Quay lại Dân trí
Dân sinh
  1. Diễn đàn Dân sinh

Mỗi phận người đều tự lực cánh sinh trong cuộc đời mình…

Có thể nói không quá lời rằng, triết lý trong Phật pháp vô cùng nhiệm mầu, khoa học và thực tế, ngoài giúp cho con người hướng thiện, từ bi còn rất công bằng ở chỗ là ai sống và hành xử ra sao - tức tạo Nhân thế nào thì nhận Quả như vậy.

Ảnh minh họa

Ảnh minh họa

Tự lực cánh sinh, phước họa do mình

Không ít người hiểu mơ màng về Phật giáo và hay cầu xin điều này nọ khi quì trước Phật đài. Ðức Phật không ban phước cũng như giáng họa cho bất cứ ai, nên Phật tử nên vọng bái tưởng niệm vị minh chủ đã chỉ đường cho chúng sinh thoát khỏi bến mê, đi đến bờ giác ngộ hơn là xin xỏ để đạt mục đích cá nhân, bởi tất cả những gì con người “bị” hoặc “được” thụ hưởng hôm nay đều là do đã tạo Nhân, tức tạo Nghiệp lành hay Nghiệp dữ của hôm qua.

Hơn 2.500 năm trước, Ðức Phật Thích Ca Mâu Ni cũng là con người bằng xương bằng thịt, từ bỏ cung vàng điện ngọc, từ bỏ ngôi báu thái tử cùng gia đình với vợ đẹp con xinh chỉ vì Ngài thấy chúng sinh luẩn quẩn trong vòng luân hồi khổ đau bất tận. Và trong quá trình tầm sư học đạo, có lúc thất bại, sau cùng Ngài mới tìm ra chân lý và đắc đạo dưới gốc bồ đề năm Ngài 31 tuổi. Ngay cả cái tên “bồ đề” cũng đơn giản là nơi Ðức Phật thành đạo dưới gốc cây đó rồi cho nó mang tên bồ đề, tức là cây tỉnh thức, giác ngộ.

Vì là hiện thân của một con người mang thân tứ đại bình thường nên Ðức Phật cũng chết như bao người khác năm Ngài 80 tuổi với một chứng bệnh cụ thể là tiêu chảy. Tất nhiên, cái vãng sanh của bậc giác ngộ thì nhẹ nhàng như chuyện có Sinh ắt có Diệt mà Ðức Phật đã chứng đạo. Vì vậy, đạo Phật không phải là thần quyền ban phát này nọ, mà Ðức Phật sau khi tu hành đắc đạo đã chỉ đường cho chúng sinh đi đến bờ giác ngộ chứ không can thiệp bất cứ điều gì vào mỗi phận người. Ngài chỉ ra Nhân - Quả, Tội - Phước, Sinh tử - Luân hồi để mỗi con người tự chọn đường mà đi, tự chọn việc mà hành xử để có kết quả tốt đẹp cho mình. Ðiều đó cũng giống như vị bác sĩ chỉ cho bệnh nhân là anh bị tiểu đường, anh nên tránh ăn đường, bột quá liều, anh nên ăn thế này…, còn bệnh nhân đó có thực hiện hay không là do quyết tâm của anh ta và kết quả xấu - tốt hoàn toàn do anh ta tạo ra.

Tương tự, một người hoàn toàn có thể chủ động và tự lực cánh sinh với Phước - Họa cuộc đời của mình. Khi khởi lên một việc gì thì ta có thể đoán trước kết quả mình làm. Chẳng hạn khi gieo trồng lúa thì ba tháng sau sẽ gặt hái thành quả là những bông lúa trĩu nặng, ta gieo nhân nào gặt quả đó khi hội đủ duyên. Duyên tức là điều kiện, tức ba tháng, nếu sớm hơn chưa đủ duyên thì lúa chưa chín, nếu trễ hơn thì lúa sẽ rụng. Gieo lúa thì sẽ không thể gặt mè hay đậu. Và mỗi con người khi gieo trồng gì thì tự gặt lấy kết quả đó, có thể hay hoặc dở, không thể người khác nhận thay. Một đứa con ngỗ ngược, đi cướp giật thì cái quả xấu là tù tội khi đủ duyên, cha mẹ dù có thương hay bao che cũng không thể ở tù thay. Cũng như cha mẹ có thương con đến mấy cũng không thể bệnh thay con, ăn thay con, học thay con… mà cuộc đời đứa con phải do nó quyết định. Có chăng chỉ là cộng nghiệp giữa cha mẹ và con cái, nhưng lãnh nghiệp thì từng đứa con sẽ chịu trách nhiệm. Một đứa trẻ hư đốn hay thành nhân đều do nó quyết định ngay trong mỗi việc nó làm.

Những người có cùng “nghiệp” trong tiền kiếp hoặc có hạnh nguyện mong được gặp nhau kiếp lai sinh thì khi tái sinh, nếu đủ duyên sẽ về chung một nhà, hoặc dòng tộc do cộng nghiệp. Bởi vậy, có những gia đình hiền lương, thành nhân và cả thành đạt, ngược lại có những nhà con cái, cha mẹ đều bất nhân cũng là do có cùng… hệ số mà thành. Một số cộng nghiệp gặp nhau kiếp này để trả nợ do đã vay mượn từ tiền kiếp. Cho nên, việc trợ nghiệp của những người thân cận chỉ là phần nào, người được trợ giúp có nhận được hay không còn tùy vào phước đức người đó. Ngay cả khi mất, đạo Phật hay có tụng kinh, nhưng người mất có nhận được phần hồi hướng công đức từ người thân hay tiếng tụng niệm góp phần dẫn đường hay không cũng còn phụ thuộc vào phước của người đó, nghĩa là người đó hoàn toàn phải tự chịu trách nhiệm từ nghiệp lực hiện ra mà tái sinh vào cõi lành - dữ với những gì mình đã làm, đã nghĩ khi tại thế.

Ai ăn nấy no, ai tu nấy đắc

Chính nhờ Ðức Phật chỉ đường đi đến bờ giác ngộ cho chúng sinh để mỗi con người đều tự lực cánh sinh làm chủ cuộc đời mình, tạo nhân lành thì sẽ được nhận trái ngọt trong tương lai và ngược lại. Tương lai có thể là ngay sau đó hoặc kiếp sau, khi hội đủ duyên. Không ai giúp hay làm thay cá nhân nào được, giống như ai ăn thì người đó no, không thể người này ăn mà người kia no. Cũng như ai tu thì người đó đắc đạo, hiểu rộng ra, tu nghĩa là sửa mình, là tìm con đường chân lý để đi đúng hướng, để gặt hái tốt đẹp cho mỗi hành vi của mình, để làm việc thiện, để khai mở tâm từ bi một cách trí tuệ, hiểu việc mình làm không rơi vào vô minh.

Tự lực cánh sinh trong đạo Phật hay trong đời sống đều có nét tương đồng nhau. Mỗi cá nhân đều hiểu việc mình làm và không ỷ lại, luôn làm việc thiện cũng là tích phước cho chính mình. Ruộng phước từ tiền kiếp dù có bao la cỡ nào mà con người trong hiện tại không tiếp tục vun trồng thì rồi cũng cạn kiệt, nghiệp xấu kéo tới. Khi mà con người đã hiểu và luôn chủ động làm việc thiện thì có niềm tin vào nhân - quả, vào sự tự lực, không cậy nhờ vào đấng tối cao nhờ ban phước, xã hội sẽ đỡ đi những trò lầm lẫn, xin xỏ Phật Trời, bởi ranh giới giữa tâm linh và mê tín rất mong manh!