Quay lại Dân trí
Dân sinh
  1. Diễn đàn Dân sinh

Mô hình Trung tâm ứng dụng công nghệ cao tại Trường Đại học SPKT Vĩnh Long


PGS.TS Cao Hùng Phi giới thiệu với các đại biểu về các Trung tâm ứng dụng công nghệ cao của Nhà trường. Ảnh: Ngọc Quyên
 
4 Trung tâm ứng dụng công nghệ cao
 
Phát biểu tại buổi lễ, PGS.TS Cao Hùng Phi cho biết: Với truyền thống gần 60 năm đào tạo nguồn nhân lực kỹ thuật, Trường Đại học SPKT Vĩnh Long đã không ngừng phát triển. Là một trường đại học theo định hướng ứng dụng, Nhà trường đã xác định triết lý giáo dục: “Trường ĐH SPKT Vĩnh Long là nơi không có ranh giới giữa nhà trường với thực tiễn”.
 
Để phát triển triết lý giáo dục, cũng như khẳng định sự đổi mới, đột phá trong tư duy phát triển giáo dục và đào tạo, đồng thời nhằm hỗ trợ hoạt động nghiên cứu, ứng dụng, đào tạo và thúc đẩy đam mê nghiên cứu, sáng tạo của sinh viên; mang tới điều kiện học tập và thực hành nghề tốt nhất cho các em trong các lĩnh vực công nghệ, Nhà trường đã đầu tư, xây dựng và chính thức đưa vào vận hành 4 Trung tâm ứng dụng công nghệ cao, gồm: Trung tâm năng lượng Điện, Trung tâm Ứng dụng Công nghệ sinh học, Trung tâm ứng dụng công nghệ và Dịch vụ Ô tô, Bệnh xá Thú Y và trong tương lai sẽ xây dựng các trung tâm ứng dụng cho tất cả các chuyên ngành đào tạo khác của Nhà trường.
 
1. Trung tâm ứng dụng công nghệ và sản xuất điện năng lượng mặt trời: Đây là trung tâm đầu tiên trực thuộc một trường đại học ở Việt Nam với tổng công suất 85,250 KWA, tổng mức kinh phí đầu tư 2,1 tỷ đồng từ nguồn vốn nghiên cứu khoa học của Nhà trường, mỗi năm cung cấp cho đơn vị hơn 300 MW. Trung tâm có chức năng sản xuất điện năng cung cấp trực tiếp vào điện lưới hạ thế của Nhà trường, góp phần giảm lượng điện tiêu thụ từ lưới điện hiện tại. Đây cũng là môi trường học tập, thực tập chuyên nghiệp, hiện đại cho sinh viên các ngành Điện trong Trường và là trung tâm chuyển giao công nghệ trong toàn vùng đồng bằng sông Cửu Long.
 
2. Trung tâm Ứng dụng Công nghệ Sinh học có nhiệm vụ ứng dụng những tiến bộ khoa học về Công nghệ sinh học, Công nghệ thông tin, Điện - Điện tử, Công nghệ kỹ thuật cơ khí, Công nghệ Môi trường phục vụ đào tạo, thực hành nghề và nghiên cứu ứng dụng gắn liền với thực tiễn. Trung tâm có diện tích trên 1.000m2, gồm 5 nhà Màng công nghệ cao và 1 Trung tâm ứng dụng Công nghệ Sinh học, cung cấp môi trường thực tập nghề nghiệp cho sinh viên, nuôi dưỡng và phát triển ý tưởng khởi nghiệp trong lĩnh vực nông nghiệp thông minh.
 
3. Trước đây, Nhà trường đã được Công ty Toyota đầu tư và trang bị Trung tâm Đào tạo Kỹ thuật Toyota (T-TEP) với những trang thiết bị và công nghệ mới nhất, đồng thời là trung tâm duy nhất của đồng bằng sông Cửu Long có chức năng đẩy mạnh ứng dụng các thiết bị công nghệ để kiểm tra chẩn đoán ô tô, cung cấp các dịch vụ bảo dưỡng, sửa chữa ô tô cũng như đào tạo ngắn hạn và bồi dưỡng tay nghề cho sinh viên và người lao động. Trên cơ sở này, Trung tâm ứng dụng công nghệ và Dịch vụ Ô tô sẽ thực hiện nhiệm vụ đào tạo Sinh viên và người lao động đạt được các yêu cầu: Tác phong chuyên nghiệp; Chuyên môn tốt; Tay nghề thành thạo; Giao tiếp chuẩn mực. Nghiên cứu và triển khai các ứng dụng công nghệ tiên tiến trên ô tô phục vụ quá trình đào tạo. Nhân lực này sau khi tốt nghiệp được bố trí tại các cơ sở bảo dưỡng kỹ thuật  ô tô của Công ty Toyota trên toàn thế giới.
 
