Phó Giám đốc Trung tâm dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia Hoàng Phúc Lâm chia sẻ: “Theo các thông tin phân tích dự báo mới nhất của chúng tôi, khoảng đêm ngày 29 sáng ngày 30/12 sẽ có một đợt không khí lạnh rất mạnh ảnh hưởng đến các tỉnh miền Bắc nước ta”.
Theo đó, các tỉnh vùng núi như Cao Bằng, Bắc Kạn, Quảng Ninh sẽ hứng chịu đầu tiên trong đêm ngày 29/12 sau đó sang ngày 30 sẽ ảnh hưởng mở rộng xuống các tỉnh Đồng bằng Bắc bộ.
“Đây được dự báo là đợt không khí lạnh mạnh nhất từ đầu năm đến giờ, khiến nhiệt độ khu vực Bắc bộ nhiều nơi giảm xuống dưới 10 độ C. Tại thủ đô Hà Nội được dự báo khả năng khoảng 70 - 80% có nhiệt độ giảm xuống dưới 10 độ C trong đợt rét đậm, rét hại này. Và khoảng thời gian có nhiệt độ thấp nhất sẽ rơi vào đêm ngày 30 và 31 tháng 12/2020”, Phó Giám đốc Trung tâm dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia cho hay.
Theo ông Hoàng Phúc Lâm, đợt rét đậm, rét hại lần này không kéo dài, dự từ khoảng đêm ngày mùng 2/1 thì nhiệt độ sẽ tăng khá nhanh. Đợt rét này là rét khô, nên rất rét và buốt vào ban đêm nhưng ban trưa sẽ hửng nắng (kể cả hai ngày 30 và 31/12 có thể hửng nắng) chứ không phải là thời tiết âm u. Cho nên cảm giác rét buốt chủ yếu về đêm và sáng sớm.
Đối với các khu vực núi cao như Fansipan thì dự báo lần này nhiệt độ có thể xuống dưới 0 độ C, thấp hơn đợt trước. Tuy nhiên đợt này đặc điểm là mưa ít và độ ẩm thấp hơn so với đợt trước nên mưa tuyết khả năng thấp, nhưng băng giá vẫn có khả năng xảy ra như đợt trước.
Trong đợt này, điều được Trung tâm dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia quan tâm nhất là các em nhỏ và học sinh tiểu học có phải nghỉ học hay không.
“Có thể nói, theo các ngưỡng nhiệt độ thì đúng là đủ điều kiện để cho học sinh nghỉ học, tức là nhiệt độ lúc 6h sáng mà dưới 10 độ C là học sinh cấp tiểu học có thể nghỉ học. Tuy nhiên, có một số vấn đề, thứ nhất đợt rét này là rét khô. Đến khoảng 9-10 giờ sáng nhiệt độ sẽ trên mức 10 độ C, do đó không ảnh hưởng nhiều lắm đến sức khỏe các cháu. Thứ hai, đợt này đang vào đợt thi học kỳ của học sinh nên đây là vấn đề nhạy cảm”, ông Hoàng Phúc Lâm cho hay.
Theo Phó giám đốc Trung tâm dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia: “Nếu được, các trường nên bố trí lùi thời gian của môn thi đó, không phải là tiết 1 mà khoảng tiết 2, tiết 3 hoặc gần cuối giờ buổi trưa, hoặc nếu được thì cho các cháu thi sớm ngay trong 1-2 ngày tới”.