Dấu mốc hội nhập quốc tế
Năm 1994, Bộ luật Lao động ra đời, đánh dấu một bước quan trọng trong xây dựng và hoàn thiện chính sách pháp luật, đáp ứng yêu cầu của thời kỳ đổi mới, hội nhập quốc tế. Việt Nam phê chuẩn Công ước Thanh tra lao động trong công nghiệp và thương mại (Công ước 81 năm 1947). Đây là hai cơ sở pháp lý và tiền đề quan trọng cho việc mở rộng quan hệ hợp tác quốc tế về thanh tra lao động. Trong giai đoạn này, các hoạt động hợp tác quốc tế của ngành LĐ-TB&XH rất sôi động và đa dạng, từ nghiên cứu xây dựng hệ thống luật pháp, đến cơ chế chính sách hoạt động.
Giai đoạn 2001-2005, Thanh tra Bộ được Chính phủ Đức tài trợ thông qua dự án “Chương trình an toàn và hệ thống thanh tra lao động hợp nhất”. Đây là dự án đầu tiên hợp tác quốc tế nhằm tăng cường năng lực thanh tra lao động ở Việt Nam. Hai kết quả thành công và nổi bật của dự án, đó là giúp hợp nhất 3 chức năng thanh tra an toàn, chính sách và vệ sinh lao động tập trung một vào một cơ quan là Thanh tra Bộ (Quyết định số 1118/20103/QĐ-LĐTBXH của Bộ trưởng Bộ LĐ-TB&XH); bên cạnh đó là việc hình thành bộ tài liệu huấn luyện thanh tra lao động hợp nhất, gồm 6 mô đun: Pháp luật lao động; thanh tra Chính sách lao động; thanh tra an toàn lao động; thanh tra vệ sinh lao động; phương pháp thanh tra lao động và kỹ năng xã hội, cùng một đội ngũ gồm 40 giảng viên kiêm nhiệm là chuyên viên cấp cao ở các bộ, ngành.
Ông Nguyễn Văn Tiến tại lớp bồi dưỡng kỹ năng cơ bản cho trưởng đoàn thanh tra.
Năm 2005, Thanh tra Bộ đăng ký là thành viên quan sát của Hiệp hội Thanh tra lao động quốc tế (IALI). Đến năm 2009, chính thức là thành viên của IALI và tham dự Đại hội do IALI tổ chức các năm 2011, 2013 tại Geneve (Thụy Sỹ) được tham gia bỏ phiếu bầu ban điều hành IALI với tư cách thành viên chính thức. Hợp tác đa phương trong khu vực ASEAN cũng ngày càng được mở rộng. Đặc biệt, lần đầu tiên trong lịch sử Thanh tra lao động Việt Nam đăng cai tổ chức thành công hội nghị: “Thanh tra lao động các nước ASEAN”. Hội nghị có sự tham gia của nhiều bên, trong đó có sự hiện diện của 9 nước ASEAN, đánh dấu bước trưởng thành hội nhập quốc tế.
Mở rộng hợp tác đa phương
Bên cạnh quan hệ đa phương với IALI, ASEAN, việc tham gia một số hoạt động của Mạng An toàn vệ sinh lao động ASEAN cũng được mở rộng. Ngoài việc tham gia các hội nghị điều phối, hội thảo xây dựng Mạng, các cán bộ của Thanh tra Bộ cũng đã lần lượt được tham gia các khóa huấn luyện, đào tạo do Mạng An toàn vệ sinh lao động tổ chức tại Malaysia, Hàn Quốc, Philippines...
Một đối tác đa phương quan trọng không thể thiếu, đó là Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO). Với đội ngũ chuyên gia giàu kinh nghiệm từ các quốc gia trên thế giới, ILO đã hỗ trợ nhiều hoạt động và nâng cao năng lực cho Thanh tra lao động Việt Nam, trong đó có các dự án hỗ trợ kỹ thuật giúp Thanh tra lao động kết nối với các dự án khác và các đối tác nước ngoài.
Vai trò và tầm quan trọng của thanh tra lao động đối với việc tuân thủ pháp luật lao động ngày càng được khẳng định rõ nét, và Việt Nam là một trong những nước được thí điểm thực hiện chương trình toàn cầu về dự án “Việc làm tốt hơn”, chính thức ra mắt ngày 7/10/2009. Dự án đã có nhiều hoạt động hỗ trợ kỹ thuật, tăng cường năng lực cho Thanh tra lao động, trong đó có các hoạt động về xây dựng tài liệu tập huấn, đào tạo giảng viên nguồn về phương pháp giảng dạy mới và đào tạo giảng viên thanh tra lao động, tập huấn về trưởng đoàn thanh tra.
Đến tháng 5/2015, đã có 346 doanh nghiệp may ở phía Nam và 72 doanh nghiệp ở phía Bắc tham gia dự án; 301 doanh nghiệp được đánh giá và 256 doanh nghiệp đang được tư vấn bởi dự án.
Ngoài ra, quan hệ hợp tác trong lĩnh vực bảo vệ và chăm sóc trẻ em đã được thực hiện thông qua dự án hợp tác với tổ chức UNICEF; hợp tác về phòng, chống buôn bán người với Ủy ban Liên hợp quốc về Phòng, chống buôn bán người UNIAP; hợp tác với ILO-IPEC xây dựng tài liệu về thanh tra về lao động trẻ em. Việc tiếp nhận và làm chủ dự án: “Hỗ trợ thực hiện pháp luật lao động và thúc đẩy quan hệ lao động hài hòa ở Việt Nam” pha 1 (2010-2012) do tổ chức USAID của Hoa Kỳ tài trợ và pha 2 năm 2012-2014 với tên gọi “Hỗ trợ thực hiện pháp luật lao động và tăng cường hệ thống thanh tra lao động vững mạnh tại Việt Nam” do Bộ Lao động Hoa Kỳ (USDOL) tài trợ.
Dự án đã kéo dài gần 5 năm và đã có những kết quả nhất định, góp phần đáng kể vào việc tăng cường năng lực thanh tra lao động ở Việt Nam như: Tổ chức đánh giá thực trạng hệ thống thanh tra lao động ở Việt Nam năm 2010; các hội thảo và khuyến nghị góp phần vào việc xây dựng và phê duyệt Đề án tăng cường năng lực thanh tra LĐ-TB&XH đến năm 2020...