Phát biểu khai mạc hội nghị, ông Hà Tất Thắng, Cục trưởng Cục An toàn lao động cho biết: Luật An toàn vệ sinh lao động (ATVSLĐ) có nhiều nội dung, chính sách mới được ban hành, đó là: Mở rộng chế độ, chính sách đối với người bị tai nạn lao động (TNLĐ), bệnh nghề nghiệp (BNN) như: Hỗ trợ chuyển đổi nghề nghiệp cho người lao động bị TNLĐ, BNN khi trở lại làm việc, khám bệnh, chữa bệnh nghề nghiệp; Phục hồi chức năng lao động; Điều tra lại các vụ TNLĐ, BNN theo yêu cầu của cơ quan bảo hiểm xã hội TNLĐ, BNN. Đặc biệt là mở rộng tham gia bảo hiểm TNLĐ theo hình thức tự nguyện của người lao động làm việc không theo hợp đồng lao động; Việc chú trọng và ưu tiên các biện pháp kiểm soát, phòng ngừa rủi ro, cải thiện điều kiện lao động và xây dựng văn hóa an toàn lao động tại nơi làm việc… Theo đó, Chính phủ cũng đã ban hành Nghị định số 37/2016/NĐ-CP quy định và hướng dẫn một số điều của Luật ATVSLĐ về Bảo hiểm TNLĐ, BNN bắt buộc; Nghị định 44/2017/NĐ-CP về điều chỉnh giảm mức đóng. Bộ Lao đông- Thương binh Và Xã hội cũng đã ban hành Thông tư số 26/2017/TT-BLĐTBXH quy định và hướng dẫn thực hiện chế độ bảo hiểm TNLĐ, BNN bắt buộc và đã hướng dẫn, tổng hợp và giao kế hoạch kinh phí cho các địa phương triển khai kế hoạch hỗ trợ huấn luyện ATVSLĐ năm 2017 theo quy định.
Sau 3 năm triển khai chính sách mới này cũng đã gặp những khó khăn vướng mắc nhất định, vì vậy năm 2019 Bộ LĐ-TB&XH đã dự thảo Nghị định sửa đổi Nghị định số 37/2016/NĐ-CP trình Chính phủ ban hành vào cuối năm 2019. Ông Hà Tất Thắng đề nghị các đại biểu đóng góp ý kiến đối với dự thảo Nghị định sửa đổi Nghị định số 37 để Bộ Lao đông - Thương binh và Xã hội tiếp tục hoàn thiện trình Chính phủ.
Đánh giá những tác động tích cực của Nghị định 37/2016/NĐ-CP đối với người lao động và doanh nghiệp cũng như chỉ ra những vướng mắc, khó khăn trong triển khai thực hiện, Cục An toàn lao động cho biết: Trong giai đoạn 2016 – đến 2018, đã chi khám giám định thương tật bình quân là hơn 1,9 tỷ đồng/năm; chi trợ cấp bình quân là gần 148 tỷ đồng/năm; chi hỗ trợ chuyển đổi nghề bình quân là gần 67 tỷ đồng/năm; chi hỗ trợ phòng ngừa TNLĐ, BNN trong năm 2018 là 200 triệu đồng; năm 2017 phê duyệt hỗ trợ kinh phí huấn luyện từ bảo hiểm xã hội là hơn 96 tỷ đồng cho 38.276 người; năm 2018 phê duyệt hỗ trợ huấn luyện ATVSLĐ cho người tham gia bảo hiểm TNLĐ, BNN bắt buộc là gần 43 tỷ đồng
Những khó khăn, vướng mắc khi triển khai Nghị định đó là: Hoạt động hỗ trợ điều tra lại các vụ TNLĐ, BNN theo đề nghị của cơ quan Bảo hiểm xã hội chưa được quy định rõ ràng, cụ thể và khó thực hiện; Hoạt động hỗ trợ huấn luyện ATVSLĐ còn nhiều vướng mắc do mức hỗ trợ thấp; Mức đóng và phương thức đóng bảo hiểm TNLĐ, BNN theo quy định tại Điều 4 Nghị định 37/2016/NĐ-CP đã hết hiệu lực bởi Nghị định 44/2017/NĐ-CP và Nghị định 44 này cũng đang trong quá trình nghiên cứu, sửa đổi. Bên cạnh đó, Chưa thiết lập được hệ thống cơ sở dữ liệu, kết nối và chia sẻ dữ liệu phục vụ công tác quản lý và hoạch định chính sách giữa Bộ Lao đông - Thương binh và Xã hội, Bộ Y tế, Bảo hiểm xã hội Việt Nam và các Bộ, ngành liên quan, đặc biệt để phục vụ công tác nghiên cứu, điều chỉnh mức đóng vào quỹ phù hợp hơn với từng ngành, nghề, lĩnh vực có mức độ rủi ro về ATVSLĐ khác nhau…
Tại hội nghị, các đại biểu đã đưa ra những kiến nghị đối với các cơ quan trung ương để thực hiện tốt hơn công tác ATVSLĐ. Đại diện Sở Lao đông - Thương binh và Xã hội kiến nghị: Theo Luật ATVSLĐ quy định doanh nghiệp hàng năm phải đánh giá quan trắc môi trường lao động (thuộc quản lý của Bộ Y tế): Luật bảo vệ môi trường quy định doanh nghiệp hàng năm phải đánh giá quan trắc môi trường (thuộc quản lý của Bộ Tài nguyên). Thực tế 02 hoạt động đánh giá này có phương pháp, mẫu, vi trí đánh giá gần như nhau. Tuy nhiên, theo quy định doanh nghiệp phải thực hiện song song 2 nội dung, gây tốn kém, phiền hà. Vì vậy, đề nghị thống nhất 02 nội dung này là một; Nâng mức xử phạt hành chính đối với các hành vi vi phạm hành chính trong lĩnh vực ATVSLĐ để nâng cao trách nhiệm của người sử dụng lao động, nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước…