Quay lại Dân trí
Dân sinh
  1. Diễn đàn Dân sinh

Môi trường làm việc an toàn - Hạnh phúc cho người lao động

Mô hình quản lý an toàn vệ sinh lao động tại khu vực làng nghề
 
Hiện nước ta có trên 5.000 làng nghề, giúp tạo việc làm, thúc đẩy phát triển kinh tế, nhưng cũng tiềm ẩn nhiều nguy cơ mất an toàn lao động và sức khỏe. Hoạt động sản xuất, kinh doanh ở làng nghề hiện nay phát triển khá sôi động, nhưng chủ yếu theo quy mô gia đình. Việc đầu tư cơ sở sản xuất đáp ứng yêu cầu về an toàn, vệ sinh lao động rất khó vì ít vốn. Hơn nữa, lao động tại đây thường là có mối quan hệ gia đình, hàng xóm với người sử dụng lao động nên luôn có tâm lý “tin nhau” và thỏa thuận miệng mà không có hợp đồng lao động đi kèm. Mặt khác, do nhiều nguyên nhân, việc tập huấn kiến thức về an toàn lao động trong cơ sở làm nghề còn hạn chế. Để đáp ứng được mục tiêu phát triển bền vững về kinh tế, xã hội, giảm thiểu ô nhiễm môi trường, đảm bảo sức khỏe cho người lao động cũng như cộng đồng dân cư, đồng thời tăng cường sự tham gia của các cấp chính quyền, người dân trong công tác xã hội hóa an toàn vệ sinh lao động và bảo vệ môi trường, các cơ quan quản lý Nhà nước các cấp cần khuyến khích triển khai áp dụng Mô hình quản lý an toàn vệ sinh lao động tại khu vực làng nghề.
 
Việc xây dựng tài liệu tập huấn và mở rộng các lớp tập huấn tại các làng nghề sẽ là cấp thiết, do đây là những nơi tiềm ẩn nguy cơ cao về mất an toàn lao động.Trước mắt, việc hướng dẫn đảm bảo an toàn, vệ sinh môi trường lao động tập trung vào các mô hình làng nghề đã thực hiện điểm về an toàn lao động. Tập trung đảm bảo an toàn lao động ở các khâu liên quan đến điện, phòng chống cháy nổ, hóa chất.


Chú trọng kiến thức, kỹ năng, trang phục bảo hộ phòng, tránh TNLĐ tại cơ sở sản xuất làng nghề.

Nâng cao nhận thức cho các cơ sở sản xuất và người lao động về bảo đảm ATVSLĐ
 
Huyện Thạch Thất (Hà Nội) nổi tiếng với nhiều làng nghề truyền thống cùng các sản phẩm mộc dân dụng. Hiện trên địa bàn huyện Thạch Thất có 10 làng nghề được công nhận là làng nghề truyền thống, thu hút hơn 1.000 DN và trên 20.000 hộ sản xuất, kinh doanh với các ngành nghề như mây tre đan, mộc dân dụng, kim khí… 
 
Ở làng nghề kim khí xã Phùng Xá, làng nghề có tuổi đời hàng trăm năm nay với trên 100 mặt hàng đang có mặt trên thị trường như tôn lợp, bản lề, khung nhà xưởng, cuốc, xẻng… Làng nghề này đã tạo việc làm cho khoảng 5.000 lao động địa phương và hàng nghìn lao động từ các xã lân cận và tỉnh ngoài. Anh Nguyễn Đức Hoàn, thợ cơ khí thôn Vĩnh Lộc, xã Phùng Xá, huyện Thạch Thất cho biết: Mọi người coi việc trang bị bảo hộ vướng víu chân tay, tiếp xúc với môi trường làm việc chật chội, gần máy móc, lửa lò nên không ai muốn mặc kín cả, nhất là vào mùa hè. Nhiều vụ tai nạn xảy ra do sự chủ quan của người lao động. Thực tế ở các làng nghề, người sử dụng lao động thường đánh giá thấp nguy cơ phát sinh từ những máy móc không được bảo dưỡng, bảo trì đầy đủ và nhu cầu về thiết bị bảo hộ.


Việc bảo đảm sức khỏe cho người lao động tại các làng nghề cần được kiểm tra, theo dõi chặt chẽ.

