Hội thảo dành cho 250 bác sĩ đa khoa, bác sĩ gia đình và bác sĩ các chuyên khoa gồm: Nội tổng quát, Thần kinh… của các cơ sở y tế phía nam.
Theo thông tin tại hội thảo, hiện nay, trên thế giới có khoảng 350 triệu người (nhiều lứa tuổi) đang mắc bệnh trầm cảm.
Bác sĩ BV Tâm thần TP.HCM khám, tư vấn cho bệnh nhân trầm cảm, rối loạn lo âu, mất ngủ. Ảnh: DUY TÍNH
Theo thống kê của Trung tâm Kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh Mỹ (CDC), mỗi năm có gần 43.000 người Mỹ tự tử do trầm cảm. Điều này gây ra nỗi đau lớn cho hàng chục nghìn người thân của bệnh nhân. Riêng tại Việt Nam, mỗi năm số người tự tử do trầm cảm từ 36.000 - 40.000 người.
Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) lưu ý đến ba nhóm người thường tự tử do trầm cảm là nhóm vị thành niên và thanh niên, phụ nữ trong độ tuổi sinh sản (đặc biệt là sau khi sinh con) và người cao tuổi (trên 60 tuổi).
Theo các chuyên gia, cuộc sống công nghiệp hiện đại nhất là ở các đô thị lớn, áp lực công việc, cuộc sống… khiến người ta dễ căng thẳng, stress, trầm cảm.
Dù bệnh trầm cảm nguy hiểm nhưng nhiều người không điều trị bệnh này vì không biết mình mắc bệnh hoặc cảm thấy xấu hổ. Bác sĩ khuyên, nếu nghi ngờ mình bị trầm cảm, cần đến bệnh viện để khám ngay.
Để điều trị bệnh này, không chỉ có thuốc, mà còn cần gặp chuyên gia sức khỏe tâm thần, nhà trị liệu hoặc tư vấn, họ sẽ giúp người bệnh tầm soát bệnh trầm cảm và hỗ trợ bệnh nhân giải quyết những căng thẳng.