Theo Bộ LĐ-TB&XH, sau 1 năm triển khai Quyết định số08/2015/QĐ-TTg về thí điểm giao dịch điện tử trong việc thực hiện thủ tục tham gia bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp và đề nghị cấp sổ bảo hiểm xã hội, thẻ bảo hiểm y tế đã đạt được những kết quả tích cực.
Ảnh minh họa
Số doanh nghiệp (nhất là các doanh nghiệp quy mô lớn) đã sử dụng chữ ký số trong giao dịch thuế và hải quan rất nhiệt tình hưởng ứng, đến nay số đơn vị đã thực hiện giao dịch điện tử trên tổng số các đơn vị đang tham gia bảo hiểm xã hội là 185.196/269.790 (đạt tỷ lệ 68,6%). Việc triển khai Quyết định số 08/2015/QĐ-TTg đã góp phần tích cực giảm được phần lớn số giờ thực hiện thủ tục bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế cho doanh nghiệp (trong năm 2015 đã giảm từ 235 giờ xuống còn 81 giờ), góp phần đáng kể vào việc cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh của Việt Nam trên trường quốc tế.
Tuy nhiên, việc thí điểm về giao dịch điện tử theo Quyết định số 08/2015/QĐ-TTg mới chỉ mới dừng lại trong việc thực hiện thủ tục tham gia bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp và đề nghị cấp sổ bảo hiểm xã hội, thẻ bảo hiểm y tế; chưa triển khai đối với các thủ tục giải quyết và chi trả các chế độ bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp.
Từ kết quả đã đạt được trong thực hiện thí điểm giao dịch điện tử theo Quyết định số 08/2015/QĐ-TTg, để thực hiện có hiệu quả các chỉ tiêu của Nghị quyết số 19-2016/NQ-CP ngày 28/4/2016 của Chính phủ về những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia hai năm 2016-2017, định hướng đến năm 2020; Nghị quyết số 36a/NQ-CP ngày 14/10/2015 của Chính phủ về Chính phủ điện tử thì việc xây dựng Nghị định quy định về giao dịch điện tử trong lĩnh vực bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế và bảo hiểm thất nghiệp để mở rộng phạm vi thực hiện giao dịch điện tử đối với thủ tục hành chính trong giải quyết và chi trả các chế độ bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp là cần thiết và phù hợp trong bối cảnh hiện nay.
Việc xây dựng Nghị định nêu trên phù hợp với chính sách của nhà nước trong phát triển công nghệ thông tin trong quản lý bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế (Khoản 5 Điều 6 của Luật bảo hiểm xã hội; Khoản 10 Điều 41 của Luật bảo hiểm y tế) và quy định tại khoản 3 Điều 96 của Luật bảo hiểm xã hội giao Chính phủ quy định trình tự, thủ tục tham gia và giải quyết các chế độ bảo hiểm xã hội bằng phương thức giao dịch điện tử.
Bộ LĐ-TB&XH đã soạn thảo dự thảo Nghị định quy định về giao dịch điện tử trong lĩnh vực bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế và bảo hiểm thất nghiệp gồm 6 chương, 31 điều. Bên cạnh những quy định chung, Bộ đã đề xuất những quy định cụ thể về chứng từ bảo hiểm xã hội điện tử; quyền và nghĩa vụ của cơ quan, tổ chức, cá nhân về giao dịch điện tử trong lĩnh vực bảo hiểm xã hội; thực hiện giao dịch điện tử trong lĩnh vực bảo hiểm xã hội qua Cổng Thông tin điện tử Bảo hiểm xã hội Việt Nam; thực hiện giao dịch điện tử trong lĩnh vực bảo hiểm xã hội thông qua tổ chức I-VAN (Tổ chức hoạt động trong lĩnh vực công nghệ thông tin được Bảo hiểm xã hội Việt Nam ký hợp đồng cung cấp dịch vụ giá trị gia tăng về giao dịch điện tử trong lĩnh vực bảo hiểm xã hội) …
Điều kiện thực hiện giao dịch điện tử trong lĩnh vực bảo hiểm xã hội
Theo dự thảo, cơ quan, tổ chức, cá nhân thực hiện giao dịch điện tử trong lĩnh vực bảo hiểm xã hội phải đảm bảo các điều kiện sau:
1- Có chứng thư số theo quy định;
2- Có khả năng truy cập, sử dụng mạng Internet; có địa chỉ thư điện tử liên lạc ổn định và đăng ký với Bảo hiểm xã hội Việt Nam.
Cơ quan, tổ chức, cá nhân thực hiện giao dịch điện tử trong lĩnh vực bảo hiểm xã hội được lựa chọn thực hiện giao dịch điện tử trực tiếp qua Cổng thông tin điện tử Bảo hiểm xã hội Việt Nam hoặc thông qua Tổ chức I-VAN theo quy định.
Bộ LĐ-TB&XH đang lấy ý kiến góp ý dự thảonày trên Cổng Thông tin điện tử của Bộ.