Đó cũng là điều dễ hiểu, bởi do sự giao thoa văn hóa, trong đó có ẩm thực. Bà con các dân tộc cùng chung sống trên vùng đất này dùng hột vịt lộn nấu với bầu, hẹ, hay gốc hành lá và nhiều thứ khác nữa.
Đặc điểm chung của các món ăn từ hột vịt là ngọt và bổ. Công thức nấu các loại canh này cũng gần giống nhau, chỉ có dị bản ở chất nấu kèm với hột vịt lộn mà thôi.
Lá bình bát dây
Bình bát dây là loại dây leo mọc hoang. Sức sống của chúng khá mãnh liệt. Lá màu xanh đậm, non, mướt. Trái của loại dây này trông giống trái dưa chuột (một loại dưa leo trái nhỏ), nhưng khi chín lại có màu đỏ, hột có vị đắng. Nhiều người bình dân còn lấy hột này phơi khô nấu nước uống vừa giải độc, vừa lợi tiểu.
Tô canh hột vịt lộn nấu lá bình bát dây.
Lá và đọt bình bát dây cũng là loại rau luôn có mặt trong món canh xiêm lo của bà con đồng bào Khmer. Chỉ việc hái mấy nắm lá bình bát dây về rửa sạch là có thể nấu canh ăn ngon lành. Hột vịt lộn là những hột vịt đã được cho ấp qua trên mười ngày. Lấy hột vịt ấy luộc chín rồi lột bỏ vỏ. Nguyên hột vịt tròn vo, nửa còn lòng đỏ vàng tươi, phía dưới là miếng mề khi ăn nhai nghe sần sật … thật đã miệng.
Bắc nồi nước lên bếp chờ sôi, thả hột vịt lộn đã chuẩn bị vào xoong, chờ sôi lại nêm chút muối cục và muỗng bột ngọt, cho tiếp lá bình dây vào đảo đều, chờ canh vừa sôi lại thì nhắc xuống. Đơn giản vậy mà đã có được một món canh hột vịt nấu bình bát dây ngon ngọt từ lá cây vườn nhà.
Món canh hột vịt nấu bình bát dây cần ăn nóng mới ngon. Chan nước canh vô chén cơm, ăn với kho khô quẹt, chỉ nghe thôi cũng đã thấy ngon thấu trời. Món ăn dân dã, lại mát và không lo bất cứ chất hóa học nào can thiệp. Có lẽ vì thế ngày càng nhiều bà con ưa chuộng món ăn đậm chất hương đồng cỏ nội quê mình.