Cán bộ, chiến sĩ Đoàn kinh tế quốc phòng 356 đào bới vị trí khả nghi tìm người mất tích trên khu vực suối Tênh Hồ. ẢNH: LÒ TÂM
Mưa ngớt, trời nắng trở lại ở khắp các xã Dào San, Pa Vệ Sử, Vàng Ma Chải (H.Phong Thổ, tỉnh Lai Châu) nhưng lực lượng chức năng địa phương vẫn đối mặt với đầy rẫy khó khăn, thách thức trong nỗ lực tìm kiếm cứu nạn và khôi phục đường giao thông vào rốn lũ Vàng Ma Chải.
Chồng con giờ ở nơi đâu ?
Ngày thứ ba được điều trị tại Trạm y tế xã Vàng Ma Chải, chị Chẻo Tả Mẩy, nhà ở bản Nhóm 2, đã dần tỉnh táo trở lại và có thể nói chuyện. Câu chuyện giữa chúng tôi với chị Mẩy phải thông qua phiên dịch khi người phụ nữ này chỉ bập bẹ được ít tiếng Kinh và giọng còn yếu vì bị gãy chân, đa chấn thương sau khi được cứu ra trong vũng bùn đất vào chiều 3/8.
Nhớ lại thời khắc trước khi tai họa ập xuống, chị Mẩy cho biết mưa từ sáng sớm 3/8 và càng về trưa thì càng mưa to. Nhà chị ngay ven đường giao thông chạy liên xã, trưa hôm đó cũng có khách đi đường vào trú mưa. Đến khoảng 1 giờ 30, vợ chồng chị Mẩy nghe những âm thanh từ bên ngoài dội lại, theo phản xạ chị Mẩy ôm lấy cháu, chồng ôm con gái út rồi hô khách chạy ra ngoài. Nhưng đất đá từ đồi ập xuống cuốn vào khe suối gần nhà, chị Mẩy cùng cháu bị ngã lộn vài vòng thì bị mắc kẹt lại nên được cứu sống. “Tôi và cháu may mắn thoát chết trong gang tấc nhưng giờ chồng và con gái út chưa biết ở nơi đâu?”, chị Mẩy nói. Dù bị thương khắp người nhưng mỗi khi tỉnh táo, người phụ nữ này liên tục hỏi về chồng con.
Ngay cả những người dân ở xã Vàng Ma Chải giờ cũng khó khăn ra bản Nhóm 1 sau khi bị lũ ống, sạt lở đất tàn phá đến tan hoang, chỉ còn một vài ngôi nhà chơ vơ giữa vết sạt loang lổ. Trong khi đó, công tác tìm kiếm cứu nạn 6 người còn mất tích gặp rất nhiều khó khăn.
Chỉ huy lực lượng chủ công tham gia tìm kiếm cứu nạn tại xã Vàng Ma Chải những ngày vừa qua, đại tá Lò Văn Tâm, Phó chính ủy Đoàn kinh tế quốc phòng 356, Quân khu 2 đóng tại xã Pa Vệ Sử (H.Phong Thổ, tỉnh Lai Châu) cho biết ngoài bộ phận trực tại đơn vị toàn bộ cán bộ chiến sĩ đơn vị được huy động đến các xã bị thiệt hại do sạt lở đất và lũ quét, trong đó tập trung nhiều nhất cho xã Vàng Ma Chải để tìm người mất tích. Công việc này gặp rất nhiều khó khăn khi địa hình có độ dốc lớn, hiểm trở và những vết sạt lở dài hàng cây số, đất đá quá nhiều.
“Không thể sử dụng máy móc, cán bộ, chiến sĩ dùng cuốc xẻng đào bới tay không nhưng chúng tôi không từ bỏ bất cứ vị trí, khu vực khả nghi nào để tìm kiếm những người còn mất tích khi người thân họ đang ngóng đợi từng giờ”, đại tá Tâm nói.
Trong ngày 5/8, vùng tìm kiếm những người mất tích ở bản Nhóm 1 đã được mở rộng dọc theo suối Tênh Hồ và khu vực sông Nậm Na có sự tham gia của gần 200 người gồm Đoàn kinh tế quốc phòng 356, cán bộ chiến sĩ các đồn biên phòng Dào San, Sì Lờ Lầu và Công an H.Phong Thổ nhưng chưa có thêm nạn nhân nào được tìm thấy.
