Khi núi rừng phảng phất sắc xuân, cùng với mận, mai, lê, mơ cũng bắt đầu đơm hoa. Xuân có Tết, người ta tìm hoa đào thì cũng tìm hoa mai, hoa lê chơi Tết, nhãng quên đi hoa mơ. Mà cũng có thể do thứ hoa đậu quả quý mà người ta không có thú chơi hoa mơ. Tháng giêng qua đi, khi nắng lên, nhưng nồm vẫn còn ẩm, người ta đã hỏi: -Có mơ chưa nhỉ? Và ngóng.
Cuối tháng 2 lác đác có mơ lứa đầu, quả nhỏ - chắc là khi đậu quả gặp rét. Tháng 3 là khi mơ rộ. Mơ chín vàng, trăm quả như một. Mơ bán nhiều ở chợ tỉnh, chợ đầu mối, cánh hàng rong mua buôn đem đi khắp phố bán lẻ. Mùi quả chín thơm mát, thanh khiết. Có lẽ do tiết xuân ngưng đọng mà mơ cho mùi hương này. Chọn mua mơ, chưa hẳn ngâm là uống hết trong năm, mà năm nọ gối năm kia.
Xưa mơ quí, đếm chục, đếm trăm mà bán mua. Chợ làng không mấy khi có loại quả này, có thể vì mơ hiếm, cũng có thể vì đường hiếm nên không phải nhà nào cũng có điều kiện ngâm mơ mỗi mùa.
Mẹ tôi thường phải nhờ người áp tải hàng bách hóa mua mơ tận miền ngược, hay chợ Bắc Qua. Mơ đem về ngâm rửa 3 lần bằng nước mưa, tráng nước đun sôi để nguội, để ráo nước xong lấy kim băng gậy lúm, loại bỏ những quả sứt sẹo. Chị em chỉ chờ có thế, vồ lấy, hít hà quả mơ nhỏ xinh trong tay mãi rồi mới dám khe khẽ cắn ăn. Thứ quả thơm ấy chua, ngăm đắng, không róc hạt. Thịt mơ dính nhiều, nên phải ngậm mãi cái hạt nhỏ, rồi cắn vỡ đôi hạt ấy, ăn nhân hạt thì mới coi là ăn xong quả mơ.
Đám quả mơ lành, được ngâm trong cái lọ thủy tinh gia công thổi đầy bọt, một lớp mơ, một lớp đường. Tối nào nhà ngâm mơ như một sự kiện, tôi nhìn chăm chú ko bỏ sót một thao tác nào của mẹ cho đến khi mơ đã đầy bình, phủ đường cát lần cuối, miệng bình bọc ni - lông, xong lại trùm một ni - lông một lần nữa phòng kiến, gián.
Lọ mơ cất trong góc khuất, tránh sáng, thế nhưng trẻ con thường “khiêng” ra xem mỗi ngày. Đường tan, mơ quắt lại, thịt mơ hòa với đường cát cho ra thứ nước chua ngọt, thơm phưng phức.
Xưa, nước mơ là vị thuốc trước sau mới tính đến giải khát. Nước mơ cốt uống khi lạnh bụng, chả cần thuốc thang gì, làm chén nước mơ cốt là khỏi ngay. Nước mơ pha ấm uống giải cảm, còn nước mơ pha loãng uống ngày hè thì khiến bọn trẻ bị mê hoặc, nhớ cho đến tận giờ, khi mà tóc đã bạc.
Vì thế, nay dù có trăm thứ thức uống, người ta vẫn dành thời gian ngâm bình mơ. Nay mơ cũng nhiều và rẻ, nhiều người còn ngâm rượu mơ. Mỗi người một công thức, nhưng thường là mơ, đường phèn và rượu nếp cái. Rượu mơ thơm, sánh vàng, dậy mùi quả, phảng phất mùi rượu nếp ta, rất Việt Nam. Uống say và nhớ cái kiểu say rất ngọt, rất riêng mà khó có loại rượu nào có kiểu say như thế. Say mà người ta vẫn nhớ và hỏi mua hay tìm cách ngâm cho kì được.
Mơ Chùa Hương, mơ Yên Tử luôn được khách hành hương lựa chọn, vì đây là giống mơ quý và quý hơn nữa là quả được đậu chốn linh thiêng, nơi Phật ngự. Rừng mơ trải dài vang vọng tiếng kinh nhà Phật, phiêu du những suy nghĩ thiện lành của kẻ hành hương.
Mơ Chùa Hương, mơ Yên Tử luôn được khách hành hương lựa chọn, vì đây là giống mơ quý và quý hơn nữa là quả được đậu chốn linh thiêng, nơi Phật ngự. Rừng mơ trải dài vang vọng tiếng kinh nhà Phật, phiêu du những suy nghĩ thiện lành của kẻ hành hương. Họ đến đây mong ước thanh lọc tâm hồn, thiền định, mùa hoa mơ, mùa đậu trái, hay mùa chắt chiu nhựa sống của cây, họ cũng đã gửi ở nơi chốn này những ước nguyện thành thật.
Mùa mơ không dài, nắng hạ bừng lên là vãn mùa, mơ đá, mơ má hồng đều đã hết, ai chưa kịp mua sẽ phải đợi mãi đến tận năm sau. Đôi người tiếc mùa mơ bị nhãng quên như thể tiếc những mùa Xuân đã vội qua. Đã bao lần mơ, chạm vào ước mơ, thế rồi không có duyên mà giữ lại được. Dòng chảy vô tâm của tháng ngày, của số phận khiến ước mơ không trở lại. Tháng ngày buồn tênh. Những mơ ước sau không bao giờ nóng ấm như xưa, đến vòng tay ôm cũng khác. Mọi điều chỉ còn trong mơ, nhưng biết làm sao, thế mới là con người gánh số phận của mình trên vai.
Ngâm một bình mơ độ cuối xuân trong nhà là giữ lại hương vị xuân ngọt ngào cho cả những mùa sau, là tìm thấy cả những mùa xuân xa lắc, có giấc mơ của mình thủa thanh tân.
Đôi khi tôi lại chế rượu mơ uống chơi, thấy đất trời xứ mình diệu kì, lấp lánh trong men say.
Xưa, nước mơ là vị thuốc trước sau mới tính đến giải khát. Nước mơ cốt uống khi lạnh bụng, chả cần thuốc thang gì, làm chén nước mơ cốt là khỏi ngay. Nước mơ pha ấm uống giải cảm, còn nước mơ pha loãng uống ngày hè thì khiến bọn trẻ bị mê hoặc, nhớ cho đến tận giờ, khi mà tóc đã bạc.
Nguyễn Minh Hoa/GĐTE