JobStreet.com Việt Nam chính thức ra mắt từ tháng 3/2012, tính đến điểm hiện tại đã hơn 2 năm hoạt động. Trước đó, trang gốc JobStreet.com được thành lập vào năm 1997 với chức năng là mạng quảng cáo việc làm. Hiện JobStreet.com đang giữ vị trí số 1 ở Đông Nam Á, có phạm vi hoạt động tại các quốc gia như: Malaysia, Singapore, Phillipines, Indonesia và Việt Nam.
Đại diện JobStreet.com nhận định về thị trường lương ở Việt Nam
Theo khảo sát gần đây nhất của JobStreet.com, 80% lao động không hài lòng về mức lương hiện tại, 53% cho rằng họ nhận mức lương thấp hơn thị trường. Điều này xuất phát từ thực tế người lao động chưa nắm rõ thông tin về mức lương trên thị trường hiện nay.
Để nâng cao nhận thức của người lao động về mức lương khi tham gia tuyển dụng, JobStreet.com sẽ công bố bảng Báo cáo lương với các thông tin đầy đủ về mức lương theo ngành nghề cũng như cấp bậc của thị trường lao động Việt Nam hiện nay.
Công bố khảo sát mức lương ở Việt Nam so với các nước trong khu vực
Nội dung Báo cáo lương là bảng thống kê đầy đủ mức lương thực tế từ hơn 60.000 việc làm được đăng tuyển trên JobStreet.com, làm cơ sở để người lao động tham khảo, góp phần tạo nên sự minh bạch về mức lương trong tuyển dụng lao động ở Việt Nam
Theo đại diện của JobStreet.com cho biết, người lao động luôn có xu hướng nâng cao kỹ năng để phù hợp với yêu cầu công việc để nhận một mức lương cao hơn. Chính vì vậy, minh bạch mức lương sẽ giúp cho người lao động trau dồi kiến thức, học hỏi để hoàn thiện bản thân.
Minh bạch mức lương còn góp phần nâng cao chất lượng mặt bằng thị trường lao động Việt nam, từ đó xây dựng một thị trường lao động mang tính cạnh tranh so với các nước khác.
Bà Angie SW Phang - Tổng giám đốc JobStreet.com Việt Nam phát biểu trong họp báo
Giải đáp thắc mắc của một số phóng viên báo đài về chuyện minh bạch mức lương trong tuyển dụng, liệu có phù hợp với văn hóa doanh nghiệp Việt Nam cũng như doanh nghiệp FDI. Trả lời câu hỏi này, bà Angie SW Phang - Tổng giám đốc JobStreet.com Việt Nam cho biết: “ Mức lương là chuyện khá nhạy cảm của người lao động và nhà tuyển dụng ở Việt nam, cả hai đều khá thận trọng khi đề cập vấn đề này. Tuy nhiên, đây chỉ là khó khăn trước mắt của nhà tuyển dụng do ảnh hưởng bản sắc văn hóa địa phương, về lâu về dài nên có giải pháp thông tin minh bạch đến người lao động. Theo tôi, mỗi công ty có nhiều chiến lược khác nhau trong việc tuyển dụng cũng như giữ chân người lao động. Cụ thể, một số công ty hướng đến tiền lương, số khác thì tập trung vào khâu đào tạo để nâng cao kỹ năng cho người lao động, số còn lại thì giao quyền nhiều hơn cho các nhân viên sau tuyển dụng. Chính vì vậy, minh bạch mức lương không phải là rào cản trong việc tuyển dụng cũng như giữ chân lao động”.