Đường vào xã Vàng Ma Chải (H.Phong Thổ, tỉnh Lai Châu) bị sạt lở, cắt đứt nhiều đoạn. ẢNH: MINH ANH
Làm ngày đêm để sớm thông đường
Sau nhiều ngày nỗ lực để san gạt đất đá mở đường tiến vào vùng rốn lũ Vàng Ma Chải nhưng đoạn đường cuối từ xã Pa Vệ Sử đến xã Vàng Ma Chải thực sự là thách thức lớn nhất của các lực lượng tham gia khắc phục giao thông được UBND H.Phong Thổ điều đến hiện trường.
Giao thông chia cắt khiến công tác khắc phục hậu quả, tiếp tế lương thực vào vùng rốn lũ gặp nhiều khó khăn. Trong ngày, nhiều đoàn cứu trợ cố gắng tiếp cận xã Vàng Ma Chải nhưng chỉ đi được đến Mù Sang, chưa thể đi vào các xã Dào San, Vàng Ma Chải để chia sẻ với đồng bào mất tài sản, nhà cửa sau mưa lũ. Khi đoạn đường dài khoảng 10 km này vẫn đang ngập ngụa giữa bùn đất, đá tảng khiến nó bị chia cắt thành nhiều đoạn.
Trả lời Thanh Niên, ông Trần Văn Quế, Chủ tịch UBND H.Phong Thổ, cho biết đến cuối giờ chiều qua 5.8, quãng đường bị cô lập để vào xã Vàng Ma Chải rút ngắn xuống còn 6 km. Nhưng đây cũng là đoạn đường “khó nhằn” nhất, với nhiều đoạn bị mưa lũ cắt đứt, lún sụt toàn bộ. Bên cạnh công tác tìm kiếm người mất tích thì khắc phục đường giao thông là ưu tiên lớn nhất, tập trung tối đa về lực lượng phương tiện để dọn bùn đất, phá đá vướng trên mặt đường. Đối với những đoạn đường bị lún sụt, UBND H.Phong Thổ huy động lực lượng, phương tiện mở đường tạm sang phía ta luy dương để người dân có đường đi lại đảm bảo an toàn.
“Phương án tối ưu khắc phục đường vào Vàng Ma Chải hiện giờ là huy động máy móc cùng dọn dẹp ở cả hai phía, từ ngoài tiến vào trong và từ trong xã ra bên ngoài. Các đơn vị, phương tiện máy móc nỗ lực làm suốt ngày đêm để sớm thông đường vào đến trung tâm xã Vàng Ma Chải”, ông Quế nói.
Khẳng định UBND H.Phong Thổ đang dốc toàn lực để khắc phục được thông đường, nhưng theo ông Quế thì phải mất từ 1 - 2 ngày nữa, đường vào xã Vàng Ma Chải mới có thể thông trở lại.
Cảnh báo sạt lở ở hạ lưu sông Đà, Bắc bộ giảm mưa Trong ngày 5.8, thủy điện Hòa Bình và Lai Châu đã lần lượt mở các cửa xả lũ theo lệnh của Ban Chỉ đạo T.Ư về phòng chống thiên tai. Ông Trần Quốc Toản, Chánh văn phòng Ban Chỉ huy phòng chống thiên tai tìm kiếm cứu nạn tỉnh Hòa Bình, cho biết tỉnh đã có cảnh báo các địa phương theo dõi chặt chẽ diễn biến sạt lở vùng hạ lưu sông Đà, đặc biệt là khu vực tổ 26, P.Đồng Tiến, TP.Hòa Bình và xóm Máy Giấy, xã Dân Hạ, H.Kỳ Sơn đã ghi nhận xuất hiện sạt lở trong ngày 30.7 vừa qua. Cũng theo Trung tâm dự báo khí tượng thủy văn quốc gia, Tổng cục Khí tượng thủy văn (Bộ TN-MT), dải hội tụ nhiệt đới đã suy yếu thành áp thấp. Khi kết hợp với gió mùa tây nam, nó gây mưa giông, gió giật mạnh ở các vùng biển nam Biển Đông, bao gồm quần đảo Trường Sa; vùng biển từ Bình Thuận đến Cà Mau. Còn tại các tỉnh Bắc bộ từ ngày 6.8 mưa sẽ giảm dần. Do mưa lớn kéo dài liên tục trong những ngày vừa qua, vùng núi các tỉnh phía bắc, đăc biệt là các tỉnh Lai Châu, Sơn La, Điện Biên, Hòa Bình, Lào Cai, Yên Bái, Phú Thọ, Hà Giang, Tuyên Quang, Bắc Kạn, Cao Bằng, Thái Nguyên vẫn có nguy cơ cao xảy ra lũ quét, sạt lở đất. |