Theo đó các lao động nước ngoài cư trú bất hợp pháp tại Hàn Quốc dưới 5 năm tự nguyện về nước trong khoảng thời gian từ ngày 10/7/2017 đến hết ngày 10/10/2017 sẽ được miễn cấm nhập cảnh Hàn Quốc; Đối với người lao động cư trú bất hợp pháp tại Hàn Quốc từ 5 năm trở lên nếu tự nguyện về nước trong khoảng thời gian nêu trên sẽ được giảm thời giam cấm nhập cảnh xuống còn 1 năm.
Người lao động có thể chủ động làm thủ tục tự nguyện về nước bằng cách khai báo trên website http://www.colab.gov.vn tại mục “Đăng ký khai báo thông tin của người lao động làm việc tại Hàn Quốc”. Sau đó khai báo tự nguyện về nước và làm các thủ tục xuất cảnh tại Văn phòng xuất nhập cảnh ở sân bay. Liên hệ sân bay Incheon: +82-32-7407391/2; sân bay Gimhae: +82-51-979-1300. (trường hợp NLĐ bị thất lạc hộ chiếu hoặc hộ chiếu đã hết hạn, liên hệ với Đại sứ quán Việt Nam tại Hàn Quốc theo địa chỉ: 28-58, Samcheong-dong, Jongno-ku, Seoul, Korea (서울종로구삼청동 28-58), số điện thoại: +82-2-7347948 để xin cấp hộ chiếu/giấy thông hành).
Hàn Quốc miễn, giảm xử phạt đối với lao động bất hợp pháp
Bên cạnh đó, người lao động cũng phải khai báo với chính quyền xã/phường/thị trấn nơi cư trú khi về nước. Hồ sơ khai báo gồm bản sao hộ chiếu/giấy thông hành (trang có ảnh, trang đóng dấu của cơ quan xuất nhập cảnh tại sân bay Hàn Quốc và Việt Nam).
Cục Quản lý lao động ngoài nước cho biết, để được hỗ trợ thông tin và tư vấn thủ tục tự nguyện về nước, người lao động có thể liên hệ với Ban quản lý lao động Việt Nam tại Hàn Quốc (điện thoại: +82-2-3641043/3641049 ) và văn phòng quản lý lao động Việt Nam theo chương trình EPS tại Hàn Quốc (điện thoại: +82-2-3936868/69592466) hoặc Email: hotrolaodong.eps@gmail.com.
Bên cạnh chính sách khuyến khích nêu trên, từ đầu năm 2017, các Cơ quan liên quan của Hàn Quốc cũng tăng cường truy quét đối với lao động cư trú bất hợp pháp bằng các hình thức như: thành lập thêm các đội truy quét, bổ sung nhân lực cho lực lượng truy quét, tăng tần suất của chiến dịch truy quét trong phạm vi toàn quốc liên tục trong thời gian 20 tuần. Tính từ ngày 1/4/2016 đến ngày 31/12/2016, đã có 44.000 người lao động nước ngoài cư trú bất hợp pháp tại Hàn Quốc tự nguyện về nước và trong 5 tháng đầu năm 2017 đã có 14.000 người lao động nước ngoài cư trú bất hợp pháp tự nguyện về nước.
Nâng cao chất lượng lao động Việt nam đi làm thuyền viên tàu cá gần bờ của Hàn Quốc
Cũng theo Cục Quản lý lao động ngoài nước, đơn vị này vừa có buổi làm việc với Đoàn công tác của Hiệp hội Thủy sản Trung ương Hàn Quốc (NFFC), tham gia Đoàn có đại diện của Cơ quan quản lý di trú thuộc Bộ Tư pháp Hàn Quốc. Theo đó, hai bên đã trao đổi về tình hình người lao động Việt Nam đi làm thuyền viên trên các tàu đánh cá gần bờ Hàn Quốc và các biện pháp nhằm nâng cao hiệu quả của chương trình này.
Hiện Hàn Quốc có 8.300 thuyền viên nước ngoài đang làm việc trên các tàu đánh cá gần bờ đến từ Việt Nam, Trung Quốc và Indonesia, trong đó số thuyền viên Việt Nam là hơn 4.000 người, chiếm gần 50%. Tuy nhiên, tình trạng thuyền viên bỏ tàu hoặc hết hạn hợp đồng không về nước, ở lại cư trú bất hợp pháp tại Hàn Quốc đang là vấn đề nổi lên. Để giảm tỷ lệ thuyền viên bỏ trốn, hai bên thống nhất sẽ chỉ đạo các doanh nghiệp phái cử và tiếp nhận tăng cường công tác tuyển chọn, rà soát kỹ nhân thân của thuyền viên và chú trọng rèn luyện ý thức kỷ luật, chấp hành pháp luật bên cạnh việc đào tạo đầy đủ tiếng Hàn cho người lao động trước khi đi.
Đối với vấn đề phí xuất cảnh, phía Việt Nam cũng sẽ đẩy mạnh công tác thông tin cho những người lao động có nguyện vọng đi làm thuyền viên ở Hàn quốc hiểu rõ, đồng thời chỉ đạo các doanh nghiệp thực hiện đúng quy định của hai bên và có biện pháp kiểm soát chặt chẽ các khoản phí người lao động phải nộp trước khi đi. Hai bên cũng thống nhất sẽ tăng cường trao đổi thông tin về việc này, nếu phía Hàn Quốc phát hiện các trường hợp thu phí cao thì thông tin cho Cục QLLĐNN biết để có biện pháp xử lý kịp thời.
Bên cạnh đó phía Hàn Quốc khẳng định cũng sẽ tăng cường các biện pháp giám sát và chế tài nhằm đảm bảo các chủ tàu thực hiện đúng các điều khoản hợp đồng đã ký kết với thuyền viên.