vào hỏi sao nói dối là về sớm đi đón con. Tức quá, chị gọi điện hỏi anh đi đón con à, thì anh cười hì hì trong điện thoại: “Đâu, ngồi rảnh làm cái status câu like ý mà. Lát anh còn phải họp, em đón con đi nhé”. Lúc ấy chị chỉ còn cách ngậm ngùi gọi điện cho bà ngoại nhờ bà đón con giúp vì sếp không đồng ý cho chị về sớm nữa.
Cũng vì tật thích “chém gió” của anh, mà có lần chị Thanh muối mặt với chị bạn đồng nghiệp ngồi cạnh vì ích kỷ. Chẳng là hôm ý gần cuối tháng, chị bạn hỏi vay tạm 1 triệu sang tuần có lương sẽ trả. Lúc ấy chị Thanh cũng chỉ còn mấy trăm để tiêu thôi thì làm gì có cho chị bạn kia vay. Ấy thế mà đến trưa, chồng chị lại đăng một bức ảnh một xấp tiền 500 000 với dòng chú thích: “Chồng cực kì ngoan nhé, có bao nhiêu tối qua nộp hết cho vợ rồi, chỉ giữ lại 1 tờ xăng xe, chè thuốc với anh em thôi” và anh cũng không quên tag tên facebook của chị vào đó. Sau khi đọc được, chị “đứng hình” mất mấy giây vì tối hôm trước anh làm gì đưa cho chị đồng nào, nói gì đến xấp tiền 500 000 kia. Vậy là chị đồng nghiệp lại hiểu lầm chị có tiền mà không cho vay, chị giải thích thế nào thì chị bạn đồng nghiệp cũng chẳng tin.
Sau hôm đó, về nhà chị đã cấm tiệt anh không được khoe khoang những cái không có thật trên facebook thì anh ngây thơ đáp lại: “Anh khoe thế thì có ảnh hưởng đến ai đâu nhỉ. Anh làm vậy là làm đẹp mặt cho em thôi, chứ anh được lợi gì”. Đến lúc chị tức quá, phát cáu lên thì anh mới miễn cưỡng đồng ý.
Thế nhưng dường như tính thích "chém gió" đã ăn sâu vào máu, nên anh vẫn chứng nào tật nấy. Cũng mới gần đây thôi, trước ngày 8/3, chẳng hiểu anh Long tìm đâu được bức ảnh chiếc nhẫn kim cương đẹp lung linh. Thế là anh đăng lên với dòng chú thích: “Này vợ yêu, em thích mẫu này chứ, quà mùng 8/3 của chồng đây”. Khỏi phải nói, bức ảnh của anh nhận được hàng trăm like, còn anh thì được bạn bè trên facebook của chị khen là người đàn ông “chuẩn không cần chỉnh”. Mấy chị em đồng nghiệp làm cùng cứ đòi chị mang nhẫn kim cương đi cho mọi người chiêm ngưỡng. Khổ nỗi, sự thật là anh chỉ tặng chị cái ảnh nhẫn kim cương tìm trên internet về chứ làm gì có nhẫn thật. Chị ngượng ngùng kể: “Đến giờ các chị em trong phòng vẫn cứ đòi xem nhẫn kim cương của mình. Mình bảo là chồng trêu thôi nhưng chẳng ai tin cả, bởi trước giờ ai cũng nghĩ chồng mình giàu có, tâm lý, lãng mạn với vợ lắm cơ. Mọi người đâu có biết, những gì anh ấy đăng trên facebook thì chỉ có 20% sự thật mà thôi”.