Việc phân luồng vào học nghề của học sinh sau THCS là chủ trương quan trọng.
Đào tạo nghề 9+ - mô hình tiệm cận với đào tạo nghề quốc tế
Mô hình 9+ được hiểu là mô hình học sinh tốt nghiệp THCS là có thể học lên cao đẳng (CĐ), hoặc đại học (ĐH). Hiện trên thế giới, học sinh học hết lớp 9 có hai hướng rẽ. Thứ nhất, tiếp tục học THPT sau đó lên ĐH và gia nhập thị trường lao động. Hướng thứ hai, học sinh gia nhập thị trường lao động sớm hơn. Đó là tốt nghiệp THCS, học sinh sẽ lựa chọn đi học nghề, nên chỉ 18 - 20 tuổi là có thể đi làm.
Từ tháng 7/2018, Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp cũng đã có văn bản khuyến khích đào tạo chương trình CĐ cho học sinh tốt nghiệp THCS. Theo đó, Bộ LĐTBXH yêu cầu các trường nghiên cứu, xây dựng chương trình, tổ chức đào tạo chương trình CĐ liên thông từ trung cấp dành cho học sinh tốt nghiệp THCS. Người học sẽ được nhận bằng trung cấp và tiếp tục học liên thông ngay để nhận bằng CĐ cùng ngành, nghề. Chương trình cần được thiết kế tổng thể để đảm bảo người học khi chuyển từ trình độ trung cấp lên CĐ không phải học lại những nội dung đã học.
Với những ưu điểm nêu trên, việc lựa chọn mô hình này sẽ giúp các em học sinh chọn nghề sớm, phù hợp với năng lực của bản thân, rút ngắn thời gian đào tạo, tiết kiệm chi phí và sớm gia nhập thị trường lao động, trong khi vẫn có cơ hội liên thông lên các trình độ cao hơn.
Theo Thứ trưởng Bộ LÐTBXH Lê Quân, để thu hút học sinh hết lớp 9 vào học nghề, giải pháp duy nhất là nâng cao chất lượng đào tạo hệ trung cấp và cao đẳng. Thời gian qua, Bộ LÐTBXH đã triển khai, cho phép các trường mở rộng mô hình đào tạo 9+ dành cho học sinh tốt nghiệp THCS. Ðến nay, nhiều trường CĐ đã thực hiện đào tạo trình độ trung cấp nghề cho các em học sinh tốt nghiệp THCS. Tuy nhiên, còn ít trường đào tạo liên thông từ trung cấp lên CĐ cho đối tượng này.
Theo báo cáo của các trường đã thực hiện, thì mô hình 9+ đang thu hút sự quan tâm lớn của học sinh và phụ huynh về tiết kiệm chi phí, thời gian học và sớm gia nhập thị trường lao động. Nhiều em học sinh tốt nghiệp ra trường được các doanh nghiệp trả mức lương trung bình từ 5 - 7 triệu đồng/tháng; một số ngành, nghề đặc thù có nhu cầu nhân lực cao như: hàn, công nghệ ô-tô… có thu nhập trung bình lên tới hơn 10 triệu đồng/tháng.
Ðiều này cho thấy, nhiều học sinh và phụ huynh đã bắt đầu có sự thay đổi nhận thức, bỏ dần tư duy chuộng bằng cấp, học để có việc làm, có kỹ năng đáp ứng yêu cầu của doanh nghiệp.
Theo các chuyên gia, nên học nghề ở tuổi 15, tuổi của sức trẻ, của khám phá, của nhiều thời gian để thực hiện những “bước nhảy kép” khác khi vào đời. Rõ nhất là có từ 2 - 5 năm vừa học nghề, vừa học văn hóa để tinh một nghề, kiếm tiền sớm và nhanh. Học nghề sau khi tốt nghiệp THCS giúp người lao động sớm ổn định cuộc sống. Việc chọn lựa nghề nghiệp vô cùng quan trọng, quyết định tương lai và thu nhập của bản thân mỗi người, gia đình và ảnh hưởng tới sự phát triển chung của cộng đồng.
Định hướng nghề nghiệp sớm sẽ giúp học sinh có những bước đi vững chắc, có tương lai với nghề nghiệp ổn định.
Đẩy mạnh phân luồng
Theo thống kê của ngành Giáo dục, năm 2017, có khoảng 30% học sinh tốt nghiệp THPT nhưng không học ĐH. Như vậy, sẽ rất lãng phí nguồn lực xã hội vì phải mất thêm 3 năm nữa mới lựa chọn học nghề.
Nhiều năm qua, vấn đề phân luồng giáo dục vẫn luôn là vấn đề khó khăn, dẫn đến những bất cập trong hệ thống giáo dục quốc dân; đồng thời gây nên sự tốn kém, lãng phí không nhỏ trong đào tạo và sử dụng nguồn nhân lực của đất nước.
Tại Việt Nam, tâm lý chuộng bằng cấp đã dẫn đến hệ quả là hệ thống giáo dục khó khăn trong thực hiện phân luồng và định hướng người học không đúng với yêu cầu phát triển của thị trường lao động, dẫn tới tình trạng "thừa thầy, thiếu thợ". Việc phân luồng vào học nghề của học sinh sau THCS là chủ trương quan trọng, giúp giảm lãng phí nguồn lực xã hội và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực. Phân luồng tốt sẽ khắc phục cơ bản được tình trạng "thừa thầy, thiếu thợ".
Bộ LÐTBXH đã có những giải pháp và cách làm để phân luồng người học bằng chính sách hấp dẫn như: Miễn học phí 100% cho học sinh tốt nghiệp THCS vào học trung cấp, miễn học phí trình độ trung cấp, CĐ cho các đối tượng chính sách xã hội, học theo chế độ cử tuyển. Người học học các nghề khó tuyển sinh nhưng xã hội có nhu cầu, nghề đặc thù, cùng các chính sách nội trú cho người học là người dân tộc thiểu số, hộ nghèo, cận nghèo, người khuyết tật, học sinh phổ thông dân tộc nội trú; hỗ trợ chi phí và vay vốn để đi làm việc ở nước ngoài.
Ngoài những lý do thu hút khác, sự tập trung nhiều học sinh sau khi tốt nghiệp THCS theo phân tích của một số giáo viên là các em không phải mặc cảm chuyện học trung cấp hay CĐ. Và thực tế đã chỉ ra, phần lớn các em chuyển hướng sang học nghề đều vì lý do kinh tế gia đình khó khăn là chính. Nhưng điều đáng mừng là qua đó cũng thể hiện phần nào sự tính toán thời gian, hoạch định tương lai của lớp trẻ, liên quan đến câu chuyện học nghề ở tuổi 15 hay 18 là tốt nhất.
Định hướng nghề không chỉ chờ tới bậc THPT mới làm, mà cần có hoạt động thực tế từ cấp THCS, thậm chí có thể định hướng cho các em ngay từ cuối cấp tiểu học. Định hướng nghề nghiệp sớm, cùng sự nỗ lực của bản thân mỗi học sinh, sự chung tay của gia đình, nhà trường và xã hội, sẽ giúp học sinh có những bước đi vững chắc, có tương lai với nghề nghiệp ổn định, đáp ứng nhu cầu làm việc của xã hội.
Bộ LĐTBXH dự kiến xây dựng và trình Chính phủ mô hình đào tạo học sinh tốt nghiệp THCS lên thẳng cao đẳng (còn gọi là mô hình 9+), được xem là mô hình tiệm cận với đào tạo nghề quốc tế.
Hồng Lĩnh/TC GĐ&TE