Quay lại Dân trí
Dân sinh
  1. Diễn đàn Dân sinh

Miếng ghép khuyết của PAPI


 
                         Một buổi tọa đàm về nâng cao hiệu quả công tác quản trị hành chính công thông qua chỉ số PAPI.
                              
Nhóm người khuyết tật tham gia phỏng vấn còn rất khiêm tốn
 
Vừa qua, chúng ta đã tổ chức nhiều hoạt động nhân dịp 10 năm PAPI hoạt động tại Việt Nam. Chỉ số PAPI đánh giá trải nghiệm và cảm nhận của người dân về hiệu quả của các cấp chính quuyền trong thực hiện vai trò quản lý nhà nước, thực thi chính sách, pháp luật, cung ứng dịch vụ hành chính và dịch vụ công căn bản tới mọi người dân.
 
Trong báo cáo PAPI năm 2018 có hơn 14.300 người dân được chọn ngẫu nhiên để phỏng vấn trong nghiên cứu “Chỉ số hiệu quả quản trị và hành chính công cấp tỉnh năm 2018”. Trong số phỏng vấn đó, có 84,54% là người Kinh, các thành phần dân tộc khác chiếm 15,46%. 
 
Theo Thạc sĩ Đỗ Thanh Huyền - Cán bộ chương trình phát triển của Cao ủy Liên hợp quốc tại Việt Nam, thành viên nòng cốt của đoàn nghiên cứu đánh giá PAPI: Số lượng người khuyết tật mà chúng tôi gọi chung là những người có khó khăn, theo đánh giá PAPI 2018 đều đảm bảo có tiếng nói của nhóm khó khăn về nghe, nhìn, đi lại. Riêng tỷ lệ người khuyết tật vận động tham gia trả lời phỏng vấn là 15,7%, sau đó là đến nhóm khuyết tật liên quan đến nhìn (bao gồm cả người khiếm thị và người già).
 
Nhưng vẫn phải thừa nhận nhóm khuyết tật tham gia phỏng vấn còn rất khiêm tốn, tại Lễ công bố PAPI 2018, chúng tôi đã mời các phiên dịch ngôn ngữ ký hiệu để nhóm khiếm thính có thể biết được nội dung của buổi lễ, nhưng đáng tiếc chưa có bản công bố PAPI bằng chữ Braille cho nhóm khiếm thị và cung cấp được các bản dịch ra tiếng dân tộc cho cộng đồng dân tộc có chữ viết và ngôn ngữ riêng.
 
Để người khuyết tật tự tin hơn, theo chị Huyền, có các vấn đề: Thứ nhất là bản thân người khuyết tật khi được mời tham gia khảo sát, họ cũng chủ động là những người từ chối tham gia vì nhiều lý do, trong đó có lý do mặc cảm - Lý do họ bị “giam trong cái vỏ vì sự kỳ thị của cộng đồng” mà trên nguyên tắc chung cho nghiên cứu về khảo sát xã hội học không chỉ của riêng đoàn đánh giá PAPI mà nhiều tổ chức vẫn thực hiện là để cho người dễ tổn thương có quyền được lựa chọn là có tham gia nghiên cứu hay không mà không cố nài ép. Thứ hai là  địa điểm tổ chức phỏng vấn với người dân cũng là địa điểm tập trung, trong khi chúng tôi lại muốn tách những người trả lời ra khỏi những người thân hoặc là những người có chức sắc, để tránh sự can thiệp về mặt suy nghĩ và cách trả lời. Chính vì thế, thông thường sẽ mời họ ra các trường học hoặc là nhà sinh hoạt thôn hoặc là tổ dân phố để có thể trao đổi với người dân một cách tập trung. Đó  cũng là một trong những lý do khiến cho việc di chuyển của những nhóm dễ bị tổn thương, trong đó có người khuyết tật, sẽ khó khăn hơn rất nhiều. 


Người khuyết tật tự tin hơn trong các hoạt động xã hội.
 
Miếng ghép của những người dễ tổn thương
 
Trong câu chuyện, chị Huyền cũng thừa nhận rằng: Thực sự đảm bảo hơn 14.000 người tham gia phỏng vấn PAPI có mọi thành phần trong xã hội từ người dân tộc thiểu số đến người khuyết tật hay là người lao động di cư là một vấn đề rất khó và chúng tôi vẫn trăn trở về vấn đề này. Mẫu đánh giá PAPI chưa đủ lớn để có thể nhìn xem góc nhìn của người trong nhóm khó khăn đó như thế nào so với những người không gặp khó khăn. Vì mẫu quá bé để có thể nhìn ra được một xu hướng để có thể nhận xét rằng, người khuyết tật hay là người khó khăn có quan điểm khác như thế nào đối với người bình thường. Chính vì thế,  chúng tôi cũng không muốn phân bổ ra, bởi vì phân bổ ra lại chính chúng ta tự tạo ra những khoảng cách về phân biệt đối xử đối với 14.000 người còn lại.
 
Trong công bố PAPI năm 2018 có một điểm mới mà PAPI đang hướng đến, đó là chính phủ điện tử, quản trị bằng điện tử. Nhưng theo các báo cáo thì có một số nhóm, do những rào cản của xã hội nên họ không thể tiếp cận được với hệ thống giáo dục. Vì vậy, việc họ tiếp cận với chính phủ điện tử hoặc là họ có thể lấy nguồn tin trên Internet là thực sự khó khăn. Chúng ta cũng lưu ý rằng, chỉ có khoảng 5% đến 16% số người có thể sử dụng các cổng thông tin điện tử để tìm hiểu thông tin về thủ tục hành chính. Vậy thì rõ ràng rất cần nỗ lực của Chính phủ. Ở  đây, câu chuyện của việc đầu tư cho công nghệ và phát triển chính phủ điện tử, nó dường như mới chỉ là một chiều từ phía Nhà nước cho các cơ quan chức năng, chứ chưa nhìn ra khía cạnh người dùng ra sao. 
 
Sau 10 năm thực hiện, bức tranh đa sắc của PAPI đã có nhiều điểm sáng, đó là  nhờ những điểm chấm của người dân khiến cán bộ phải thay đổi cách quản trị và thủ tục hành chính công. Tuy nhiên, bức tranh đó vẫn khiếm khuyết một miếng ghép nhỏ - miếng ghép của những người dễ tổn thương.
 
Trong 10 năm hoạt động (từ 2009 - 2018), PAPI đã thu thập và phản ánh trải nghiệm của 117.363 lượt người dân thông qua phỏng vấn trực tiếp. Từ năm 2018, PAPI gồm 8 chỉ số nội dung, gồm 6 chỉ số nội dung gốc (tham gia của người dân ở cấp cơ sở; công khai, minh bạch; trách nhiệm giải trình với người dân; kiểm soát tham nhũng trong khu vực công, thủ tục hành chính công; và cung ứng dịch vụ công) và 2 chỉ số nội dung mới (quản trị môi trường và quản trị điện tử). 

Trần Quốc Nam/TC GĐ&TE