Quay lại Dân trí
Dân Sinh

Mỗi doanh nghiệp phấn đấu trở thành một trường nghề

(Dân sinh) - Bộ trưởng Đào Ngọc Dung cho biết, để cải thiện năng suất lao động, thời gian tới, sẽ tập trung vào 5 giải pháp căn bản. Trong đó, kết nối doanh nghiệp đào tạo kép, mỗi doanh nghiệp phấn đấu để trở thành 1 trường nghề. “Đây là một yếu tố bắt buộc”, ông nói.

Thủ tướng Phạm Minh Chính lắng nghe phiên chất vấn

Thủ tướng Phạm Minh Chính lắng nghe phiên chất vấn

Chiều 7/11, Quốc hội chất vấn các thành viên Chính phủ, Trưởng ngành về các lĩnh vực: lao động thương binh và xã hội; KH&CN; GD&ĐT; VH-TT&DL; Y tế; TT&TT.

Chất vấn Bộ trưởng Bộ Lao động – TB&XH Đào Ngọc Dung về lĩnh vực đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, đại biểu Nguyễn Văn Thi (đoàn Bắc Giang) nêu rõ, mấy năm qua tốc độ tăng năng suất lao động chưa đạt chỉ tiêu kế hoạch.

Dẫn Báo cáo của Chính phủ, có nêu ra nhiều nguyên nhân, trong đó có nguyên nhân là đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao chưa thực sự đáp ứng được nhu cầu của thị trường. Đại biểu đề nghị Bộ trưởng cho biết trách nhiệm của Bộ và giải pháp trong thời gian tới?

Bộ trưởng Đào Ngọc Dung trả lời chất vấn của đại biểu

Bộ trưởng Đào Ngọc Dung trả lời chất vấn của đại biểu

Trả lời câu hỏi của đại biểu, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung cho rằng, năng suất lao động là một trong các chỉ tiêu vừa qua chúng ta không đạt, 2-3 nhiệm kỳ đều khó khăn trong vấn đề này.

Để nâng cao năng suất lao động, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung đề cập đến 4 vấn đề quan trọng: Công nghệ đổi mới sáng tạo; Vốn, nhiều vốn và vốn chất lượng cao rất quan trọng, sẽ giúp các quốc gia để xây dựng nền tảng sản xuất, chế biến; Nguồn nhân lực chất lượng cao, đây là yếu tố nền tảng, nhất là về chuyên môn, kỹ năng nghiệp vụ và ý thức tổ chức của người lao động; Và kinh nghiệm cho thấy các quốc gia phát triển, năng suất lao động cao thường tỉ lệ lực lượng lao động phi chính thức thấp. 

Ông Dung thông tin, vừa qua sau Kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XV, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã có phân công rất rõ ràng, Đề án về nâng cao năng suất lao động giao cho Bộ Khoa học & Công nghệ; Đề án nâng cao năng suất, đặc biệt đào tạo chất lượng cao thì Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì. Còn về hệ thống đào tạo trường nghề và giáo dục thì chúng tôi cùng với Bộ Giáo dục.

Theo đó, hiện nay toàn bộ các trường nghề, ở địa phương quản lý nhà nước trực tiếp và chủ quản. Hiện có 99 trường thì do các bộ, ngành quản lý trực tiếp, chủ quản. Còn chúng tôi là thực hiện chức năng quản lý nhà nước về giáo dục nghề nghiệp, chủ yếu là tham mưu xây dựng các chủ trương, các chính sách, kiểm tra, đôn đốc, thanh tra, kiểm tra, v.v. và tổ chức thực hiện các nhiệm vụ.

Đại biểu Nguyễn Văn Thi (đoàn Bắc Giang) chất vấn.

Đại biểu Nguyễn Văn Thi (đoàn Bắc Giang) chất vấn.

“Chúng tôi đã tham mưu để Ban Bí thư có Chỉ thị 21 ngày 4/5/2023, Nghị quyết của Quốc hội vừa rồi cũng đã giao nhiệm vụ rất rõ ràng, tham mưu cho Chính phủ để ban hành chiến lược giáo dục nghề nghiệp đến năm 2030, ban hành quy hoạch giáo dục nghề nghiệp. Đồng thời, đang phối hợp Bộ Kế hoạch và Đầu tư để xây dựng đề án chất lượng cao”, lãnh đạo Bộ Lao động phân tích rõ.

Từ đó, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung cho biết, để cải thiện năng suất lao động thời gian tới, sẽ tập trung vào 5 giải pháp căn bản sau:

Một là, tuyên truyền nâng cao nhận thức để tạo sự ủng hộ của xã hội, các bậc cha mẹ, người học, nhất là người học, học ra trường phải có nghề, có thu nhập và được học liên thông nếu có nhu cầu.

Hai là, sắp xếp lại quy hoạch mạng lưới.

Ba là, chuyển đổi cơ cấu lao động.

Bốn là, phát triển hệ thống giáo dục nghề nghiệp theo hướng mở, linh hoạt, đáp ứng yêu cầu thị trường.

Năm là, kết nối doanh nghiệp đào tạo kép, mỗi doanh nghiệp phấn đấu để trở thành 1 trường nghề. Kinh nghiệm của các nước phát triển, đặc biệt là các nước có trình độ cao như Đức, Úc hay một số quốc gia coi doanh nghiệp là trường nghề. "Đây là một yếu tố bắt buộc", ông Dung nhấn mạnh.