Quay lại Dân trí
Dân sinh
  1. Diễn đàn Dân sinh

Mở rộng dịch vụ dự phòng lây nhiễm HIV từ mẹ sang con

Tỷ lệ phụ nữ mang thai nhiễm HIV đang có xu hướng tăng, nếu không được can thiệp kịp thời, nguy cơ lây truyền từ mẹ sang con có thể tăng từ 15% đến 40% -ông Hoàng Đình Cảnh, Phó Cục trưởng Cục phòng chống HIV/AIDS (Bộ Y tế) cho biết nhân Tháng cao điểm dự phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con (từ 1-30/6/2015)

 

*3.000 phụ nữ mang thai nhiễm HIV mỗi năm

Theo báo cáo của Cục Phòng, chống HIV/AIDS, trong quý I/2015, cả nước phát hiện 1.504 người nhiễm mới HIV, 836 người nhiễm HIV chuyển sang giai đoạn AIDS, 228 người nhiễm HIV tử vong. Tại một số tỉnh như: Thái Nguyên, Điện Biên, Vĩnh Long, Quảng Ninh…tỷ lệ nhiễm HIV vẫn ở mức cao.

Điều đáng lưu ý là trong số những người nhiễm HIV phát hiện mới trong một vài năm gần đây có tới 34% là nữ giới (trước đây chỉ là 15-20) Trong đó, tỷ lệ nhiễm HIV trong nhóm phụ nữ mang thai đang có xu hướng gia tăng. Nếu không được can thiệp kịp thời thì nguy cơ lây truyền từ mẹ sang con trong thời kỳ mang thai và chuyển dạ sẽ tăng từ 15% đến 40%”.

Thạc sĩ Nguyễn Lan Hương, Phó Phòng điều trị và chăm sóc HIV/AIDS (Cục Phòng chống HIV/AIDS) cho biết, mỗi năm, nước ta có khoảng 3.000 phụ nữ mang thai được phát hiện nhiễm HIV, chiếm 0,12%; trong khi điều trị dự phòng lây truyền từ mẹ sang con hiện chỉ bao phủ được khoảng 60%. Điều này tương đương mỗi năm, nước ta có 1.200 người không được điều trị dự phòng, dẫn tới nhiều khả năng lây truyền bệnh từ mẹ sang con.

Trẻ nhiễm HIV  tại TT nuôi dưỡng và bảo trợ trẻ em Linh Xuân (phường Linh Xuân, quận Thủ Đức, TP.HCM).

Theo ông Hoàng Đình Cảnh, Phó Cục trưởng Cục phòng chống HIV/AIDS, nguyên nhân của thực trạng trên là do nhận thức của người dân còn hạn chế, nhất là phụ nữ ở vùng sâu vùng xa; độ bao phủ xét nghiệm cho phụ nữ mang thai trước khi sinh còn thấp; sự kỳ thị và phân biệt đối xử với phụ nữ mang thai bị nhiễm HIV vẫn còn cao…

Trong đó, khó khăn lớn nhất chính là người phụ nữ tiếp cận muộn với chương trình phòng, chống lây nhiễm HIV/AIDS nói chung, công tác điều trị và dự phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con nói riêng.  Theo quy định, 100% phụ nữ nhiễm HIV khi mang thai cần xét nghiệm HIV để biết tình trạng nhiễm. Tuy nhiên, ở nhiều nơi không thực hiện hoạt động này. Chính vì vậy có những người nhiễm HIV không biết tình trạng nhiễm của mình nên khi mang thai tiếp cận với điều trị muộn.

Mặt khác, ở Việt Nam rất nhiều trường hợp phụ nữ mang thai nhiễm HIV đến lúc sinh mới tiếp cận với phương pháp điều trị nên kết quả thu được không cao. Có những người phụ nữ mang thai nhiễm HIV khi biết được tình trạng nhiễm của mình lại che giấu do sợ sự kỳ thị phân biệt đối xử và một phần do người phụ nữ chưa hiểu biết đầy đủ về hiệu quả của việc dùng thuốc điều trị. Bởi vậy, con của họ cũng không được tiếp cận với phương pháp dự phòng, điều trị đúng, điều trị đủ liều nên tỉ lệ lây truyền HIV từ mẹ sang con còn cao.

*Phụ nữ mang thai cần được xét nghiệm sớm

Cục Phòng, chống HIV/AIDS cho biết Chương trình dự phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con được triển khai trên toàn quốc từ cuối năm 2004 với mục tiêu đến năm 2015 giảm tỷ lệ lây truyền HIV từ mẹ sang con xuống dưới 5%. Chương trình đã triển khai nhiều gói dịch vụ phòng lây nhiễm mẹ con toàn diện tại các cơ sở y tế. Nhờ đó, năm 2014, tỷ lệ phụ nữ mang thai nhiễm HIV được điều trị ARV dự phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con là 57,1%; tỷ lệ phụ nữ mang thai được xét nghiệm HIV và nhận kết quả xét nghiệm là 64,7%...

Hiệu quả của chương trình đã được chứng minh qua thực tiễn. Nếu không có chương trình này thì tỷ lệ lây truyền HIV từ mẹ sang con đối với những phụ nữ nhiễm HIV đang mang thai là 36%. Tuy nhiên nếu điều trị tốt, điều trị đúng và sớm, kết hợp không cho con bú thì tỷ lệ này giảm xuống còn khoảng 2%. Giai đoạn điều trị tốt nhất là 3 tháng đầu của thời kỳ mang thai, điều trị càng sớm càng tốt.

Để được điều trị dự phòng hiệu quả, tất cả phụ nữ mang thai cần được xét nghiệm sớm để biết tình trạng nhiễm. Khi biết được tình trạng nhiễm thì cần tiếp cận ngay với các dịch vụ dự phòng lây truyền từ mẹ sang con để được điều trị sớm. Khi dùng đúng phác đồ điều trị 3 thuốc thì khi sinh và khi nuôi con cũng cần phải chú ý, thực hiện tốt hướng dẫn của cán bộ y tế để có dự phòng cho con.

Đặc biệt, để đạt mục tiêu giảm tỷ lệ lây nhiễm HIV từ mẹ sang con xuống dưới 5% vào năm nay, Cục Phòng chống HIV/AIDS cho biết, thời gian tới sẽ khuyến khích mở rộng tư vấn xét nghiệm lấy máu ngay tại tuyến xã phường và dựa vào các nhóm cộng đồng, đặc biệt là y tế thôn bản.

 

Tháng cao điểm dự phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con năm 2015 diễn ra từ ngày 1-30/6 với chủ đề “Hướng tới loại trừ lây truyền HIV từ mẹ sang con". Trong Tháng cao điểm này, các hoạt động sẽ tập trung truyền thông về lợi ích tiếp cận sớm các dịch vụ, đặc biệt là tư vấn xét nghiệm HIV cho phụ nữ mang thai trong 3 tháng đầu của thai kỳ, các can thiệp dự phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con và hiệu quả của các biện pháp can thiệp dự phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con. Đồng thời, giới thiệu địa chỉ các cơ sở cung cấp các can thiệp dự phòng lây truyền từ mẹ sang con sẵn có tại địa phương

Mục tiêu của Chương trình dự phòng lây truyền mẹ con giai đoạn 2011-2015 là 80% phụ nữ mang thai được xét nghiệm HIV và nhận kết quả xét nghiệm; 90% phụ nữ mang thai nhiễm HIV và con của họ được chăm sóc và điều trị tiếp tục.