Tại tọa đàm “Mỗi đứa trẻ là một thiên tài”, hai chuyên gia giáo dục là Tiến sĩ Giáo dục Lịch sử Nguyễn Quốc Vương và Giảng viên Kỹ năng sống Trần Ngọc Thêm đã đưa ra những lời khuyên bổ ích và thú vị nhằm khuyến khích các bậc cha mẹ nuôi dưỡng trí thông minh của con, hỗ trợ và đồng hành, giúp con trở thành một thiên tài trong lĩnh vực mà con yêu thích.
Đừng bắt cá phải leo cây
Theo diễn giả Trần Ngọc Thêm, có tới 8 loại hình thông minh và mỗi đứa trẻ thông minh theo một cách khác nhau, có trẻ thông minh vận động, có trẻ lại thông minh về học thuật… Ðể biết con mình là ai, có năng lực đặc biệt gì, diễn giả khuyên các bậc phụ huynh nên tìm đọc câu chuyện trong Trường học của các loài thú.
“Truyện kể rằng, một hôm, các loài thú quyết định phải làm điều gì đó thật vĩ đại để giải quyết các vấn đề mà thế giới đang đối mặt. Và thế là chúng mở một trường học. Tất cả loài vật đã thông qua một chương trình giảng dạy bao gồm: leo cây, chạy, bơi và bay. Ðể việc quản lý được dễ dàng, mọi loài vật đều phải tham gia tất cả các môn học.
Vịt rất xuất sắc trong môn bơi lội, thậm chí còn giỏi hơn cả thầy giáo. Nhưng nó chỉ đủ điểm đậu môn bay, và rất tệ môn chạy. Vịt chạy rất chậm, nó phải ở lại trường sau giờ học và bỏ luôn cả môn bơi để luyện tập môn chạy. Việc này tiếp diễn cho đến khi màng chân của nó bị rách toạc và vịt chỉ đạt điểm trung bình trong môn bơi. Vì ở trường, điểm trung bình là chấp nhận được, nên chẳng ai lo lắng về điều đó, trừ vịt.
Ngựa dẫn đầu lớp trong môn chạy, nhưng nó gặp khó khăn lớn những giờ học leo cây. Sóc thì rất giỏi môn leo cây, nhưng lại thất bại trong môn bay. Khi thầy giáo yêu cầu phải bay từ dưới đất lên thay vì từ ngọn cây xuống, nó bị chuột rút do phải cố gắng quá sức và sau đó bị bốn điểm trong môn leo và điểm hai trong môn chạy. Ðại bàng là một đứa trẻ hư đốn và thường xuyên bị kỷ luật. Trong giờ học leo trèo, nó vượt qua tất cả các học sinh khác và leo đến ngọn cây sớm nhất nhưng bằng cách riêng của nó để đến đích chứ không phải dùng chân bám và leo từng bước như hướng dẫn.
Kết thúc năm học, lươn - một con vật hết sức kỳ dị, dù chẳng học môn nào xuất sắc, nhưng nó có thể bơi, chạy, leo và bay mỗi thứ một chút, nên đạt điểm trung bình môn cao nhất và trở thành thủ khoa”.
Câu chuyện nghe vừa hài hước, lại sâu sắc. Trên thực tế, mỗi giống loài sinh ra đều có một đặc điểm và thế mạnh riêng, đừng bắt vịt phải chạy, ngựa phải leo cây, sóc phải biết bay… Nhà bác học Albert Einstein đã từng nói: “Ai cũng là thiên tài. Nhưng nếu bạn đánh giá một con cá qua khả năng leo cây của nó, nó sẽ sống suốt đời với niềm tin rằng nó là kẻ đần độn”. Vậy nên, làm cha mẹ, việc của bạn là phát hiện ra tố chất hay thiên hướng của con mình và tạo điều kiện để con được phát huy tối đa tiềm năng đó.
