Microsoft đã chính thức tung ra phiên bản thử nghiệm beta đầu tiên của Windows 11, dành cho những người đăng kí thuộc chương trình Windows Insider Program. Cho đến trước hôm nay, việc tiếp cận và sử dụng Windows 11 hoàn toàn chỉ là phiên bản dành cho lập trình viên (Dev preview), mà theo phía Microsoft là dành cho “người dùng có kinh nghiệm kĩ thuật” và còn nhiều “phần thô”. Microsoft cũng cho hay, phiên bản beta thì ổn định hơn, với các bản dựng đã được xác thực bởi chính Microsoft. Tuy vậy, nếu muốn trải nghiệm thì bạn vẫn nên cài nó trên một máy thử nghiệm hay lên một phân vùng ổ cứng khác, thay vì sử dụng nó như hệ điều hành chính duy nhất.
Tất nhiên, để cài đặt phiên bản beta, bạn sẽ cần một máy tính tương thích với nó. Rất khó để xác định xem liệu máy tính của bạn có thể chạy phiên bản Windows tiếp theo không, nhưng tài liệu hỗ trợ của Microsoft về việc chuẩn bị cho bản dựng Insider vẫn đưa người dùng tới trang yêu cầu hệ thống tối thiểu. Gã khổng lồ phần mềm đã thông báo sẽ “quan tâm đặc biệt” tới dòng CPU Intel thế hệ thứ 7 và AMD Zen thế hệ đầu tiên trong giai đoạn thử nghiệm, nên vẫn có khả năng là PC sử dụng các CPU này có thể được chạy bản beta nhưng chưa chắc sẽ được chạy bản chính thức.
Việc tung ra phiên bản beta cũng là tin tốt đối với những người đã nhanh chân cài phiên bản Dev preview để được trải nghiệm Windows 11 sớm nhất có thể, nhưng lại không muốn trải nghiệm ấy nhiều lỗi. Nếu bạn rơi vào trường hợp này, bạn có thể chuyển từ sang kênh Beta bằng cách vào mục Settings, chọn Windows Update, rồi Windows Insider Program, sau đó chọn kênh Beta Channel trong mục Choose your Insider Settings.
Thông thường, bạn sẽ cần phải cài lại hoàn toàn hệ điều hành để chuyển từ phiên bản Dev sang phiên bản Beta, nhưng theo tài khoảng Twitter của chương trình Windows Insider, người dùng có thể làm theo các bước ở trên trong “một khoảng thời gian ngắn”. Có lẽ điều nên làm ở đây là chuyển sang phiên bản Beta sớm nhất có thể, nếu bạn không thật sự cần thử nghiệm trên phiên bản Dev. Chuyển sang phiên bản Beta chỉ “tiêu tốn” một lần khởi động lại, mà có khả năng sẽ mang tới cho bạn trải nghiệm mượt mà hơn.
Với những người dùng Windows 10 và hiện giờ đã sẵn sàng để thử nghiệm Windows 11, bạn có thể đăng kí chương trình Windows Insider của Microsoft theo đường dẫn ở cuối bài viết. Tất nhiên, dù rằng Microsoft đánh giá các phiên bản Beta sẽ ổn định hơn các phiên bản Dev, chúng vẫn chỉ là các phiên bản thử nghiệm. Chắc chắn sẽ có nhiều lỗi, những lần “màn hình xanh”, đơ máy, hay thiếu tính năng - chính phía Microsoft cũng có một danh sách công khai những vấn đề hiện có, ví dụ như tính năng Teams Chat đang hoạt động với phiên bản Dev, nhưng lại chưa sử dụng được trên bản Beta.
Nhìn chung, nếu bạn bị hấp dẫn bởi giao diện mới của Windows 11 và muốn trải nghiệm nó nhưng chưa … dám, thì hiện tại là một thời điểm tốt để thử nghiệm. Bởi việc tung ra bản beta cho mọi người dùng đăng kí chương trình của Microsoft đồng nghĩa với việc họ cảm thấy phiên bản này đã sẵn sàng.