20% dân số Việt Nam cần sự trợ giúp xã hội
Theo số liệu của Cục Bảo trợ xã hội, hiện cả nước có khoảng 2,643 triệu người (chiếm 20% dân số), thuộc diện trợ giúp xã hội (TGXH) đang hưởng trợ cấp xã hội hàng tháng. Trong đó có khoảng 9,4 triệu người cao tuổi (trên 10% dân số); 7 triệu người khuyết tật (7,6% dân số); trên 2,5 triệu trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn; trên 100.000 người đơn thân nghèo nuôi con; trên 234.000 người nhiễm HIV/AIDS. Ngoài ra còn nhiều phụ nữ trẻ em bị ngược đãi, bị buôn bán, bị xâm hại hoặc lang thang kiếm sống trên đường phố. Đồng thời, hàng năm thiên tai, hỏa hoạn, mất mùa cũng đã dẫn đến khoảng 1,8 triệu hộ gia đình thiếu đói cần được hỗ trợ lương thực, thực phẩm vào các dịp giáp hạt và Tết Nguyên đán.
Trẻ em bị bỏ rơi được nuôi dưỡng tại Trung tâm bảo trợ xã hội tỉnh Quảng Ninh.
Từ năm 2015, mức chuẩn trợ cấp xã hội được nâng lên 270.000 đồng, tăng 1,5 lần so với năm 2010. Mặc dù mức chuẩn đã được điều chỉnh nhiều lần theo hướng tăng dần, song mới chỉ đảm bảo để đối tượng mua lương thực. Đối với các nhóm đối tượng cụ thể áp dụng được các hệ số khác nhau để tính mức trợ cấp xã hội, chăm sóc hàng tháng theo hệ số 1- 1,5 - 2 - 2,5.
Điều này cho thấy, đối tượng cần TGXH lớn, nhưng số người làm công tác xã hội đang thiếu, chưa thể đáp ứng hết. Về điều này, ông Đặng Hữu Bình, Giám đốc Trung tâm Công tác xã hội tỉnh Quảng Ninh cho biết: “Số đối tượng yếu thế cần trợ giúp của Quảng Ninh là 175.758 người, trong khi chỉ có 3 cơ sở bảo trợ xã hội. Các trung tâm hiện có này mới chỉ đáp ứng được 0,8% nhu cầu của các đối tượng”.
Đồng quan điểm, ông Nguyễn Tiến Trung, Phó Giám đốc Trung tâm Cung cấp dịch vụ Công tác xã hội Hà Nội cho rằng, những người làm công tác xã hội phải làm rất nhiều việc, nhưng lại gặp nhiều khó khăn khi thực hiện các hoạt động TGXH. “Để nghề công tác xã hội được thừa nhận là một nghề, Nhà nước cần ban hành Luật Nghề công tác xã hội. Trong giai đoạn trước mắt Chính phủ cần ban hành Nghị định về nghề công tác xã hội để tạo cơ sở pháp lý cho đội ngũ nhân viên, cộng tác viên công tác xã hội trong quá trình cung cấp dịch vụ xã hội cho người dân, đặc biệt là các đối tượng yếu thế”, ông Trung đề nghị.
Mở rộng độ bao phủ, mức trợ cấp tăng nhanh
Thứ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Nguyễn Trọng Đàm cho rằng, trong thời gian tới cần phải chuyển TGXH từ hoạt động nhân đạo sang bảo đảm thực hiện quyền cho đối tượng hưởng TGXH. Chính sách TGXH là biện pháp công cụ tác động để thực hiện mục tiêu đảm bảo cuộc sống cho bộ phận dân cư không may gặp phải hoàn cảnh khó khăn. “Đồng thời, việc nghiên cứu xây dựng chính sách TGXH dựa trên vòng đời sẽ đảm bảo sự thống nhất, hài hòa với các chính sách an sinh xã hội khác, đặc biệt là chính sách bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế và bảo hiểm thất nghiệp”, Thứ trưởng Đàm khẳng định.
Các em nhỏ tại Trung tâm bảo trợ xã hội Đà Nẵng.
Ông Chang Hee Lee, Giám đốc ILO Việt Nam cho rằng: Đầu tư vào con người sẽ đảm bảo hiệu quả trong phát triển kinh tế và an sinh xã hội, giúp giải quyết nhiều mục tiêu về phát triển xã hội. “Chúng ta phải coi đây là một “đầu tư” chứ không phải là một “chi phí”! Việt Nam, mặc dù trong thời gian ngắn đã có được hệ thống an sinh xã hội cơ bản, nhưng cần phải hiện đại hóa hệ thống TGXH nhiều hơn nữa”- ông Chang Hee Lee nhấn mạnh.
Kết quả khảo sát năm 2015 cho thấy, có 57,18% nguồn thu của người cao tuổi và 35,14% nguồn thu của người khuyết tật là từ các khoản trợ cấp xã hội. Số liệu này cho thấy TGXH thường xuyên đang đóng vai trò quan trọng và có tác động ảnh hưởng tương đối lớn đến đời sống của người hưởng TGXH.
Có thể nói, trong điều kiện kinh tế xã hội còn nhiều khó khăn, nhưng hệ thống chính sách TGXH đã từng bước mở rộng về độ bao phủ, mức trợ cấp tăng nhanh, nếu thực hiện theo Nghị định 136/2013/NĐ-CP thì nhóm đối tượng được hưởng cao nhất đã ngang bằng với mức sống tối thiểu. Chính sách TGXH đã góp phần quan trọng vào việc đảm bảo đời sống cho đại đa số đối tượng bảo trợ xã hội.
Để cơ bản bảo đảm hệ thống an sinh xã hội toàn dân, dự thảo đề án Đổi mới và phát triển hệ thống TGXH đặt ra mục tiêu, trong giai đoạn 2016 - 2020 sẽ có 4% dân số được hưởng trợ cấp xã hội hàng tháng. Có ít nhất 50% người cao tuổi không có người phụng dưỡng, người khuyết tật, trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, nạn nhân bạo lực gia đình, nạn nhân bị buôn bán, người lang thang kiếm sống được quản lý, tư vấn chăm sóc từ các cơ sở TGXH. Cùng với đó, 70% quận, huyện, thị xã, TP thuộc tỉnh có trung tâm công tác xã hội hoạt động. Đảm bảo cứ 2.000 người dân có ít nhất một nhân viên công tác xã hội chuyên nghiệp và 500 người dân có một nhân viên chăm sóc xã hội chuyên nghiệp. |