  Ông Nguyễn Hồng Nhật - Phó Bí thư Thường trực huyện ủy Thạch Thất cho biết, việc bảo đảm sức khỏe cho người lao động tại các làng nghề cần phải có sự kiểm tra, theo dõi chặt chẽ hơn. Với lao động tại các làng nghề truyền thống, nhất là các làng nghề có nguy cơ ô nhiễm cao, việc khám sức khỏe cho người lao động phải được tiến hành định kỳ hàng năm. Đồng thời, người lao động cần tuân thủ các quy định về an toàn lao động, vệ sinh môi trường, vệ sinh an toàn thực phẩm để tự bảo vệ sức khỏe của mình. Cũng theo ông Nguyễn Hồng Nhật, các cấp chính quyền cũng cần chỉ đạo đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục, nâng cao nhận thức cho các cơ sở sản xuất và người lao động về bảo đảm ATVSLĐ và bảo vệ môi trường; tăng cường các cuộc thanh kiểm tra việc tuân thủ luật pháp về lĩnh vực ATVSLĐ, kiểm tra việc sử dụng các thiết bị có yêu cầu nghiêm ngặt về an toàn tại các hộ gia đình/doanh nghiệp.

Trên địa bàn huyện Đông Anh (Hà Nội) có khoảng 4.100 doanh nghiệp. Trong Tháng hành động ATVSLĐ 2020 vừa qua, huyện đã đi kiểm tra các đơn vị, DN, tập trung vào các ngành nghề, lĩnh vực còn tồn tại những sai phạm và có nguy cơ rủi ro cao về tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp. Huyện cũng kiểm tra những đơn vị sử dụng thiết bị, máy móc, vật tư có yêu cầu cao về an toàn lao động.
 
Xã Liên Hà (huyện Đông Anh) – nơi có nghề mộc mỹ nghệ truyền thống, cả xã có hơn 4.000 hộ gia đình, trong đó có hơn 70% làm nghề liên quan tới sản xuất, kinh doanh đồ gỗ mỹ nghệ. Từ đầu năm 2020 đến nay, trên địa bàn xã không xảy ra tai nạn lao động nghiêm trọng. Chia sẻ về việc thực hiện Tháng Hành động về ATVSLĐ năm 2020, bà Dương Thị Thanh Nga – Cán bộ chính sách xã Liên Hà cho hay: Hàng ngày, xã đều tuyên truyền công tác bảo đảm ATVSLĐ trên loa phát thanh tới các thôn, thành lập đoàn thanh tra đi kiểm tra các hộ sản xuất, kinh doanh trong làng nghề. Đa số NLĐ trong các cơ sở sản xuất đều tuân thủ quy tắc ATVSLĐ, một số trường hợp chưa thực hiện đã được đoàn kiểm tra nhắc nhở và yêu cầu bổ sung ngay. 
 
Anh Nguyễn Thanh Hài, chủ xưởng Hài Mai chia sẻ: Xã thường xuyên tuyên truyền thực hiện sản xuất bảo đảm an toàn, chứ không chỉ trong Tháng Hành động ATVSLĐ. Không riêng cơ sở của tôi, tất cả chủ xưởng sản xuất đồ gỗ đều có tinh thần nâng cao an toàn trong lao động. Cơ sở của tôi thuê 7 nhân công.  Người lao động thường xuyên được nhắc nhở khi đứng máy cưa xẻ, phải tuân thủ tuyệt đối nguyên tắc sử dụng máy để không xảy ra tai nạn. 
 
Bài học rút ra trong việc thực hiện ATVSLĐ trên địa bàn huyện Đông Anh là cấp huyện và xã thường xuyên tuyên truyền bằng các hình thức khác nhau. Đồng thời, đưa ra những biện pháp gợi mở để người dân ứng dụng vào sản xuất an toàn. Đó chính là lý do trong năm 2019, trên địa bàn huyện Đông Anh chỉ xảy ra 1 vụ tai nạn lao động ở khu vực phi kết cấu và trong Thánh Hành động về ATVSLĐ năm 2020 không để xảy ra trường hợp nào.
 Việc xây dựng tài liệu tập huấn và mở rộng các lớp tập huấn tại các làng nghề sẽ là cấp thiết, do đây là những nơi tiềm ẩn nguy cơ cao về mất an toàn lao động. 
 

Hồng Lĩnh/GĐTE