Với người Việt, trầu cau là biểu hiện của phong cách Việt, vừa là thể hiện tình cảm dân tộc độc đáo. Miếng trầu thắm têm vôi nồng cùng cau bổ tám bổ tư , vỏ chay rễ quạch luôn là sự bắt đầu, khơi mở tình cảm. Không biết tự bao giờ miếng trầu đã đi vào tâm thức người Việt Nam và trở nên thật gần gũi. Và với các nam nữ thanh niên xưa thì nó là cội nguồn để bắt đầu tình yêu, bắt đầu câu hát, để vào với hội làng, hội nước.
Ảnh minh họa.
Trầu cau nhai làm một, miếng trầu có cái chát từ hạt cau, cái cay của lá trầu, cái nồng nàn của vôi, cái bùi của rễ... Quý nhau mời trầu, ghét nhau theo phép lịch sự cũng mời ăn trầu. Miếng trầu, làm cho người ta gần gũi, cởi mở với nhau hơn. Miếng trầu cũng làm người ta ấm lên trong những ngày đông lạnh giá, làm nguôi bớt nỗi buồn khi nhà có tang. Miếng trầu còn là sự thể hiện lòng thành kính của thế hệ sau với các thế hệ trước cho nên trên mâm cỗ thờ cúng gia tiên của người Việt có trầu cau. Trong ngày tết luôn luôn có đĩa trầu cau trên các bàn thờ để cầu tài lộc cho năm mới. Cau thờ phải chọn trái cau xanh, to, cùi dày, vỏ mỏng. Trầu chọn lá trầu xanh, to không bị rách. Ngoài ra trầu cau còn để tiếp khách đến chúc xuân đầu năm.
Trong hôn nhân, trầu cau có một vai trò quan trọng. Tuy chỉ "Ba đồng một mớ trầu cay" nhưng "Miếng trầu nên dâu nhà người". Trong lễ cưới, hỏi và mâm cỗ cúng tơ hồng - vị thần của hôn nhân, bao giờ cũng phải có buồng cau và tệp lá trầu. Người ta xem buồng cau có đẹp không, cuống lá trầu có tươi không mà ước đoán được rằng đôi lứa ấy có đẹp duyên không. Theo tục lệ, nhà ai có con gái gả chồng, sau khi ăn hỏi xong cũng đem trầu cau biếu hàng xóm và bà con nội ngoại. Vì miếng trầu là tục lệ, là tình cảm nên ăn được hay không cũng không ai từ chối.
Trầu cau còn đi vào giấc ngủ của con người từ ngày này qua năm khác và hiển nhiên đi vào cuộc sống sinh hoạt của người Việt bằng những câu ví, câu đố, ca dao, ngạn ngữ, tục ngữ dân gian, những câu hát trao duyên, câu hát mời trầu của trai gái. Bên cạnh những “vôi nồng”, “miếng trầu cánh phượng”, “cau bổ bốn bổ ba”, là những “trầu giải yếm giải khăn”, “trầu loan, trầu phượng, trầu tôi trầu mình” là những “trầu tính trầu tình”, “trầu nhân, trầu ngãi”... để rồi thành “trầu mình lấy ta”, “trầu nên vợ nên chồng”...
Ăn trầu là phong tục cổ xưa của dân tộc Việt Nam có từ thời các vua Hùng, cùng với tục nhuộm răng đen. Với người con gái Việt Nam xưa, vào tuổi dậy thì, biết ăn trầu để làm dáng, cho môi đỏ, má hồng một cách tự nhiên. Ngày nay để răng trắng, nhiều người không ăn trầu nữa, vẻ đẹp môi đỏ, má hồng, răng đen được thay bằng môi son, má phấn, răng trắng. Nhưng quan niệm về vẻ đẹp của con người ở mỗi dân tộc, mỗi thời đại đều có những nét chung không thể biến đổi.
Ảnh minh họa.
Mai này không biết có còn thấy được những người đàn bà thong thả nhai trầu. Còn ít ỏi lắm những cụ bà còn gắn với duyên nghiệp trầu cau. Rồi họ cũng sẽ lần lượt đi theo tiếng gọi của đất. Song chút hương xưa, chút duyên thầm của nét văn hóa này còn đó. Còn một mạch ngầm toả lan trong dòng máu của người Việt Nam không dễ gì mai một. Tục ăn trầu vẫn sẽ là một phong tục đẹp tồn tại trong tâm thức người Việt hôm nay và mãi về sau.