Quay lại Dân trí
Dân sinh
  1. Diễn đàn Dân sinh

  2. Đời sống

Mọi trẻ em đều có nguy cơ bị bắt nạt, xâm hại trên Internet

(Dân sinh) - Ngày 28/5, tại Hà Nội, Bộ TT&TT phối hợp với UNICEF tại Việt Nam tổ chức Hội thảo quốc tế lấy ý kiến các bộ, ngành, cơ quan chức năng, tổ chức quốc tế hoạt động vì trẻ em trên lãnh thổ Việt Nam cho đề án "Bảo vệ và hỗ trợ trẻ em tương tác lành mạnh, sáng tạo trên môi trường mạng" giai đoạn 2020-2025.

Phát biểu khai mạc Hội thảo, Thứ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Thành Hưng cho biết: Thế giới nói chung và Việt Nam nói riêng đang bước vào thời đại chuyển đổi số rộng khắp. Sự phát triển đa dạng các thiết bị kết nối, nền tảng mạng xã hội và ứng dụng di động đã tạo nên thay đổi lớn trong thói quen sinh hoạt của con người. Trẻ em không phải là ngoại lệ. Khi tham gia môi trường mạng, trẻ em đang phải đối mặt với rủi ro về bắt nạt, nội dung không phù hợp, ứng xử không phù hợp, tiếp xúc không phù hợp,  nguy cơ nghiện Internet/game trực tuyến, mạng xã hội, xâm hại tình dục... 

Mọi trẻ em đều có nguy cơ bị bắt nạt, xâm hại trên Internet - Ảnh 1.

Người lớn cần hướng dẫn trẻ sử dụng mạng xã hội an toàn.

Theo Viện nghiên cứu quản lý phát triển bền vững (MSD) và Tổ chức cứu trợ trẻ em quốc tế (Save the Children), 66,1% trẻ em Việt Nam có cơ hội tiếp cận thiết bị kết nối Internet. Trong đó, 43,4% có thời gian sử dụng trung bình từ 1-3 tiếng  trong ngày. Trong năm 2018, Việt Nam có 706.435 vụ báo cáo về hình ảnh/video xâm hại tình dục trẻ em trên mạng; đứng thứ 2 trong ASEAN, sau Indonesia . Những thống kê, số liệu kể trên đã và đang làm nhức nhối các cơ quan chức năng, người làm cha mẹ và đội ngũ giáo viên trong cả nước. 

"Nếu như trong cuộc sống thực, trẻ em được bảo vệ bởi nhiều thiết chế như gia đình, họ hàng người thân cho đến nhà trường, trung tâm chăm sóc và hỗ trợ trẻ em... Tuy nhiên trên môi trường mạng, còn thiếu rất nhiều thiết chế để bảo vệ trẻ em như cách chúng ta làm trong cuộc sống thực; trong khi đó, bất kỳ một trẻ em nào truy cập Internet đều chịu nhiều nguy cơ tiềm ẩn từ việc bắt nạt trên mạng, dụ dỗ qua mạng, lừa đảo qua mạng hay thậm chí là bị tấn công, xâm hại tình dục qua môi trường mạng", ông Hưng nhấn mạnh.

Theo bà Lesley Miller, Phó Trưởng Đại diện của UNICEF tại Việt Nam, xâm hại trẻ em trên mạng là xu hướng ngày càng tăng và không có số liệu chính xác. Hàng ngàn trẻ em bị bắt nạt trên mạng xã hội mỗi ngày. Bên cạnh đó, những kẻ xấu có mục đích dâm ô, xâm hại trẻ em. Nhiều em còn ngây thơ, tin tưởng người khác và chia sẻ hình ảnh nhạy cảm với những người các em gọi là bạn mà không lường trước được hậu quả.

Ông Hoàng Minh Tiến, Phó Cục trưởng Cục An toàn thông tin (Bộ TT&TT) cho biết, với định hướng bảo vệ trẻ em tương tác lành mạnh, sáng tạo trên môi trường mạng, đặc biệt sử dụng lợi thế của công nghệ thông tin và truyền thông, sự hỗ trợ của các nền tảng kỹ thuật, Bộ TT&TT phối hợp với các cơ quan liên quan: Bộ LĐ-TB&XH, Bộ Công an, Bộ GD&ĐT xây dựng Đề án "Bảo vệ và hỗ trợ trẻ em tương tác sáng tạo, lành mạnh trên môi trường mạng" giai đoạn 2020-2025. Mục tiêu của Đề án là hỗ trợ trẻ em tiếp cận, tương tác môi trường mạng một cách tích cực, nâng cao chất lượng học tập và giải trí của trẻ em thông qua việc ứng dụng công nghệ.

Để giải quyết những tồn tại hiện có, Đề án đã đề xuất những giải pháp đột phá hơn. Triển khai ứng dụng công nghệ được coi là trọng tâm. Đề án hình thành các nền tảng phân tích dữ liệu lớn, ứng dụng trí tuệ nhân tạo để phát hiện, cảnh báo nội dung gây nguy hại, xâm phạm đến trẻ em, quyền trẻ em trên môi trường mạng. "Bộ kỹ năng số" được đề xuất với  mục tiêu trang bị cho trẻ những kỹ năng tương tác an toàn trên môi trường mạng, chủ động bảo vệ bản thân khỏi những nguy cơ có hại. 

Đồng thời, giải pháp về xây dựng nội dung bổ ích, thú vị được đề xuất nhằm xây dựng môi trường Internet lành mạnh, thu hút trẻ em cho những hoạt động tích cực. Song song với việc ứng dụng công nghệ, Đề án tiếp tục các giải pháp truyền thống gồm có: hoàn thiện hành lang pháp lý giải quyết các tồn tại trong cơ chế chính sách bảo vệ trẻ em trên môi trường mạng; giáo dục tuyên truyền, nâng cao nhận thức;

Giải pháp về tổ chức, Đề án đề xuất hình thành Trung tâm tư vấn và Mạng lưới hỗ trợ trẻ em trên môi trường mạng. Trung tâm tư vấn là nơi thực hiên công tác hỗ trợ giúp trẻ phục hồi về tâm lý, thể chất và tinh thần khi bị xâm hại, xâm phạm trên môi trường mạng. Mạng lưới hỗ trợ trẻ em trên môi trường mạng được hình thành trên cơ sở phối hợp với các đầu mối trong nước, ASEAN và quốc tế để tiếp nhận thông tin, kịp thời phát hiện và ngăn chặn hoặc hỗ trợ ngăn chặn các vụ việc nguy hại, xâm phạm đến trẻ em, quyền trẻ em trên môi trường mạng.

Những giải pháp nêu trên góp phần quan trọng trong công tác bảo vệ trẻ em, phòng, chống xâm hại trẻ em trên môi trường mạng. Đồng thời, tập trung phát triển kỹ năng thiết thực, bổ ích cho nguồn nhân lực số, đáp ứng yêu cầu của quá trình chuyển đổi số, phát triển kinh tế số của đất nước trong giai đoạn mới.