Quay lại Dân trí
Dân sinh
  1. Diễn đàn Dân sinh

Mỗi năm tốn 17.000 tỉ đồng cho 7000 công chức, viên chức không làm được việc

Con số này được ông Bùi Sỹ Lợi – Phó Chủ nhiệm Ủy ban về các vấn đề xã hội của Quốc hội đưa ra tại buổi tọa đàm trực tuyến với chủ đề: “Đánh giá và phân loại cán bộ công chức, viên chức làm sao cho thực chất” diễn ra chiều 19/12 do Cổng thông tin điện tử Chính phủ tổ chức.

Việc đánh giá công chức, viên chức còn nhiều bất cập

Mở đầu cuộc tọa đàm, ông Trương Hải Long - Phó Vụ trưởng Vụ cán bộ công chức, viên chức, Bộ Nội vụ chia sẻ: “Từ trước đến nay, Đảng và Nhà nước chúng ta luôn muốn có một quy định để đánh giá chính xác hiệu quả chất lượng cũng như việc thực thi nhiệm vụ, công vụ của đội ngũ cán bộ công chức. Việc triển khai Luật Cán bộ công chức trước hết là để đáp ứng yêu cầu cấp bách của việc đánh giá, phân loại cán bộ công chức hằng năm”.

Tuy nhiên, thực tế, hiện tượng đánh giá chưa thực sự thực chất, thành tích ảo vẫn còn tồn tại nhiều. Số liệu được ông Bùi Sỹ Lợi – Phó Chủ nhiệm Ủy ban về các vấn đề xã hội đưa ra cho thấy, 30% cán bộ công chức, viên chức không làm được việc, tương đương hơn 7.000 người và tiêu tốn 17.000 tỷ đồng/năm.

Hoặc như câu chuyện mà PGS.TS. Ngô Thành Can kể lại tại buổi tọa đàm. Đó là:  “Có lãnh đạo đã xấu hổ khi thấy báo cáo 97,5% cán bộ công chức hoàn thành nhiệm vụ, chưa đến 1% không hoàn thành nhiệm vụ...”. Chia sẻ sâu hơn về điều này, ông Can cho biết thêm, cần có cơ chế quản lý đội ngũ công chức, viên chức “động” với vị trí việc làm rõ ràng để có thể thay thế người làm không hiệu quả. “Cơ chế này cần tiến hành từng bước, nghĩa là có “độ trễ” của chính sách để không có tình trạng “con cháu ở lại, người làm tốt lại phải đi”. Cùng với đó, cần có những quy định để xóa bỏ cách đánh giá của nền công vụ “chức nghiệp” và tư tưởng “thương nhau” - cố gắng để mọi người đều hoàn thành nhiệm vụ như hiện nay”, PGS.TS Can phân tích.

Hiện tại, chưa đánh giá được thực tế, chất lượng cũng như hiệu quả của việc thực thi nhiệm vụ của cán bộ công chức, do đó Chính phủ đã ban hành Nghị định 56/2015/NĐ-CP. Nghị định này đã quy định về quy trình, thủ tục, tiêu chuẩn, điều kiện và thẩm quyền nhằm nâng cao hiệu quả công tác đánh giá, phân loại công chức hằng năm.

Tuy nhiên, việc đánh giá cán bộ công chức viên chức của một số cơ quan chưa sát với thực tiễn, như: Công chức, viên chức hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, hoàn thành tốt nhiệm vụ, hoàn thành nhiệm vụ đều phải có đề tài, sáng kiến được áp dụng và được cấp có thẩm quyền công nhận; bên cạnh đó việc đánh giá phân loại còn nể nang, né tránh… Do đó, dẫn đến một số khó khăn trong công tác sắp xếp, khen thưởng, kỷ luật, tinh giản biên chế, thậm chí tinh giản biên chế sai đối tượng.