Quay lại Dân trí
Dân sinh
  1. Diễn đàn Dân sinh

Một bữa tiệc âm nhạc thịnh soạn

Tối nay (16/6), SEA Games 28 sẽ chính thức khép lại trên SVĐ QG Singapore sau gần 20 ngày tranh tài.

 

Vào 19h hôm nay sẽ diễn ra Lễ bế mạc SEA Games 28. Buổi lễ hứa hẹn sẽ rất hoành tráng với bữa tiệc âm thanh, ánh sáng, mà chủ đạo là sự xuất hiện của những chiếc huy chương cách điệu.

Điểm nhấn của buổi lễ sẽ là sự xuất hiện của DJ hàng đầu thế giới Ferry Corsten cùng các nghệ sĩ lừng danh của Singapore như The Sam Willows, The Steve McQueens…

Tối nay (16/6), SEA Games 28 sẽ chính thức khép lại trên SVĐ QG Singapore.

Tại Việt Nam, Lễ bế mạc SEA Games 28 sẽ được tường thuật trực tiếp trên kênh VTV6.

SEA Games 28 là kỳ đại hội thể thao có sự tham dự của hơn 7.000 VĐV đến từ 11 quốc gia trong khu vực, thi đấu 36 môn thể thao, dự tranh 402 bộ huy chương. 

Trước SEA Games 28, đã có nhiều ầm ĩ về chuyện các môn thi đấu, vốn được coi là thế mạnh của một số quốc gia bị nước chủ nhà Singapore cắt giảm. Thế nhưng, nếu nhìn lại 36 môn do Singapore tổ chức thì hầu hết đều nằm trong hệ thống thi đấu của Asiad và Olympic. 

Vì vậy, câu chuyện “biết rồi nói mãi” là “quốc gia nào đăng cai SEA Games thì quốc gia đó sẽ “lượm” HCV một cách dễ dàng” đã không xảy ra. Thế nên, dù Singapore vẫn cho thấy ưu thế của nước chủ nhà lần này, nhưng nếu nhìn vào những chiếc HCV mà họ giành được thì đó đều là những tấm huy chương hướng tới các môn thể thao Olympic. 
Các nền thể thao hàng đầu khu vực Thái Lan, Việt Nam, Malaysia - chủ nhà của SEA Games 29 và Indonesia… đã và đang có những chiến lược “Olympic hóa” các môn thi đấu. Nếu Singapore có bơi lội, bóng bàn, thì Việt Nam có những đột phá về điền kinh, thể dục dụng cụ, đấu kiếm... Với Thái Lan, ngoài các môn thế mạnh truyền thống, họ chuyển hướng sang đầu tư cho bắn súng với việc “gom” về 14 HCV. Còn Malaysia, quốc gia này cho ra lò lứa VĐV môn thể dục dụng cụ đầy tài năng và đặc biệt là môn nhảy cầu, nơi mà họ đã giành toàn bộ số HCV tại SEA Games lần này.

Chắc chắn, SEA Games 28 vẫn còn có những “hạt sạn” về công tác tổ chức, nhưng so với các kỳ đại hội trước, nước chủ nhà Singapore thực sự cho thấy sự chuyên nghiệp của mình bằng việc đổi thay, tiếp nhận thông tin nhanh chóng. Và như đã đề cập, SEA Games 28 có thể là chiếc bản lề, là cột mốc để các quốc gia Đông Nam Á định hướng lại chiến lược thể thao, thay vì đến với đại hội thể thao với tư tưởng “lượng nhiều hơn chất”.

Có thể khẳng định rằng, SEA Games 28 đã thành công và xin tạm biệt Singapore, hẹn gặp lại ở Malaysia năm 2017!