Nhờ AI, ứng dụng Teams sẽ có khả năng đưa ra những gợi ý trả lời ngắn cho người dùng, dựa trên ngữ cảnh của câu chuyện. Chẳng hạn khi nhận được một lời khen, ứng dụng đưa ra gợi ý lời cảm ơn để người dùng chỉ cần bấm chọn, thay vì phải gõ. Tính năng này tương tự như trợ lý ảo trên Facebook Messenger.
Một tính năng khác cũng ứng dụng AI là chế độ Together mode, giúp đưa hình ảnh của những người tham gia cuộc họp vào một không gian chung, chẳng hạn phòng họp, quán cà phê, lớp học. Để làm được điều này, Microsoft ứng dụng công nghệ AI segmentation. Khi ở Together mode, các thành viên trong cuộc họp sẽ có thể nhìn ra các ngôn ngữ hình thể, tương tác lẫn nhau dễ dàng hơn, mang lại cảm giác như đang trong một cuộc họp hoặc lớp học thực tế.
Ngoài hai tính năng ứng dụng AI kể trên, Teams sẽ có thêm Live reactions - cho phép người dùng thả biểu tượng cảm xúc trong cuộc họp; Chat bubbles - đưa phần chat của cuộc họp hiển thị thông báo trên màn hình của các thành viên; thêm tên người trình bày khi ở chế độ dịch thuật và phụ đề; cải thiện tính năng Whiteboard.
Các cuộc họp trên Teams cho phép 1.000 thành viên cùng trao đổi, tương tác ngang hàng. Ở chế độ "1 người nói", Teams hỗ trợ tối đa 20 nghìn người cùng nghe. Người dùng có thể thêm bộ lọc màu cho hình ảnh, tạo poll, tùy chỉnh việc hiển thị... trên phiên bản mới.
Microsoft Teams là một trong những ứng dụng học và họp trực tuyến phổ biến tại Việt Nam trong thời điểm giãn cách xã hội. Theo thống kê đến cuối tháng 5, đã có khoảng 4 triệu học sinh và sinh viên sử dụng ứng dụng này để học từ xa. Do được cung cấp miễn phí cho lĩnh vực giáo dục, người dùng Việt tiết kiệm khoảng 27 triệu USD tiền thuê bao Teams.
Ngoài Microsoft Teams, người dùng tại Việt Nam cũng sử dụng Zoom, Skype, Google Classroom để học và họp trực tuyến. Mới đây, người dùng còn có thêm một lựa chọn nữa đến từ Facebook. Tính năng "Phòng họp mặt" của Facebook được cung cấp miễn phí, cho phép tối đa 50 người tham gia họp.