Tiềm năng dồi dào
Mộ Đức có lẽ là huyện đầu tiên ở tỉnh Quảng Ngãi mạnh dạn gọi mời các nhà khoa học đến khảo sát. Theo thống kê, trong vòng 3 năm qua đã có hàng chục đoàn các nhà khoa học trong và ngoài nước đến với mảnh đất quê hương của Cố Thủ tướng Phạm Văn Đồng để khảo sát thực địa về tiềm năng cũng như đưa ra những định hướng phát triển.
Vậy họ tìm gì ở mảnh đất này. Câu trả lời là: Mộ Đức là địa phương có tiềm năng về nông nghiệp, và một điều quan trọng: thổ nhưỡng của vùng đất này hoàn toàn phù hợp để nông nghiệp hữu cơ phát triển. Ông Trần Văn Mẫn-Chủ tịch UBND huyện Mộ Đức chia sẻ: Làm việc với nhiều nhà khoa học xong tôi mới vỡ ra được nhiều điều từ họ rằng, Mộ Đức là có lẽ là huyện duy nhất ở Quảng Ngãi còn lưu trữ được diện tích đất sạch như vậy. Với một số địa phương khác, để tạo ra một quĩ đất sạch như vậy phải mất nhiều năm mới có được.
Thu hoạch cây Măng tây tại xã Đức Thắng huyện Mộ Đức
Không phải ngẫu nhiên mà một doanh nghiệp hàng đầu của Việt Nam là Vinamilk lại chọn Mộ Đức để đầu tư một trang trại nuôi bò sữa qui mô trên diện tích 100ha với số vốn đầu tư là 700 tỷ đồng. Xã Đức Phú, nơi Vinamilk chọn làm vị trí xây dựng trang trại hiện nay đã hội tụ nhiều điều kiện khắt khe mà họ đưa ra như nguồn nước sạch, diện tích đất nơi đây vốn chỉ chủ yếu trồng mía và củ mì, những giống cây trồng hầu như phát triển tốt mà không cần bón phân và phun thuốc trừ sâu, ông Mẫn thông tin.
Ông Trần Văn Mẫn-Chủ tịch UBND huyện Mộ Đức
Ngoài ra, Mộ Đức còn một loạt các xã ven biển như xã Đức Phong, Đức Minh, Đức Thắng cũng còn quĩ đất sạch để phát triển nông nghiệp hữu cơ. Lợi thế của các địa phương này là quĩ đất cũng chủ yếu trồng mía, mì, khoai... nên dư lượng thuốc trừ sâu và các phân vô cơ khác không có nhiều trong đất. Chính vì vậy, nhiều nhà đầu tư đã lựa chọn các địa phương này để phát triển dự án nông nghiệp sạch như trồng cây Măng tây, trồng Nấm, Lúa VietGap và các loại rau-củ-quả… Theo các nhà khoa học Nhật Bản, Mộ Đức có được những may mắn khi còn tồn giữ được quĩ đất như thế. Vì thế, Mộ Đức đã có thể bắt tay ngay vào việc phát triển nông nghiệp hữu cơ, trong khi với những vùng đất nông nghiệp vô cơ khác, nhất là đất ruộng, khi muốn chuyển sang hữu sơ ít nhất cũng phải mất 5 năm để rửa sạch các chất vô cơ trong đất.
Điển hình cho việc đầu tư vào nông nghiệp sạch là trong sự kiện Xúc tiến đầu tư năm 2019 do UBND huyện Mộ Đức tổ chức nhân Kỷ niệm 44 giải phóng huyện nhà, Hiệp hội Savior Japan và Tập đoàn Trần Việt đã ký kết thỏa thuận hợp tác chuyển giao công nghệ và tiêu thụ sản phẩm nông sản nông nghiệp Organic.
Tập đoàn Trần Việt và Hiệp hội Savior Japan ký kết đầu tư, hợp tác và triển khai dự án đầu tư công nghệ sản xuất-tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp theo công thức SUZUKI.
Hơn 1 năm qua, Tập đoàn Trần Việt đã cùng với Hiệp Hội Savior Japan tiến hành khảo sát các điều kiện tự nhiên như khí hậu, lượng mưa, độ ẩm và thổ nhưỡng, để đưa ra kết luận vùng đất tại huyện Mộ Đức thích hợp cho canh tác nông nghiệp theo hướng nông nghiệp công nghệ cao. Chính vì lý do đó, nhân sự kiện xúc tiến đầu tư, Tập đoàn Trần Việt và Hiệp hội Savior Japan đã thống nhất đầu tư, hợp tác và triển khai dự án đầu tư công nghệ sản xuất-tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp theo công thức SUZUKI.
