Ảnh minh họa
Tôi đã luôn tự hỏi trước khi gặp được con cá vàng và nhận được những điều ước, thì cuộc sống của đôi vợ chồng ấy ra sao. Có lẽ là tốt, hoặc ít nhất ông lão cũng không phải nhận những lời đay nghiến và rồi bị đuổi ra khỏi nhà.
Tôi tưởng tượng ra câu chuyện của Pushkin như thế này: Ông lão ấy bắt được con cá vàng, thả ra và về nhà kể lại cho bà vợ. Sẵn nhà đang thiếu cái máng lợn mới, bà lão tiếc rẻ vì nhà thiếu ăn - lại sắp phải bỏ tiền mua đồ mới nên mắng nhiếc ông tại sao chẳng chịu xin. Còn việc bà lão mắng ông thì kể vẫn có thể lý giải được: Người già thường dễ mắc những bệnh về huyết áp, người huyết áp cao thì thường khó tập trung, dễ xúc động, dễ nổi cáu, thế thôi.
Ấy nhưng xin chiếc máng lợn lại là sai lầm lớn nhất đời ông lão, bởi vì căn nhà tồi tàn chẳng có gì giá trị, ấy vậy mà chiếc máng lợn lại vừa mới, vừa đẹp thì thật mỉa mai lắm thay! Thế là lại phải thay căn nhà mới. Ở nhà mới mà ăn mặc tuềnh toàng, ra đường vẫn bị mấy bà ngồi lê đôi mách ngoài chợ chê là "trưởng giả học làm sang" thì càng cay, thế nên lại cần phải làm nhất phẩm phu nhân. Nhưng nhất phẩm phu nhân mà vẫn phải tự mình đi chợ thì quá vớ vẩn, thế thì càng phải trở thành nữ hoàng với muôn kẻ hầu, người hạ. Và chúng ta sẽ tạm dừng ở việc bà lão nghèo ấy bỗng nhiên nhận ra rằng, khi mà xung quanh bà đã có mọi điều mà người trần chẳng có, thì thứ duy nhất bà ngay lập tức cần thay, ấy là ông chồng rách rưới. Khập khiễng không khi bà hoàng lại sống chung với một kẻ nhất nhì trong hạng cùng đinh?
Tôi bắt đầu tìm hiểu và biết được rằng, những người phụ nữ trên đều cùng mắc một chứng bệnh, được gọi là "Hiệu ứng Diderot". Người đàn ông được đặt tên cho hiệu ứng này đã khốn khổ và lâm vào cảnh từ giàu có (sau khi được cho một khoản tiền lớn) thành tay trắng chỉ vì mua một chiếc áo khoác mới. Hiệu ứng này xảy ra hàng ngày. Chẳng hạn khi thi thoảng phát hiện ra xung quanh ai cũng sử dụng điện thoại cảm ứng, tôi cũng từng lung lay. Nhưng rồi mình chợt nhận ra, ngoài chiếc điện thoại thì mình còn phải bỏ tiền cho một chiếc ốp, dán màn hình, các phần mềm bản quyền... những thứ mà chưa bao giờ mình cần đến. Hiệu ứng Diderot khiến người ta lao vào một cuộc mua sắm mà hồi kết chỉ dừng lại khi hết tiền. Rồi còn chuyện đi mua tặng một đứa cháu con búp bê và phát hiện ra nó sẽ tiếp tục hỏi mình khi nào sẽ "thay váy mới", "mua nhà mới" cho con búp bê ấy. Thế mà tôi đã tưởng búp bê chỉ đơn giản là bán nguyên hộp, không hơn!
"Chẳng bao giờ là đủ". Người ta có thể cảm thấy khó khăn khi phải bỏ bớt một thứ, nhưng thật dễ dàng để cân nhắc mua thêm. Vậy nên, tôi xin được gợi ý một số cách thoát khỏi hiệu ứng Diderot như sau:
1. Mua những thứ phù hợp với những gì mình đang có
Như đã thấy, điều tệ nhất của bà vợ ông lão đánh cá là bị cuốn vào vòng xoáy mua sắm chỉ bởi ban đầu, có một thứ mới không phù hợp. Hãy nhớ: Đừng bao giờ thêm vào một khối tổng thể hài hòa một thứ quá mới lạ. Bởi vì, hoặc là thứ ấy sẽ nhanh chóng xếp xó, hai là bạn sẽ tự tạo một khối mới hoàn toàn trong tương lai.
2. Biết thế nào là đủ với mình
Theo quan điểm cá nhân tôi, 90% đàn ông có thể phân biệt đâu là chiếc túi 300 ngàn, đâu là chiếc 2 triệu. Nhưng mà giữa một chiếc 3 triệu (nghĩa là đã thuộc dạng tương đối xịn) và một chiếc 20 triệu thì chịu.
Tôi không biết phụ nữ trưng diện vì ai, vì họ muốn nổi bật, vì muốn các chị em phải ghen tị hay vì muốn thu hút đàn ông. Nhưng xét thấy nếu tài chính chẳng mạnh, thu hút một đống lườm nguýt thật chẳng nên. Còn như đã nói, đàn ông không phân biệt nổi túi xách đâu nên thay vì chọn một chiếc "Hem-mét" thì tôi khuyến khích một phương án "nhẹ nhàng" cho túi tiền hơn.
3. Chỉ mua khi thật cần thiết
Trở lại với câu chuyện di động, điện thoại với tôi chỉ dùng để nghe-gọi, thi thoảng là kiểm tra email và chụp ảnh. Thật chẳng cần thiết mua một chiếc điện thoại quá xịn. Hãy chỉ mua đồ mới khi thực sự cần thay thế (muốn xếp xó) món đồ cũ và khi tuyệt nhiên không có sự thay thế nào khác ngoài mua mới (chẳng hạn mọi hoạt động liên quan sâu đến thiết kế và chat fb của tôi thực ra đều sử dụng laptop, điện thoại với tôi là yếu tố phụ). Và một khi đã cần thay mới, hãy chọn thứ mà với mình "đủ", không cần dư.
Tương tự, hãy nghiêm khắc và nghĩ đến những phương án phụ khi quyết định một việc gì đó. Người ta sẽ chẳng cần đến máy in nếu họ cần quá ít và hoàn toàn có thể tìm được một quán photo với giá rẻ. Và tôi cũng chẳng cảm thấy có gì hay ho khi người ta cần nâng cấp từ iPhone 5 lên 6, rồi lên 7. Có ai bắt bạn phải làm thế không?
4. Cảnh giác với quảng cáo
Đứng trên phương diện là người làm truyền thông - quảng cáo, tôi khuyên các bạn đừng cố mua thêm vài món đồ chỉ bởi "giỏ hàng còn quá nhiều chỗ", "mua trên 500.000đ được tặng một chiếc mũ bảo hiểm”. Và dĩ nhiên để ngừng mua sắm được thì tốt nhất là hạn chế xuất hiện ở những trung tâm thương mại, đồng thời ngừng nhận những bản tin (email) quảng cáo. Nếu cần mua sắm, hãy xác định đúng những gì mình cần.
Cá nhân người viết từng vài lần nhận được những nụ cười của nhân viên thu ngân khi vào siêu thị chỉ để mua một thỏi kẹo trị giá gần 4.000 hay mua một chiếc bánh nho 9.500. Nhưng mà thế thì đã sao, bạn luôn là người làm chủ cuộc sống mình.
Vậy nên, đừng chết chỉ vì một chiếc máng lợn!
Minh Quân/ GĐTE