4. Bệnh xá Thú y phục vụ chủ yếu cho công tác học tập, giảng dạy và nghiên cứu khoa học cho sinh viên, giảng viên của trường, được đầu tư trang thiết bị hiện đại phục vụ cho việc chẩn đoán và điều trị bệnh cho động vật như: X quang, siêu âm, máy xét nghiệm sinh hóa hiện đại và các dịch vụ khác cho động vật, góp phần đào tạo đội ngũ nhân sự Thú y cho tương lai, đáp ứng nhu cầu hội nhập của chuyên ngành Thú y với khu vực và trên thế giới.


Việc thành lập các Trung tâm Ứng dụng công nghệ tại Trường Đại học SPKT Vĩnh Long khẳng định tư duy nhạy bén và hướng đầu tư đúng đắn của lãnh đạo Nhà trường. Ảnh: Ngọc Quyên
 
Góp phần nâng cao chất lượng đào tạo nguồn nhân lực trong bối cảnh cách mạng công nghiệp 4.0
 
Phát biểu tại buổi lễ, ông Lữ Quang Ngời, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Vĩnh Long nhấn mạnh: Trong bối cảnh cách mạng công nghiệp 4.0, việc ứng dụng công nghệ hiện đại cũng như việc sử dụng các nguồn năng sạch, trong đó có năng lượng mặt trời đang là hướng đi của thế giới, trong đó có Việt Nam. Vì vậy, việc Trường Đại học SPKT Vĩnh Long đẩy mạnh đầu tư, tạo điều kiện giúp đỡ các hoạt động nghiên cứu, ứng dụng, đào tạo và thúc đẩy đam mê nghiên cứu, sáng tạo của sinh viên; mang tới điều kiện học tập và thực hành nghề tốt nhất cho sinh viên trong các lĩnh vực Năng lượng xanh và Công nghệ là sự cần thiết, góp phần nâng cao chất lượng đào tạo nguồn nhân lực.
 
Ông Lữ Quang Ngời đánh giá cao việc thành lập các Trung tâm Ứng dụng Công nghệ tại Trường Đại học SPKT Vĩnh Long; bày tỏ tin tưởng các Trung tâm sẽ là môi trường nghiên cứu, giảng dạy, thực tập trải nghiệm bổ ích cho đội ngũ giảng viên, nghiên cứu viên và các em sinh viên của Trường; đồng thời mong muốn sẽ nhận được sự quan tâm, chia sẻ công nghệ kỹ thuật nhiều hơn nữa của các ban ngành trong tỉnh, đối tác và nhà đầu tư trong thời gian tới, để Nhà trường phát triển mạnh mẽ hơn nữa, khẳng định thương hiệu, vươn mình trở thành trường đào tạo trọng điểm của khu vực Đồng bằng sông Cửu Long.
 
Nhân sự kiện này, ông Phạm Anh Thắng, Trưởng Văn phòng Bộ LĐTBXH khu vực phía Nam khẳng định: Với việc đẩy mạnh ứng dụng những thành tựu của Cách mạng công nghiệp 4.0 nói chung, việc thành lập Trung tâm Điện năng lượng mặt trời và các Trung tâm Ứng dụng Công nghệ khẳng định tư duy nhạy bén và hướng đầu tư đúng đắn của lãnh đạo Nhà trường trong việc tạo môi trường, điều kiện hiện đại và thuận lợi giúp các hoạt động nghiên cứu, ứng dụng, đào tạo, học tập của giảng viên, sinh viên, góp phần đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao cho khu vực đồng bằng sông Cửu Long.
 
 

Thùy Hương/GĐTE