Một em bé sinh non nặng 500g đã được các bác sĩ BV Phụ sản Trung ương cứu chữa.
Ngày 17/11 là Ngày thế giới vì trẻ sinh non, tại BV Nhi Trung ương, BV Phụ sản Trung ương và BV Từ Dũ đã diễn ra nhiều hoạt động kỷ niệm. Đây không chỉ là dịp để những gia đình trẻ sinh non được gặp lại các bác sĩ đã từng chăm sóc trẻ, mà còn là cơ hội để các bậc cha mẹ trao đổi và chia sẻ kinh nghiệm chăm sóc trẻ sinh non cũng như đưa trẻ đến thăm khám lại.
Trẻ sinh non cần được khám lại cho đến khi 7 tuổi
Tại Lễ kỷ niệm Ngày thế giới vì trẻ sinh non với chủ đề “Những chú chim nhỏ - những đôi cánh lớn” của BV Nhi Trung ương, GS.TS Lê Thanh Hải - Giám đốc BV cho biết, trong 3 năm liên tiếp từ 2015 - 2017, mỗi năm BV đã điều trị cho hơn 500 trẻ sơ sinh non tháng. Mỗi ca sơ sinh non tháng, nhẹ cân nhập viện là một "cuộc chiến" dai dẳng với tử thần, có những trẻ mất 3 - 4 tháng nằm viện mới có thể trở về nhà.
Theo số liệu của khoa Hồi sức sơ sinh, BV Nhi Trung ương, số trẻ sinh non có cân nặng dưới 1.500g nhập viện điều trị chiếm 10-15% trong tổng số các bệnh nhân tại khoa.
Trẻ sinh non tháng nhẹ cân gặp rất nhiều nguy cơ đe dọa tính mạng ngay từ lúc mới lọt long, như: hàm lượng oxy khi sinh thấp, không có khả năng duy trì thân nhiệt, khó cho ăn và khó lên cân, nhiễm trùng, khó khăn về hô hấp như hội chứng suy hô hấp sơ sinh do phổi chưa trưởng thành, bệnh lý thần kinh, bệnh lý tiêu hóa… Ngoài ra, do các hệ cơ quan đều chưa trưởng thành nên nguy cơ bệnh tật của trẻ cao, trẻ cần được chăm sóc đặc biệt để có thể đuổi kịp những trẻ cùng tuổi nhưng sinh đủ tháng.
TS Nguyễn Thị Quỳnh Nga, Bộ môn Nhi, Đại học Y Hà Nội cho biết, tỉ lệ trẻ sơ sinh cân nặng thấp dưới 1.000g và dưới 28 tuần thai ngày càng gia tăng. Các trẻ sinh non dưới 37 tuần và trên 22 tuần, với cân nặng dưới 2.500g thường gặp các vấn đề về hô hấp, tiêu hóa, nhiễm trùng, bệnh tim bẩm sinh, tổn thương thần kinh, bệnh lý võng mạc…
Với trẻ sinh non dưới 32 tuần, trẻ chỉ được ra viện khi hệ thống hô hấp đã hoàn thiện, tự điều chỉnh được nhiệt độ cơ thể, có thể ăn bằng đường miệng, tăng cân đều, đã được dự phòng thiếu máu, tiêm vắc-xin, khám mắt, tai, thần kinh…
Trẻ sinh non khi xuất viện cần được thăm khám lại liên tục cho đến 7 tuổi, với các mốc: 1 năm đầu, 3 tháng khám 1 lần. Đến 2 tuổi, 6 tháng khám 1 lần và giai đoạn 3 - 7 tuổi, mỗi năm khám 1 lần.
Khám lại cho trẻ sinh non cần sự phối hợp của nhiều chuyên khoa thần kinh, phục hồi chức năng, mắt, tai mũi họng… nhằm hạn chế di chứng, cải thiện chất lượng cuộc sống… Thông thường, tròn 2 tuổi, các bé sinh non có thể đuổi kịp trẻ sinh đủ tháng.
Thành lập Câu lạc bộ Bà mẹ sinh non
Nhân kỷ niệm Ngày thế giới vì trẻ sinh non năm 2018, BV Nhi Trung ương quyết định thành lập Câu lạc bộ Bà mẹ sinh non đầu tiên tại Việt Nam. Đây là nơi để các bà mẹ giao lưu, giải đáp thắc mắc, tư vấn về theo dõi, chăm sóc và lập kế hoạch tương lai cho trẻ sinh non.
