Quay lại Dân trí
Dân sinh
  1. Diễn đàn Dân sinh

Mở rộng diện bao phủ BHYT, coi trọng phát triển ổn định, bền vững

 
 
Bác sĩ khám bệnh cho bệnh nhân. Ảnh: Internet
 
Tiếp tục duy trì đà tăng trưởng 
 
Cùng với quá trình triển khai thực hiện Nghị quyết 21-NQ/TW của Bộ Chính trị về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng với công tác BHXH, BHYT giai đoạn 2012-2015 và 2020, tốc độ bao phủ BHYT có đà tăng trưởng mạnh mẽ trong khoảng 5 năm gần đây. Cuối năm 2012, tỷ lệ bao phủ BHYT mới chỉ đạt 66,8% dân số; năm 2013 đạt 68,8%; năm 2014, đạt 71,3%. Tốc độ tăng trưởng có sự phát triển tích cực trong năm 2015 - năm đầu tiên Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật BHYT có hiệu lực với nhiều quy định mới, tác động mạnh đến diện bao phủ BHYT. Cụ thể năm 2015, số người tham gia là 69,716 triệu người đạt tỷ lệ 76,5% dân số tham gia BHYT, tăng 5,2% so với tỷ lệ bao phủ năm 2014. Liên tục trong các năm sau đó, tỷ lệ bao phủ BHYT tiếp tục tăng. Năm 2016, đạt tỷ lệ 81,8% dân số tham gia BHYT, tăng 5,3% so với tỷ lệ bao phủ năm 2015; năm 2017 đạt 85,6% và hiện đạt gần 87%. Trong đó có 23 tỉnh có tỷ lệ bao phủ BHYT trên 90% dân số; 12 tỉnh, thành phố đạt tỷ lệ bao phủ BHYT từ 85% đến dưới 90% dân số.
 
Số tham gia BHYT theo hộ gia đình cũng đã có bước tăng trưởng đáng kể liên tục trong khoảng 10 năm trở lại đây. Nếu như năm 2008, số tham gia BHYT hộ gia đình (hay còn được gọi là BHYT tự nguyện - theo quy định của Luật BHYT 2008) chỉ đạt 3,67% dân số, tương ứng khoảng 3,1 triệu người tham gia; đến năm 2017, tỷ lệ tham gia đạt gần 16% dân số, tương ứng khoảng 14,9 triệu người; tính đến tháng 3/2018, số tham gia ở nhóm này là gần 15,4 triệu người. 
 
Có thể nhận định, tỷ lệ bao phủ BHYT đạt được tốc độ tăng trưởng tích cực trong thời gian qua là do:
 
Từ hiệu ứng lan tỏa của Nghị quyết 21-NQ/TW của Bộ Chính trị, công tác BHXH, BHYT đã được quan tâm chỉ đạo thực hiện mạnh mẽ từ Trung ương đến địa phương. Công tác xây dựng chính sách pháp luật BHYT có những bước tiến đáng kể tạo thuận lợi cho quá trình phát triển mở rộng diện bao phủ BHYT. Điều này được thể hiện rõ nhất qua Luật Sửa đổi bổ sung một số điều của Luật BHYT, có hiệu lực từ năm 2015 với một số quy định tác động trực tiếp đến số người tham gia BHYT, tiêu biểu là quy định tham gia BHYT là bắt buộc, thực hiện BHYT theo hộ gia đình với mức đóng giảm dần cho thành viên thứ hai trở đi, thực hiện thông tuyến khám, chữa bệnh theo lộ trình, điều chỉnh giá dịch vụ khám, chữa bệnh BHYT theo hướng tính đúng, tính đủ... 
 
Quyền lợi BHYT của người dân ngày càng được bảo đảm, giúp người dân thấy được vai trò thiết thực của BHYT với an sinh của bản thân, gia đình và xã hội. Điều này được thể hiện qua số lượt khám, chữa bệnh BHYT liên tục tăng qua các năm, tương ứng với đó là số chi phí khám, chữa bệnh được chi từ Quỹ BHYT. 
 
Công tác truyền thông chính sách, pháp luật BHYT được cơ quan BHXH đẩy mạnh cùng với vai trò thiết thực của BHYT trong đời sống, giúp người dân dần nhận thức đầy đủ hơn về bản chất nhân văn của BHYT, từ đó chủ động tham gia. Đội ngũ đại lý thu trên khắp cả nước phối hợp chặt chẽ với cơ quan BHXH và ngày càng tích cực hơn trong việc vận động trực tiếp người dân tham gia.

