Trên diễn đàn Yêu bếp, chị My Na chia sẻ nhiều công thức chế biến từ lá, quả mướp đắng. Trong đó, có hai món cực ngon mà ít người chưa biết, đó là món chả cuốn lá mướp đắng và Canh mướp đắng nhồi thịt thả tôm khô và lá.
Theo chị My Na, để làm món chả cuốn lá mướp đắng cần các nguyên liệu sau:
- Lá mướp đắng: nên chọn lá chớm bánh tẻ, to 1 chút thì cuốn chả sẽ dễ hơn.
- Thịt nhồi mướp đắng: Nên dùng thịt nạc vai giòn, ướp thêm một chút hạt nêm, hành khô và hạt tiêu.
Rán như rán chả lá lốt, nếu ngại, có thể dùng nồi chiên không dầu. Sau khi chiên, miếng chả ngọt, bùi thơm của thịt quện lẫn mùi thơm nhẹ và hơi đắng của lá, tạo nên vị rất ngon!
Canh mướp đắng nhồi thịt thả tôm khô và lá: Mới ăn thì có vị đắng, ngọt hậu và mùi thơm đặc trưng của mướp đắng lẫn tôm khô. Theo chị My Na thì rất ngon, lạ miệng. Lá mướp đắng nấu canh nên chọn lá non, nhỏ vì mình để nguyên lá chứ không cắt nhỏ nhé. Nước canh sôi thì thả lá vào đảo đều rồi nhấc ra ngay.
Bs. Phương Thảo trên Báo Khoa học đời sống cũng chia sẻ mấy món ngon, bài thuốc từ mướp đắng như sau:
Mướp đắng xào đậu phụ: mướp đắng 150g, đậu phụ 100g. Đậu phụ thái lát, rán vàng. Mướp đắng rửa sạch, bỏ ruột thái lát, xào với dầu thực vật tên lửa to cho chín tái, cho đậu phụ, ít gia vị, xào tiếp cho chín đều. Ăn ngày 1 lần. Người bệnh đái tháo đường nên ăn món này hằng ngày. Mướp đắng xào đậu phụ rất tốt cho người bệnh đái tháo đường.
Mướp đắng xào thịt nạc: mướp đắng 150g, thịt nạc 100g. Thịt nạc thái mỏng, ướp bột gia vị xào chín tới. Mướp đắng bỏ ruột thái lát xào lửa to cho chín tái, thêm bột gia vị, cho tiếp thịt nạc vào xào chín đều. Món này rất tốt cho người bị chảy máu cam, đái tháo đường, đau mắt đỏ...
Mướp đắng xào cà rốt: mướp đắng 60g, cà rốt 60g, thêm hành, tiêu, gia vị; xào với lửa to. Ăn ngày 2 lần. Dùng tốt cho người bị tiêu chảy, đặc biệt là trẻ nhỏ (liều lượng bằng nửa của người lớn).
Mướp đắng xào cà rốt tốt cho người bị tiêu chảy, đặc biệt là trẻ nhỏ.
Thịt nạc hầm mướp đắng củ cải: mướp đắng 250g – 500g, thịt lợn nạc 125g – 250g, củ cải 100g – 200g. Mướp đắng rửa sạch thái lát; thịt lợn nạc thái miếng; củ cải thái miếng. Tất cả hầm với nước, khi chín thêm gia vị. Ăn ngày 1 lần, liên tục 20 ngày. Món này rất tốt cho các người bệnh viêm họng mạn tính, đau rát họng, ho khan, viêm nề hoặc viêm teo niêm mạc họng.
Bài thuốc chữa bệnh có mướp đắng
Nước tắm cho trẻ em nhiều rôm sảy: mướp đắng 2 – 3 quả rửa sạch, bổ làm đôi, nấu với nước, lấy nước tắm cho trẻ. Ngày làm 1 lần.
Chữa ho: mướp đắng 1 – 2 quả rửa sạch, bổ làm đôi, cho vào nồi, đổ nước nấu lấy nước uống trong ngày.
Chữa thấp khớp: lá mướp đắng 8g, dây đau xương sao 8g, cây xấu hổ 8g, rễ nhàu 8g, cỏ xước 8g, cây vòi voi sao 8g, cối xay 8g, rễ ngũ trảo 5g, dây thần thông 5g, quế chi 4g, gừng tươi 3g. Sắc ngày uống 1 thang.
Dùng cho người bệnh đái tháo đường, sốt cao mất nước, miệng khô, họng khát: mướp đắng 1 - 2 quả, tách bỏ ruột, thái lát, sắc lấy nước uống.
Mướp đắng bỏ ruột thái lát nấu nước uống rất tốt cho người bệnh đái tháo đường, sốt cao mất nước, miệng khô, họng khát. Tuy nhiên, người huyết áp thấp không nên ăn nhiều mướp đắng.