Các bác sĩ kiểm tra lại sức khỏe một số trẻ sinh non đã từng điều trị ở BV Nhi Trung ương.
Cứu sống trẻ sinh non 24 tuần tuổi nặng 500g
PGS.TS Trần Danh Cường - Giám đốc BV Phụ sản Trung ương cho biết: Sinh non là thảm họa của thế giới, là thách thức lớn của ngành sản khoa. Chăm sóc và điều trị cho trẻ sinh non rất tốn kém, vất vả không chỉ về tiền bạc, vật chất mà còn con người… Một đứa trẻ sinh non chào đời sẽ phải đối diện với các nguy cơ như: suy hô hấp, viêm ruột hoại tử, thiếu máu, vàng da, mù lòa, điếc, bại não, chậm phát triển tâm thần vận động… Tuy nhiên, nếu trẻ được chăm sóc, nuôi dưỡng đúng cách sẽ phát triển bình thường như những trẻ khác.
Hàng năm, Trung tâm Chăm sóc và điều trị sơ sinh của BV Phụ sản Trung ương đã tiếp nhận điều trị trên 26.000 trẻ sơ sinh, trong đó trẻ nhẹ cân, non tháng là 4.000 trẻ và 30% trong số này nặng dưới 1.500g, có tuổi thai dưới 30 tuần. Hàng ngày điều trị tại đây có khoảng 400 trẻ, có những trẻ chỉ nặng có 500g-600g.
BV Phụ sản Trung ương áp dụng nhiều biện pháp tiên tiến với các phương tiện thăm dò, chẩn đoán phát hiện nguy cơ sinh non nhằm hạn chế tỷ lệ sinh non. Nhiều thai phụ từ khi có những dấu hiệu dọa đẻ non đã phải vào nhập viện từ tuần thứ 16 cho đến lúc sinh. BV cũng áp dụng những phác đồ điều trị hiện đại nhất của thế giới với các loại thuốc hàng đầu về chống đẻ non.
TS Lê Minh Trác - Giám đốc Trung tâm sơ sinh BV cho biết: Năm 2010, Trung tâm đã lập kỷ lục của Việt Nam khi nuôi dưỡng thành công trẻ sinh non nặng 500g khi 25 tuần tuổi. Đến nay, bé Hải Dương đã học lớp 3 và phát triển hoàn toàn bình thường. Năm 2015, Trung tâm cứu sống cặp song sinh thụ tinh trong ống nghiệm 24 tuần tuổi nặng 500g và 600g. Đầu năm 2018, Trung tâm đã cứu sống 3 trẻ sinh non nặng 500g, 20 trẻ có cân nặng từ 600g-700g.
Cứ 10 trẻ ra đời lại có 1 trẻ sinh non.
Trẻ sinh non cần được chăm sóc đặc biệt.
Tầm quan trọng của phương pháp ấp kangaroo và sữa mẹ đối với trẻ sinh non
BS Nguyễn Thị Từ Anh - Trưởng Khoa Sơ sinh, BV Từ Dũ cho biết, đối với trẻ sinh non và cực non (700g - 1.500g), ngoài chăm sóc thiết yếu trong lúc sinh và giai đoạn hậu sản cho cả mẹ và trẻ sơ sinh, chăm sóc kangaroo và kháng sinh để điều trị nhiễm trùng sơ sinh, còn có sự tham gia với hiệu quả rất cao của nguồn sữa mẹ - nguồn thức ăn đạt chuẩn vàng về dinh dưỡng cho trẻ nhỏ. Các kháng thể có trong sữa mẹ sẽ giúp các bé tránh được các bệnh nhiễm khuẩn, đặc biệt là bệnh tiêu chảy, viêm tai giữa và nhiễm khuẩn hô hấp cấp tính.
Từ những nghiên cứu khoa học đã được Tổ chức Y tế Thế giới công nhận về giá trị các dưỡng chất trong sữa mẹ, BS Từ Anh đã giới thiệu với các bậc cha mẹ về dự án Ngân hàng sữa mẹ của BV Từ Dũ và những lợi ích vô giá mang lại từ nguồn sữa mẹ hiến tặng, được kiểm chuẩn, đạt chất lượng, sẽ hỗ trợ tốt nhất có thể cho quá trình điều trị và hồi phục của trẻ sơ sinh non tháng với các bệnh lý đi kèm.
Hiện nay, Ngân hàng sữa mẹ của BV Từ Dũ đang trong giai đoạn chuẩn bị các điều kiện cần thiết để đi vào hoạt động.
Khánh Linh/TC GĐ&TE