Vnexpress đưa tin, băng xuất hiện từ độ cao 1.800 m lên tới đỉnh 2.402 m núi Chiêu Lầu Thi, xã Hồ Thầu (huyện Hoàng Su Phì, Hà Giang). Những chỗ khuất gió, sương sớm và hơi nước ngưng tụ thành băng, phủ trắng xóa cây cối.
"Rét 0 độ C, nước trong xô chậu của gần chục hộ dân sống ở đây cũng đóng băng trên bề mặt. Nắng lên, nhưng nhiệt độ vẫn thấp nên đến 12h băng chưa tan", anh Chu Việt Bắc, người dân địa phương cho biết.
Theo anh Bắc, hôm nay là ngày thứ hai Chiêu Lầu Thi có băng. Hôm qua băng xuất hiện khá dày và đến 4h chiều mới tan hết. Nhiều đoàn du khách từ Hà Nội đã kéo đến chiêm ngưỡng băng.
Nhiều khu vực của huyện Đồng Văn (Hà Giang) cũng có băng giá, sương muối, đến gần trưa thì tan. Học sinh các xã có nhiệt độ dưới 4 độ được nghỉ học. Người dân được phổ biến che chắn chuồng trại, đề phòng thiệt hại.
Tại huyện Sìn Hồ (Lai Châu), nơi cao hơn 1.500 m so với nước biển, Chủ tịch huyện Đồng Văn Liệt cho biết cảm nhận đêm qua rét hơn so với đêm trước. Nhiều khu vực có băng giá, sương muối.
"Huyện đã gửi công điện đến các xã yêu cầu người dân giữ ấm cho đàn gia súc, nếu nhiệt độ dưới 5 sẽ tiếp tục cho học sinh nghỉ học", ông Liệt nói.
Cao hơn 2.700 m so với mực nước biển, đỉnh núi Phu Xai Lai Leng, xã Na Ngoi (Kỳ Sơn, Nghệ An) sáng nay nước đã đóng băng.
"Khoảng 3h, nước trong xô nhựa đông thành từng tảng như trong tủ lạnh. Các hố nước đọng trên nền đất cũng bị đông đá. Tới khoảng 8h, các tảng đá này tan", đại úy Nguyễn Bá Kỷ, Phó đồn biên phòng Na Ngoi, cho biết.
Theo ghi nhận của các trạm quan trắc, sáng nay nhiệt độ tiếp tục giảm 0,5-1,5 độ so với sáng qua, do khối không khí lạnh khô vẫn đang chi phối miền Bắc và Trung. Rét nhất là Sìn Hồ (Lai Châu) âm 2 độ C; kế đó là Bắc Hà (Lào Cai), Đồng Văn (Hà Giang), Đình Lập, Mẫu Sơn (Lạng Sơn) chỉ 0 độ.
Vùng đồng bằng Bắc Bộ rét nhất là Cúc Phương (Ninh Bình) 6 độ; Ba Vì (Hà Nội), Nho Quan (Ninh Bình) 7 độ, giảm hơn một độ so với sáng qua. Đây là mức nhiệt trong lều khí tượng, cao hơn mặt đất khoảng 2 mét, nhiệt độ thực tế ngoài trời có thể thấp hơn 1-2 độ C.
Đến 8h, nắng tràn ngập, nhiệt độ tăng nhanh. Cao nhất hôm nay ở đồng bằng Bắc Bộ khoảng 23 độ, miền núi cao như Sa Pa khoảng 11 độ C. Độ ẩm không khí thấp, chỉ 40-50%, làm gia tăng các bệnh hô hấp, tăng nguy cơ cháy nổ.
Theo Tiền Phong, Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia cho biết, do không khí lạnh liên tục bổ sung cùng với sự mất nhiệt do phát xạ của trời ít mây làm cho nền nhiệt đêm ở các tỉnh Bắc bộ cũng như khu vực Bắc Trung bộ tiếp tục giảm rất sâu, ở khu vực đồng bằng nhiệt độ có thể xuống dưới 13 độ, còn ở vùng núi thì xuống dưới 10 độ, những nơi núi cao có thể xuống dưới 3 độ thậm chí xấp xỉ 0 độ, nên các tỉnh vùng núi cần đề phòng hiện tượng băng giá, sương muối có thể xảy ra vào đêm và sáng sớm.
Dự báo tại Bắc bộ, từ nay đến 12/12, trời tiếp tục quang mây, ngày nắng. Trời rét với nền nhiệt độ thấp nhất phổ biến 10-13 độ, vùng núi 6-9 độ, vùng núi cao dưới 5 độ và có khả năng cao xảy ra băng giá, sương muối. Từ 13/12 trời nhiều mây hơn, nền nhiệt độ ban đêm tăng dần.
Tại Trung bộ từ nay đến 13/12, trời ít mưa, ngày nắng. Các tỉnh Bắc và Trung Trung bộ đêm và sáng trời rét với nền nhiệt độ thấp nhất 16-19 độ, riêng các tỉnh Thanh Hóa và Nghệ An nền nhiệt độ thấp hơn khoảng 12-15 độ, vùng núi 9-11. Các tỉnh phía Bắc của Nam Trung bộ đêm và sáng sớm trời se lạnh.
Tại khu vực Tây Nguyên và Nam bộ, từ nay đến 13/12, trời ít mưa, ngày trời nắng. Tây Nguyên đêm và sáng sớm trời rét, Nam bộ đêm và sáng sớm trời lạnh.
Đáng lưu ý, từ ngày 9-12/12 các sông ở Nam bộ chịu ảnh hưởng của một đợt triều cường. Trong đợt triều này, mực nước tại các trạm hạ lưu sông Cửu Long ở dưới BĐ1, trên sông Sài Gòn tại Phú An ở mức BĐ2 và trên BĐ2.
Thủ đô Hà Nội từ ngày 08 đến ngày 13/12, trời quang mây, ngày nắng. Trời rét với nền nhiệt độ thấp nhất phổ biến 10-13 độ.