Ông Mr.Imachi - Giám đốc kinh doanh của Hiệp hội Savior Japan cho biết: Hiện nay, với các công trình nghiên cứu của giáo sư SUZUKI về “quy trình công nghệ tuần hoàn carbon” sẽ hạn chế hoàn toàn các chất độc hại trong sản phẩm cũng như kim loại nặng. Và, công nghệ sản xuất rau củ quả mới nhất hiện nay của Nhật Bản đã được công bố trên toàn thế giới. Dự kiến, Hiệp Hội Savior và Tập Đoàn Trần Việt sẽ mở rộng quy mô sản xuất tại huyện Mộ Đức trên diện tích khoảng 500-600ha, giải quyết việc làm cho hàng trăm lao động tại địa phương.
Phát huy tiềm năng sẵn có
Báo cáo của UBND huyện Mộ Đức cho thấy, trong hai năm (2017-2018), toàn huyện có 56 dự án được chấp thuận đầu tư, với tổng vốn đăng ký gần 3.000 tỷ đồng. Đến nay đã có 34 dự án được UBND tỉnh Quảng Ngãi ban hành Quyết định chủ trương đầu tư. Trong đó, có 24 dự án thuộc lĩnh vực công nghiệp, thương mại – dịch vụ, đô thị và 10 dự án thuộc lĩnh vực nông nghiệp.
Các nhà khoa học Nhật Bản tham quan một số mô hình nông nghiệp hữu cơ tại huyện Mộ Đức
Không chỉ chú trọng phát triển nông nghiệp, thương mại, Mộ Đức còn được xem là địa phương có tiềm năng rất lớn về du lịch khi địa phương có địa hình trải dài từ núi-đồng bằng và biển. Phát huy những lợi thế này, du lịch Mộ Đức sẽ thu hút không nhỏ lượng du khách. Điểm nhấn của du lịch khi đến Mộ Đức là quần thể khu nhà lưu niệm Cố Thủ tướng Phạm Văn Đồng, sau đó là chuỗi du lịch biển kéo dài qua 5 xã từ Đức Thắng đến Đức Phong, ở đồng bằng là suối khoáng nóng Đức Lân. Mộ Đức cũng là địa phương có trục giao thông liên kết vùng giữa Tây nguyên và Quảng Ngãi thông qua quốc lộ 24B.
Với mong muốn xây dựng nguồn nhân lực phục vụ cho huyện nhà trong những năm đến, hiện tại huyện Mộ Đức đã và đang xúc tiến với trường đại học Tôn Đức Thắng-TPHCM xây dựng và chuyển giao công nghệ làm nông nghiệp sạch. Cử cán bộ đi học các lớp bồi dưỡng kiến thức về công nghệ hóa sinh tiên tiến. Đặc biệt, Trường đại học Tôn Đức Thắng sẽ chuyển giao giáo trình và bồi dưỡng kiến thức cho giáo viên các trường THCS trên địa bàn huyện về giáo trình giảng dạy ở bậc phổ thông cơ sở từ Cộng hòa Phần Lan. Đây được xem là một trong những bộ giáo trình tiên tiến hiện đang được nhiều nước phát triển trên thế giới áp dụng.
Một góc quần thể khu lưu niệm Cố Thủ tướng Phạm Văn Đồng tại huyện Mộ Đức
Một trong những tiêu chí hàng đầu của huyện Mộ Đức hiện nay là chú trọng cải thiện môi trường đầu tư thông thoáng, nhất là cải cách thủ tục hành chính đảm bảo công khai, minh bạch theo hướng có lợi cho doanh nghiệp. Trong thời gian tới, huyện Mộ Đức sẽ tiếp tục kêu gọi, xúc tiến đầu tư vào các lĩnh vực: Nông nghiệp, công nghiệp – Xây dựng, thương mại – dịch vụ. Phấn đấu đến năm 2020, huyện Mộ Đức sẽ là huyện khá của tỉnh Quảng Ngãi, với tốc độ tăng trưởng bình quân hàng năm khoảng 19%, Chủ tịch UBND huyện Mộ Đức –Trần Văn Mẫn nhấn mạnh.