Từ khi cư dân đến vùng đồng đất đất miền Tây, nơi có kênh rạch chằng chịt để khai hoang, khẩn hóa, nhiều ngôi đình, miếu cũng được dựng lên, làm nơi thờ Thần hoàng bổn cảnh, thờ Bà Cố Hỷ, Bà Chúa Tiên, Chúa xứ, … Và mỗi khi đến ngày lễ cúng, dân chúng khắp nơi tề tụ về để hành lễ. Một trong những món lễ vật không thể thiếu là thịt heo quay.
Mâm lễ gồm món thịt heo quay, bánh hỏi.
Người ta chọn những con heo cỡ vài chục kí lô làm thịt, lấy hết đồ lòng rồi ướp ngũ vị hương, mè rang, đường, nước mắm, … Tất cả hòa thành một hỗn hợp sền sệt để phết lên. Heo quay trong lò xây kín. Than đước đốt đỏ rực đưa vào lò từng mẻ. Sức nóng làm cho mỡ heo chảy ra. Da heo vàng giòn, thịt heo chín đượm màu tươi.
Dần dần về sau, mỗi khi nhà có tiệc vui như thôi nôi, đầy tháng hay những buổi lễ khánh thành, người được bổ nhiệm chức vụ mới… người ta cũng làm heo quay để cúng mong được “ông trời” phù hộ, độ trì.
Món thịt heo quay được bày trang trọng trên mâm lễ.
Cũng xin nói thêm rằng sau này, người ta ưa thích những con heo sữa quay hơn heo lớn. Bởi heo nhỏ thịt mềm, lại quay mau giòn, …
Sau nghi thức cúng tế, heo quay được chặt ra để đãi tiệc. Người miền Tây thường dọn kèm thịt heo quay với bánh hỏi, rau sống. Nước chấm heo quay là nước mắm pha nước cốt chanh, tỏi, ớt bằm nhuyễn, … Thịt heo quay cũng có thể ăn với bánh mì, bún, … Đặc biệt nhất là những bộ phận xương nhiều như đầu, chân giò, … người ta thường hay chặt nhỏ vừa ăn rồi kho với nước dừa tươi. Phải nói rằng thịt heo quay kho nước dừa để dành ăn được lâu lại vừa ngọt vừa thơm khó có gì sánh kịp.
Món thịt heo quay - món ăn cao cấp gắn liền với nghi lễ dân gian của cư dân miệt đồng bằng vùng Tây Nam bộ đã và đang tồn tại đến hôm nay.