 
Khám chữa bệnh cho người cao tuổi. Ảnh: Internet
 
Hướng tới phát triển bền vững 
 
Những kết quả phát triển cùng những bài học kinh nghiệm trong giai đoạn vừa qua là nền tảng vững chắc để tiếp tục phát triển BHYT toàn dân. Tuy nhiên, bên cạnh những thuận lợi cũng còn không ít thách thức. 
 
Tỷ lệ bao phủ BHYT hiện đã đạt gần 87% nhưng số còn lại là nhóm khó vận động tham gia nhất, chủ yếu thuộc diện tham gia nhóm BHYT hộ gia đình, trong đó đa phần là lao động phi chính thức, lao động tự do, nông dân. 
 
Trong tổng số người tham gia hiện nay, số được ngân sách Nhà nước đóng hoặc hỗ trợ đóng một phần vẫn còn chiếm một tỷ trọng tương đối lớn. Điều này đặt ra vấn đề khi có sự điều chỉnh thay đổi chính sách, dễ có sự biến động về tỷ lệ tham gia BHYT theo hướng giảm xuống, nhất là với nhóm được hỗ trợ đóng ở mức cao. Tại một số tỉnh, thành phố, việc huy động ngân sách địa phương hỗ trợ mức đóng với một số nhóm đối tượng (cận nghèo, hộ nông, lâm, ngư, diêm nghiệp, học sinh, sinh viên...) rõ ràng khó có thể đòi hỏi duy trì được với thời gian dài. 
 
Lộ trình đều chỉnh giá dịch vụ theo hướng tính đúng, tính đủ đang dần được thực hiện. Chi phí khám, chữa bệnh tăng lên, đồng nghĩa với sức ép với bài toán cân đối quỹ ngày càng lớn hơn, nhất là với mức đóng BHYT như hiện tại. Do đó, việc tăng mệnh giá thẻ BHYT đã được tính đến và khi có điều chỉnh tăng, chắc chắn công tác vận động người dân tham gia nhìn chung sẽ phải đối mặt với áp lực lớn hơn. 
 
Rõ rang, mục tiêu đạt 95% người dân tham gia BHYT vào năm 2025 và đạt trên 95% vào năm 2030 theo Nghị quyết 20-NQ/TW Hội nghị Trung ương 6 khóa XII là thách thức rất lớn. 
 
Tuy nhiên, khi giá dịch vụ khám chữa bệnh tăng lên, người dân sẽ nhận thức rõ hơn vai trò quan trọng của BHYT, tính chủ động tham gia từ phía người dân sẽ tích cực hơn. Hệ thống đại lý thu rộng khắp, công tác truyền thông được đẩy mạnh trong các năm gần đây sẽ tiếp tục tạo đà quan trọng tăng diện bao phủ BHYT trong giai đoạn tới. 
 
Với BHXH các tỉnh, thành phố, cần tiếp tục duy trì, kiên trì hướng tới các mục tiêu phát triển BHYT theo lộ trình được Chính phủ chỉ đạo. 
 
Cần tiếp tục mở rộng hệ thống đại lý thu cả về số lượng và chất lượng, nâng cao tính chủ động trong việc tiếp cận, vận động người dân tham gia mới và tiếp tục tham gia BHYT. Phải bảo đảm thuận tiện cho người dân tiếp cận các thông tin về BHYT, nhất là kịp thời thông báo cho người dân khi thẻ BHYT sắp hết hạn để người dân tiếp tục tham gia đảm bảo quá trình tham gia BHYT liên tục... 
 
Cần chú trọng các hình thức truyền thông, vận động trực tiếp kết hợp với thông tin qua các phương tiện truyền thông đại chúng, bảo đảm thông điệp về lợi ích của BHYT được lan tỏa cả bề rộng và chiều sâu. Cần chú trọng truyền thông, nâng cao nhận thức với cả nhóm đối tượng đang được đóng và hỗ trợ đóng BHYT, nhất là hộ nghèo, cận nghèo... 
 
Nghị quyết 20-NQ/TW Hội nghị Trung ương 6 về tăng cường công tác bảo vệ chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân trong tình hình mới cũng đặt mục tiêu đến năm 2025, tỷ lệ hài lòng của người dân với dịch vụ y tế đạt trên 80% và đạt trên 90% vào năm 2030. Mục tiêu này có ý nghĩa quan trọng với phát triển BHYT, chỉ khi người dân hài lòng với chất dịch vụ lượng khám, chữa bệnh nói chung và khám, chữa bệnh BHYT nói riêng, nguồn động lực tham gia BHYT mới được bảo đảm bền vững. Chính vì vậy, cơ quan BHXH phải phối hợp chặt chẽ với các cơ sở y tế trên địa bàn bảo đảm quyền lợi khám, chữa bệnh BHYT cho người dân...

PV/TC GĐ&TE