Chia sẻ ý kiến xung quanh việc Đại tá Đào Vịnh Thắng - Trưởng phòng CSGT đường bộ - đường sắt (PC67), Công an TP Hà Nội đề xuất, mỗi công dân chỉ được sở hữu 1 xe ô tô và 1 biển số. Nếu công dân có nhu cầu đổi xe thì vẫn phải sử dụng biển số của xe cũ. Việc này nhằm hạn chế phương tiện cá nhân và xác định phương tiện là chính chủ, nâng cao ý thức của người tham gia giao thông, ông Nguyễn Thanh Tú, Vụ Pháp luật dân sự - kinh tế, Bộ Tư pháp cho rằng, đề xuất này chưa hợp pháp và hợp lý.
Hà Nội đang tìm giải pháp để chống tắc đường.
Đại diện Bộ Tư pháp cho rằng, nhìn từ góc độ pháp luật dân sự, đề xuất mỗi công dân chỉ được sở hữu 1 ô tô và 1 biển số xe có thể chưa hoàn toàn hợp pháp, hợp lý và chưa phải là phương án tối ưu trong bối cảnh chúng ta tôn trọng quyền con người, quyền công dân, quyền sở hữu tài sản. Nếu hạn chế quyền con người, quyền công dân, quyền sở hữu tài sản thì không phù hợp theo Hiến pháp. Bởi Hiến pháp quy định việc hạn chế các quyền này phải vì theo quy định của luật vì lý do quốc phòng an ninh hoặc sức khoẻ cộng đồng.
Đề xuất này là vấn đề gây tranh cãi, bởi kinh nghiệm của nhiều nước trên thế giới cho thấy, để hạn chế phương tiện xe cá nhân, giảm ùn tắc giao thông phải sử dụng nhiều biện pháp khác nhau như đánh thuế, thu lệ phí dựa trên đầu phương tiện.Sở hữu một xe ô tô đã đánh thuế cao rồi, nhưng từ xe thứ hai trở lên thì số tiền thuế có thể luỹ tiến lên và phải trả rất nhiều tiền nếu muốn sở hữu tiếp chiếc xe ô tô thứ 3-4. Có nghĩa là người nhiều tiền muốn sở hữu nhiều xe ô tô thì phải trả nhiều tiền thuế tương ứng.
Theo kinh nghiệm của một số nước còn áp dụng quy định thu phí khi lưu thông vào khu vực đông dân cư, thường xuyên tắc nghẽn giao thông. Nếu đi vào giờ cao điểm thì cũng phải chịu thuế phí cao hơn… Nếu làm thế mới đáp ứng được yêu cầu của Hiến pháp và pháp luật dân sự.