Quay lại Dân trí
Dân sinh
  1. Diễn đàn Dân sinh

Mẹo nhận biết thịt lợn sề, thịt trâu chết 'đội lốt' thịt bò

Người tiêu dùng không khỏi e ngại khi đối mặt với nguy cơ rất lớn là vừa mua phải thịt lợn sề, thịt trâu chết với giá cao lại vừa ăn phải hóa chất, phẩm tạo màu độc hại.

 

Thịt bò là loại thực phẩm rất dễ chế biến lại thơm ngon và nhiều chất dinh dưỡng nên rất được các chị em nội trợ ưa chuộng. Theo khảo sát của phóng viên tại các chợ lớn và siêu thị, thịt bò là loại thịt gia súc phổ biến, được mua nhiều chỉ sau duy nhất thịt lợn. Tuy nhiên, chia sẻ với phóng viên VTC News, hiện nay có khá nhiều người tiêu dùng e ngại mua thịt bò do có nhiều thông tinthịt bò bị làm giả từ thịt trâu, thịt lợn sề, hoặc là thịt ôi thiu nhưng đã bị ngâm hóa chất để trở nên tươi ngon.
Mới đây nhất, VTC News đã thông tin về việc cảnh sát Giang Tô (Trung Quốc) phát hiện và thu giữ được 2.000kg thịt bò giả, được làm từ thịt lợn được ngâm tẩm chất sodium nitrie với chất tạo mùi thịt bò.

 

Những miếng thịt lợn tẩm hóa chất, phẩm màu bị phát hiện tại Giang Tô, Trung Quốc 

 

Chị Trương Linh (Đống Đa, Hà Nội) chia sẻ: "Thật không thể tin được là thịt lợn có thể biến thành thịt bò bằng hóa chất. Trong khi thịt bò thường bán với giá cao hơn thịt lợn, như vậy thành ra mình sẽ mất nhiều tiền hơn mà lại vừa mua phải thịt lợn, vừa ăn phải hóa chất độc hại".

Theo một người bán thịt bò lâu năm tại khu vực chợ Bưởi (Ba Đình, Hà Nội) cho biết: "Trường hợp thịt bò thật, thịt bò giả lẫn lộn nhiều khi cũng có vì thịt bò thường không có nhiều để bán như thịt lợn, mà giá lại cao nên người ta sẽ mua những loại thịt lợn sề, lợn già, có thể lợn còn sống hoặc lợn đã chết, miễn là thịt dai, bì dầy để dễ làm thành thịt bò rồi bán cho người tiêu dùng với giá cao".
Người này cho biết thêm, loại hóa chất thường được sử dụng để"hô biến" từ thịt lợn thành thịt bò có tên là phẩm mầu “hoa hiên”, và còn một cái tên "mỹ miều" khác là "bảo bối".
Loại phẩm màu này khá dễ mua, nếu dùng loại có nguồn gốc tự nhiên thì an toàn nhưng nếu dùng loại có nguồn gốc công nghiệp, ở dạng bột thì sẽ gây độc cho người ăn phải.
Chỉ cần pha "bảo bối" với nước rồi nhúng thịt lợn vào trong vòng 1 phút, thịt lợn sẽ đổi màu sang màu đỏ đậm, tươi như thịt bò thật, khó có thể biết được đó là thịt lợn.
Ngoài việc dùng bột hoa hiên, người ta còn thường dùng chất phụ gia có tên gọi maltol, chỉ cần một lượng rất nhỏ là đã có thể triệt tiêu được những mùi khó chịu đặc trưng của thịt lợn. Xong khi kết hợp với chất tạo mùi như bột hương vị bò thì miếng thịt lợn đấy cũng không khác thịt bò là mấy.

Có thể thấy những lo lắng của người tiêu dùng về thịt bò hiện nay không phải là không có cơ sở. Ông Nguyễn Xuân Dương, Phó Cục trưởng Cục Chăn nuôi, Bộ NN-PTNT cũng cho biết, người tiêu dùng cũng phải rất cẩn trọng trong việc chọn mua thịt bò để tránh mua phải những loại thịt bò làm giả từ thịt trâu, thịt lợn.

Thịt lợn giả thường được làm từ thịt lợn sề đã hết khả năng sinh sản, hoặc thịt trâu đã chết. 
Việc mất tiền nhưng mua phải thịt giả, thịt kém chất lượng là một vấn đề, nhưng quan trọng hơn là người ăn phải những loại thịt này sẽ bị ảnh hưởng rất lớn tới sức khỏe, nhất khi các loại hóa chất này tích tụ lâu ngày thành một lượng lớn trong cơ thể sẽ gây ra những hậu quả khó lường.
Do vậy, chia sẻ bí quyết chọn thịt bò tươi ngon và phân biệt thịt bò thật với thịt bò giả, ông Dương cho biết: "Thịt lợn giả thịt bò sẽ có thớ thịt to và ngắn hơn, không mịn, phần mỡ màu trắng đục. 
Còn thịt trâu giả thịt bò sẽ có màu đen sậm, thớ thịt to, mỡ trắng. Những loại thịt giả này thường có mùi tanh rất khó chịu chứ không có mùi hoi nồng đặc trưng của thịt bò".
Ngoài ra, nếu thịt bò giả bị tưới huyết bò, ướp hóa chất tạo màu thì có màu sắc không đều và không tự nhiên. 
Khi miết tay vào miếng thịt sẽ thấy có phẩm màu ở tay, khi thái miếng thịt thấy phần thịt bên trong nhạt màu hơn so với phần thịt ở ngoài, thịt không dính vào dao và có nước rỉ ra.
Còn theo kinh nghiệm của các chuyên gia thực phẩm, để chọn được miếng thịt bò tươi, ngon thì một là quan sát, hai là sờ tận tay. 
Khi quan sát, nếu miếng thịt có bề ngoài khô ráo, màu đỏ thẫm nhưng vẫn có độ sáng tươi, thớ thịt không mịn, gân trắng nhỏ và mỡ màu vàng nhạt. Khi sờ tay vào miếng thịt, miếng thịt tươi ngon sẽ có độ dính, không nhớt, mềm vừa phải. Nếu lấy ngón tay ấn vào miếng thịt, nhấc ngón tay ra thấy thịt dính theo tay và có độ đàn hồi ngay như cũ.

Nếu khi ấn và nhấc ngón tay ra không thấy cảm giác dẻo dính, miếng thịt không trả lại được độ đàn hồi, có vết lõm, hoặc sờ thấy nhớt nhớt thì đó là thịt đã để lâu. Ngoài ra, người tiêu dùng nên tránh mua những miếng thịt bò có màu tái xanh, có mùi hôi, có những nốt trắng tròn giữa các thớ thịt vì đó có thể là thịt bò bị sán. Thịt bò thật còn có đúng mùi hôi của bò, kể cả sau khi chế biến vẫn giữ nguyên màu sắc hồng sậm, vị ngọt và mùi thơm rất đặc trưng.