Phát hiện và nuôi dưỡng tiềm năng của trẻ
Theo Tiến sĩ Nguyễn Quốc Vương, điều đầu tiên là cha mẹ cần quan sát khi con chơi. Nếu trẻ thích lắp ráp và khám phá thì có thể có thiên hướng về khoa học, hợp làm kỹ sư. Nếu trẻ thích trò chuyện và chỉ bảo cho người khác thì có thể làm giáo viên… Tiến sĩ Nguyễn Quốc Vương cho biết, hồi nhỏ anh rất thích lang thang ngoài cánh đồng và đọc sách. Sau này khi trưởng thành, trải qua nhiều công việc ở nhiều vị trí khác nhau từ phiên dịch, biên dịch, thư ký cho đến quản lý, giáo viên, giảng viên… nhưng anh vẫn thích nhất được ngồi đọc sách và viết sách (hiện Nguyễn Quốc Vương là một tác giả và dịch giả).
Thứ hai, cha mẹ nên tạo ra môi trường để thử thách trẻ. Tiến sĩ Nguyễn Quốc Vương lấy luôn ví dụ con gái mình. Khi gia đình mới ở Nhật về, con gái anh rất nhút nhát. Anh đưa con đi học bơi, cứ nhìn thấy nước là bé khóc và nhất quyết không chịu xuống bể bơi. Nhưng ngày nào anh cũng kiên nhẫn ngồi trên bờ với con. Cuối cùng, sau 10 buổi, con gái đã chịu xuống nước và thật kỳ diệu chỉ sau một thời gian ngắn, bé có thể bơi 5km liên tục trong bể (năm nay bé học lớp 2). “Ðể tìm ra tố chất vượt trội ở trẻ, cha mẹ nên khuyến khích con làm những điều mà trẻ chưa bao giờ thử” - Tiến sĩ Nguyễn Quốc Vương cho biết.
Anh cũng nhấn mạnh, việc cho trẻ trải nghiệm nhiều môi trường khác nhau rất quan trọng. Ví dụ như cô bé Totto-chan trong cuốn sách Totto-chan bên cửa sổ, khi ở trường học cũ là một học sinh tăng động, nhưng khi mẹ chuyển bé đến trường Tomoe, được thầy hiệu trưởng khuyến khích, em đã có cơ hội được phát huy trí thông minh nội tâm và kết bạn với mọi người. Sau đó, Totto-chan trở thành một nghệ sĩ truyền hình nổi tiếng của Nhật Bản.
Thứ ba, cha mẹ nên tin tưởng trẻ, đừng vội thất vọng về trẻ. Cuộc đời rất dài, cha mẹ cần kiên nhẫn, đừng vội đòi hỏi trẻ phải có kết quả ngay.
Thứ tư, thông qua việc hỏi ý kiến của các chuyên gia và sử dụng các công cụ thang đo, cha mẹ cũng có thể biết được con mình có khả năng đặc biệt gì.
Và điều quan trọng là cha mẹ đừng bao giờ tự biến mình thành giới hạn của con cái. Việc bạn đặt ra các giới hạn hoặc áp đặt trẻ có thể khiến cho trẻ bị thui chột tài năng và đi chệch hướng.
Thiên tài là do thiên bẩm và rèn luyện. Trẻ không có năng khiếu bẩm sinh nhưng chăm chỉ học tập và rèn luyện thì vẫn có khả năng giỏi trong một lĩnh vực nào đó. Ðể nuôi dưỡng tiềm năng ở trẻ, diễn giả Trần Ngọc Thêm khuyến khích các bậc phụ huynh “thả” trẻ vào môi trường có các bạn cùng chung chí hướng để trẻ có cơ hội được học tập và rèn luyện. Mặt khác, cha mẹ cũng có thể cho trẻ vào một môi trường khác để so sánh.
Môi trường rất quan trọng, nó ảnh hưởng khá nhiều đến lối sống và tư duy của một con người. Một cá nhân thành công là do được sống trong môi trường giáo dục tốt. Tuy nhiên, thành công, thành tựu của các thiên tài như: Newton, Edison, Einstein... không phải là kết quả thuần túy của nỗ lực cá nhân hay nỗ lực của gia đình họ. Nó là sự hun đúc, kết tinh của truyền thống, của cộng đồng, của di sản tinh thần, vật chất của hàng chục, thậm chí hàng trăm thế hệ trước cộng hưởng lại, Tiến sĩ Nguyễn Quốc Vương cho biết.