Trung tâm Bảo trợ xã hội Thanh Hóa tiền thân là Trại Cứu tế Đông Thành được thành lập ngày 26/02/1964 trực thuộc Ban Tổ chức dân chính tỉnh Thanh Hóa theo Quyết định số 367-TCDC/UBTH ngày 26/02/1964 của UBND tỉnh Thanh Hoá. Do nhu cầu của công tác trợ giúp xã hội trên địa bàn, đơn vị đã nhiều lần đổi tên để phù hợp với chức năng, nhiệm vụ tiếp nhận, quản lý, chăm sóc, điều trị, nuôi dưỡng và phục hồi chức năng cho bệnh nhân tâm thần mãn tính có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa. Hiện nay Trung tâm đang tiếp nhận, quản lý, chăm sóc, điều trị, nuôi dưỡng và phục hồi chức năng cho 580 bệnh nhân tâm thần mãn tính có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn trên địa bàn tỉnh.
Ông Vũ Đình Hoàn, Giám đốc Trung tâm cho biết: “Với đặc thù quản lý, chăm sóc một số lượng lớn bệnh nhân tâm thần, công tác đảm bảo vệ sinh môi trường được xem là một nhiệm vụ quan trọng của Trung tâm. Kể từ khi thành lập đến nay, Trung tâm đã trồng hàng nghìn cây xanh tạo bóng mát, cải tạo đất trống trồng một số loại cây ăn quả, rau xanh, mặt nước hồ điều hòa nuôi thả cá để cung cấp nguồn thực phẩm sạch phục vụ cho các đối tượng. Với 9 phòng, khoa chức năng trong đó có nhiều phòng khoa đã xuống cấp, hàng năm Trung tâm đều dành một phần kinh phí để sửa chữa khắc phục với mục tiêu đảm bảo chỗ ở của đối tượng, nơi làm việc cán bộ sạch sẽ, an toàn. Ngoài sự đầu tư xây dựng cơ sở vật chất của Nhà nước, Trung tâm còn vận động, xin hỗ trợ từ các nhà từ thiện, doanh nghiệp để cải tạo khuôn viên, nơi ở cho các đối tượng tạo không gian sạch sẽ, trong lành, thoáng mát” – ông Hoàn thông tin.
Trong chăm sóc đối tượng, Trung tâm thực hiện nghiêm túc việc ăn chín, uống sôi, các quy định về vệ sinh an toàn thực phẩm, đa dạng thực đơn các bữa ăn cho bệnh nhân, duy trì việc lưu mẫu thức ăn hàng ngày đề phòng tình huống xấu xảy ra. Trung tâm luôn duy trì thực hiện tốt công tác phục vụ về dinh dưỡng 3 bữa/ngày, thường xuyên chế biến, thay đổi món ăn cho bệnh nhân đảm bảo đầy đủ về số lượng, chất lượng. Trong các dịp lễ, tết và hàng quý đơn vị đã tổ chức ăn thêm ngoài chế độ thường xuyên cho bệnh nhân.
Với những đối tượng tâm thần nặng, không tự chủ được trong sinh hoạt đều được cán bộ y tế tại các phòng, khoa thực hiện công việc tắm giặt cho người bệnh, định kỳ cắt móng tay, móng chân, cắt tóc, cạo râu, tẩy uế các khu vực cống rãnh thoát chất thải.
Các phòng ở của bệnh nhân được sắp xếp gọn gàng, găn nắp, đảm bảo thoáng mát, duy trì khuôn viên trong và ngoài khoa luôn xanh, sạch, đẹp, hạn chế thấp nhất nguy cơ lây nhiễm bệnh. Các chất thải sinh hoạt của cả tập thể được thu gom, xử lý qua hệ thống xử lý chất thải, hệ thống lắng lọc… đảm bảo an toàn trước khi xả thải ra môi trường.
Rác thải sinh hoạt hàng ngày được Trung tâm thu gom, vận chuyển về lò đốt theo quy định. Với rác thải y tế, Trung tâm đã ký kết hợp đồng với một đơn vị thu gom xử lý rác thải tại huyện Quảng Xương, toàn bộ số rác thải y tế khi tập kết đủ đều được vận chuyển đưa đi xử lý theo quy định.
Để phòng ngừa dịch bệnh hàng tuần, hàng tháng Trung tâm đều tổ chức phun thuốc tiêu độc khử trùng toàn bộ Trung tâm.
"Việc đảm bảo an toàn, vệ sinh môi trường, xây dựng môi trường xanh, sạch, đẹp luôn được Trung tâm chú trọng quan tâm, đây cũng là một trong những tiêu chí đánh giá chất lượng công việc của các phòng, khoa vào cuối năm…” – ông Hoàn nói.